Thông tư 30/2014 là sự thay đổi lớn về đánh giá toàn diện học sinh tiểu học, không phụ thuộc vào điểm số, không gây áp lực đối với các em, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh.
Đó là khẳng định của thầy Nguyễn Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lâm (Mường Nhé, Điện Biên) - sau hơn một học kỳ triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới.
Điểm tựa cho khó khăn ban đầu
Thầy Nguyễn Hồng Thái cho rằng, không thể phủ nhận, bước đầu đổi mới đánh giá học sinh từ điểm số sang đánh giá bằng nhận xét, giáo viên không tránh khỏi lúng túng khi phải chọn câu từ, lời lẽ để nhận xét sao cho thật sâu sát, đúng với năng lực của từng em.
Đồng thời, giáo viên phải điều chỉnh phương pháp dạy học và hình thức tổ chức học tập để thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh.
Thực hiện đánh giá học sinh theo TT 30/2014 chiếm nhiều thời gian của giáo viên, đặc biệt đối với học sinh vùng cao, nhận thức của học sinh còn chậm, giáo viên phải nhận xét, giúp đỡ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Thông tư 30 có quy định, giáo viên phối hợp với gia đình trong đánh giá học sinh. Nhưng thực tế ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn, phụ huynh bận rộn cả ngày, trình độ dân trí còn hạn chế, học sinh bán trú ở xa gia đình nên việc phối hợp cùng đánh giá là không khả thi.
Tuy vậy, những khó khăn lại được đắp bù bởi thuận lợi lớn: Trường tiểu học Quảng Lâm là một trong 11 trường tiểu học đang thực hiện Dự án VNEN của huyện Mường Nhé với tổng số 23 lớp 389 học sinh, trong đó có 386 học sinh dân tộc, Mông, Kháng, Dao. Những kinh nghiệm đã triển khai từ VNEN là bài học quý giúp nhà trường bắt tay vào thực hiện Thông tư 30.
Chính vì có bước đệm thuận lợi như vậy, nên thầy Nguyễn Hồng Thái cho biết: Sau khi tiếp thu Thông tư 30 qua lớp tập huấn do phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé tổ chức, Ban giám hiệu nhà trường đã nghiêm túc triển khai, chỉ đạo các tổ chuyên môn, các giáo viên tiếp tục nghiên cứu kỹ Thông tư 30.
Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chuyên đề cấp tổ, cấp trường và cấp cụm trường nhằm giúp cán bộ, giáo viên hiểu sâu sắc hơn nữa mục đích của Thông tư là đánh giá toàn diện quá trình học tập của học sinh, giúp các em học tập thoải mái, học sinh được quyền tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau....
Nhà trường cũng thực hiện kiểm tra việc áp dụng đánh giá thường xuyên học sinh thông qua hoạt động dạy học trên lớp, qua các bài kiểm tra, vở viết của học sinh.
Đồng thời, tuyên truyền tới cha mẹ học sinh, những người quan tâm đến giáo dục hiểu cách đánh giá theo Thông tư mới, phối hợp với nhà trường trong việc đánh giá học sinh.
Tiếp tục với 6 điểm nhấn
Xác định tất cả mới chỉ ở bước đầu, thầy Nguyễn Hồng Thái cho biết sẽ tiếp tục những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong thời gian tới để Thông tư 30 thực sự đi vào cuộc sống.
Theo đó, thứ nhất, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đội ngũ cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh về ý nghĩa của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30.
Thứ hai: Giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá bạn; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ".
Học sinh tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục khác, báo cáo kết quả với giáo viên.
Thứ ba: Tích cực tuyên truyền và hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia quá trình đánh giá, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.
Thứ tư: Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn cho tất cả cán bộ, giáo viên, tổ chức chuyên đề cấp trường, phối hợp với trường bạn để tổ chức tốt chuyên đề cấp cụm trường cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra những khó khăn cùng tháo gỡ và cùng thống nhất cách thực hiện Thông tư 30 có hiệu quả.
Thứ năm: Ban Giám hiệu tích cực kiểm tra, thăm lớp, dự giờ, giám sát giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong việc thực hiện Thông tư 30, nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế.
Thứ sáu: Chỉ đạo giáo viên nắm chắc 4 nguyên tắc quy định trong Thông tư, cụ thể là: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh;
Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học;
Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất;
Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Thông qua việc quan sát các biểu hiện và mức độ hoàn thành các hoạt động học của học sinh, hàng ngày, hàng tuần giáo viên có nhận xét tổng hợp về kiến thức các môn học/hoạt động giáo dục, nhận xét về năng lực, phẩm chất của học sinh trong tháng, cùng với ý kiến trao đổi với cha mẹ học sinh (nếu có) và tổng hợp ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
Nói về điểm nhấn của Thông tư 30, thầy Nguyễn Hồng Thái dẫn lời ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT:
Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục phải nghiên cứu kỹ thông tư, bằng sự trải nghiệm thực tế của mình, hãy phân tích, so sánh giữa cách đánh giá cho điểm trước đây, với đánh giá cho điểm định kỳ kết hợp với đánh giá thường xuyên, để hiểu sâu sắc ý nghĩa, tính ưu việt của sự thay đổi.
Đặc biệt, lý giải cho được vì sao phải đổi mới đánh giá, nội dung cốt lõi của đánh giá mới là gì và điều quan trọng là nó mang lại lợi ích gì cho học trò?
Bởi việc gì có lợi cho học trò, sẽ được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và xã hội. Ban đầu triển khai không tránh khỏi khó khăn, nhưng khó khăn mà giúp học sinh tiến bộ, có hứng thú học tập, học tốt hơn, thì khó mấy cũng quyết tâm làm..."
Liệu lời nhận xét có kích thích được hứng thú trong quá trình học tập của các em hay không?
Thiết nghĩ, lời nhận xét phải xuất phát từ cái tâm của người giáo viên, phải có quá trình theo dõi, tiếp xúc cùng học sinh.
Khó khăn lắm sao một lời nhận xét chân tình, sát sao để giúp các bé con của chúng ta có niềm tin, có nhẫn nại và ý chí để luôn cố gắng tiến bộ, hoàn thiện bản thân mỗi ngày theo khả năng của các con.
Và chúng tôi mong rằng: Tất cả giáo viên tiểu học cần hiểu được ý nghĩa lớn lao của "lời nhận xét chân tình" cho học sinh của mình. Việc chuyển đổi ban đầu hơi khó khăn nhưng dần sẽ quen và thấy được hiệu quả của nó.
Theo GD&TĐ