Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thương con 'hình tử cung'


Thời đại công nghiệp, khi xã hội đang đòi hỏi mỗi người phải có khả năng làm việc độc lập ở mức cao nhất, thì nhiều "chú gà công nghiệp" ra đời, lớ ngớ với mọi thứ xung quanh bởi đã trải qua quá trình được yêu thương theo "hình tử cung", như cách nói của Sara trong quyển "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" (NXB Lao động - Xã hội, 2014) - tác phẩm giáo dục thu hút nhiều người đọc tại Trung Đông và châu Á. Ở cách yêu thương "hình tử cung", đứa con chỉ việc chờ người mẹ truyền dưỡng chất để sống...


Buổi trưa, ở văn phòng tôi làm việc, có người kể "sự tích cậu ấm" rằng, có chàng trai đã gần hai mươi, nhân dịp bạn gái đến chơi nhà, đã tỏ vẻ sành điệu bằng cách tự tay nấu nước pha cà phê. Ai dè vì chưa bao giờ vào bếp, nên chàng đổ nước ngập ấm, lúc sôi, chàng xớ rớ bước lại, liền bị cái vòi ấm tung nước bay vào người, phỏng cả... "chim". Tất nhiên đó chỉ là câu chuyện vui của dân công sở, nhưng làm tôi nhớ tới thằng con của mình. Hồi nó còn bé, vợ chồng tôi nuôi mãi vẫn cứ còi cọc. Thằng nhỏ còn ẵm ngửa, vợ chỉ ưng áp dụng các kiểu ăn dặm kiểu Nhật, kiểu Mỹ học được trên mạng, cùng với sữa ngoại, các loại dầu ăn, váng sữa, thịt bò, cá hồi... toàn đồ có nhãn mác nước ngoài.


Thế mà cu cậu cứ tới giờ ăn là ngó lơ, thật nản. Vợ tôi vẫn kiên trì, nhất định phải theo đúng chuẩn mới được. Bảo kéo dãn khoảng cách các bữa ra cho con có cảm giác đói, thì cô ấy giãy nảy phản đối: Trẻ em mà không ép nó vào nền nếp, thì làm sao phát triển toàn diện được. Con lớn hơn chút, vợ tôi lại chuyển tông sang mê... cháo dinh dưỡng, cùng với món xúp, thịt bằm viên ở quầy thức ăn nhanh. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhanh gọn và giản tiện. Vợ tôi thường trầm trồ thế. Còn tôi, nhìn chén thức ăn mắc mỏ mà lõng bõng vài mẩu mỡ cùng khoai tây cà rốt, bảo sao không nấu ở nhà cho con ăn, vợ bực mình kêu, lợi bao nhiêu mà bày vẽ ra cho cực.


Từ bé, con tôi đã được "bao cấp", chẳng hề phải mó tay vào chuyện gì. Từ tắm rửa, thay đồ, cắt móng tay, cho tới... gãi lưng khi ngủ, cũng đều do bố mẹ phục vụ. Tôi thử tập cho con làm vài việc lặt vặt trong nhà, bị vợ phản đối, bảo phải cho con có thời gian học hành. Thời buổi công nghiệp, giải phóng sức lao động tay chân, hà cớ gì phải quan tâm tới mấy thứ tủn mủn vớ vẩn, sau này lớn lên, tự khắc nó biết làm chứ khó gì. Tôi lại yếu lòng, nghe vợ nói là thấy... có lý, không bắt con làm việc nhà nữa.


Bây giờ, thằng nhóc đang học cuối cấp I, béo tốt ục ịch và lười vận động một cách đáng ngại. Nhưng vợ hài lòng, bảo là "nhìn sướng con mắt". Cứ sểnh ra là mẹ con đi siêu thị hay trung tâm thương mại. Món ưa thích của con vẫn là khoai tây chiên, gà rán, trà sữa trân châu. Sinh nhật cũng đãi ngoài tiệm kiểu ấy. Cuối tuần, thưởng cho con cũng bằng cách đó. Vừa tiện lợi, đỡ mất thời gian, mà con mình cũng dễ ăn dễ chơi, hòa đồng với bạn bè trang lứa. Đứa nhóc nào mà chẳng vậy, hà cớ gì lại để con "quê mùa" với mấy món ăn mẹ nấu trong bếp.


Cũng bởi vì to con như thế, nên cách đây ít hôm, chở con đi học, giữa đường hết xăng, tôi mướt mồ hôi vừa đẩy xe, vừa "thồ" luôn thằng nhóc ngồi chễm chệ trên yên. Nói con xuống đi bộ một đoạn, nó phụng phịu kêu... mỏi chân, rồi trách bố chạy xe mà không để ý đổ xăng, con về méc mẹ la bố cho coi! Tôi tức cành hông, nhớ tới cái hình trên mạng, thằng con trai ở tuổi trung học thản nhiên ngồi cho mẹ đẩy xe trên đoạn đường nước ngập, tự dưng thấy rùng mình. Nếu không "giáo dục lại", hẳn rồi trong tương lai gần, vợ chồng tôi cũng sẽ phải nếm trải cảnh tương tự mà thôi, không thể nào tránh được.


Tôi cứ nghĩ, một đứa trẻ mới tượng hình, cần nằm trong tử cung để sống thì đúng rồi, nhưng khi đã đẻ đứa trẻ ấy ra, cha mẹ lại tiếp tục tạo thêm một "tử cung" khác, to hơn để bảo bọc con trong mọi hoàn cảnh thì rõ ràng lỗi là do cha mẹ. Tác giả Sara truyền thông điệp, cha mẹ phải yêu con theo "hình ngọn lửa", nóng rát, khốc liệt, bởi "vô cùng tàn nhẫn cũng là vô cùng yêu thương".


Sáng nay chở con đi học, trời cuối năm se lạnh, vợ tôi chạy ra cổng, bắt tôi khoác thêm áo ấm cho thằng bé. Biết cãi "lệnh bà" không được, tôi vẫn mặc áo cho con, nhưng đi được một đoạn thì dừng xe, cởi ra. Đứa con ngơ ngác hỏi "sao vậy bố?", tôi trả lời trong sự ngỡ ngàng của con: "Để cho con được lạnh một tí, con cũng cần phải biết lạnh là thế nào chớ". Tôi bắt đầu tìm thêm những hình thức khiến con "khổ một tí", hy vọng sẽ cải thiện được tình hình.


Theo PN