Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lưu ý khi cho bé ăn bột sữa


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bạn chỉ nên cho bé bắt đầu ăn bột sữa (bột pha sữa bột, còn gọi là bột ngọt, để phân biệt với bột mặn) từ thời điểm sáu tháng tuổi.


Ăn dặm là ăn thêm, chứ không lấy bột thay thế hoàn toàn khẩu phần của trẻ. Ảnh minh họa: Internet


Nếu sớm quá, với hệ tiêu hóa non nớt chưa sẵn sàng để chuyển hóa loại thức ăn khác ngoài sữa, thận của bé sẽ phải hoạt động quá sức. Nếu muộn quá, sữa không đủ dinh dưỡng cho sức hoạt động của một bé đã hiếu động hơn với những kỹ năng tay chân và bắt đầu trườn, bò, ngồi... Cho ăn muộn, bạn cũng để mất "cơ hội vàng" khiến bé trở thành đứa trẻ ăn ngoan, vì đây là thời điểm bé rất thèm ăn thức ăn mới, thường đòi khám phá món lạ.


Theo tư vấn của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, từ tháng thứ sáu tới tháng thứ chín, cha mẹ có thể cho bé ăn dặm ngày hai bữa. Trong đó, bột sữa ăn vào lúc 10g sáng và bữa dặm lúc 4g chiều là bột mặn (bột mặn là bột có thịt, cá, tôm... chứ không phải bột có muối). Bột nên được chế biến từ loãng như dạng hồ, dần dần sệt hơn thành dạng đặc. Ngoài bữa chính, trẻ cần được bú mẹ theo nhu cầu. Nếu bé uống sữa công thức, bạn nên phân bố các bữa sữa xen kẽ bữa ăn. Bé cũng cần được thử các loại nước trái cây pha loãng, ăn các loại trái cây tán nhuyễn.


Khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm, sữa vẫn là thức ăn chính của trẻ với số lượng khoảng 800ml tới 1.000ml/ ngày. Ăn dặm tức là ăn thêm, ăn bổ sung, chứ không lấy bột thay thế hoàn toàn khẩu phần của trẻ.


Một số bé khi ăn dặm bột có thể bị táo bón do mẹ quên cho bé uống thêm nước. Giai đoạn sáu tháng đầu, nếu bú sữa mẹ hoàn toàn, bé không cần uống nước vì sữa mẹ đã cung cấp đủ. Khi bắt đầu ăn dặm, bé phải uống đủ nước để có thể tiêu hóa tốt lượng thức ăn đặc.


Theo PN