Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cẩn thận vẫn chưa hết lo


Vấn đề ATTP trong các trường học ở Hà Nội được giám sát ra sao khi TP là địa phương có số lượng học sinh (HS) và tỷ lệ HS bán trú luôn thuộc nhóm đứng đầu cả nước?


Khó kiểm định nguồn thực phẩm?
Hà Nội hiện có trên 1.400 trường có tổ chức ăn bán trú, trong đó, số có bếp ăn tại trường là 1.077, số phải thuê nhà thầu cung cấp suất ăn là 317. Khảo sát thực tế tại bếp ăn của một số trường cho thấy, dù các mô hình bếp ăn không giống nhau, song quy trình nấu ăn được kiểm soát khá kỹ lưỡng, vấn đề ATTP trong các bữa ăn luôn được các nhà trường đặt lên hàng đầu.

Giờ ăn trưa tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng


Tại trường Mầm non A (quận Hoàn Kiếm), nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chế độ ăn cho HS theo biểu đồ dinh dưỡng hàng ngày. Bà Chu Thị Quỳnh - Hiệu trưởng trường Mầm non A chia sẻ, nhà trường đã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm cho bếp ăn nhà trường, cam kết đảm bảo thực phẩm, rau, thịt có nguồn gốc rõ ràng. Nhà trường cũng có người kiểm soát khi giao nhận thực phẩm một cách kỹ lưỡng. Khâu chế biến, bảo quản thực phẩm được thực hiện đúng theo quy định, hàng ngày đều lưu mẫu thức ăn để kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư mua máy sấy bát đũa, tủ đựng bát... để vệ sinh đồ dùng bữa ăn cho HS.


Trường Tiểu học Hoàng Liệt (huyện Thanh Trì), Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông)... dù không có điều kiện tổ chức nấu ăn tại trường, song cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho bữa ăn bán trú của HS, từ việc chọn cơ sở ký hợp đồng cung cấp suất ăn, cho đến việc kiểm tra chất lượng bữa ăn, kể cả việc thu dọn và làm sạch bát đĩa, đồ dùng phục vụ bữa ăn.


Tuy nhiên, qua trao đổi với đại diện các trường cũng cho thấy, dù đã đặt vấn đề ATTP lên hàng đầu, dù đã và giám sát kỹ lưỡng và thường xuyên bữa ăn bán trú cho HS, song không phải các trường đã yên tâm với mọi khâu. Bởi trên thực tế, hiện còn khá nhiều trường tiểu học thực hiện mô hình trường bán trú, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc tự nấu ăn phục vụ HS nên phải ký hợp đồng với cơ sở bên ngoài để cung cấp suất ăn hàng ngày cho HS. Dù đã ký cam kết về nguồn thực phẩm, chất lượng bữa ăn, nhưng khâu giám sát quy trình chế biến vẫn còn là dấu hỏi. Ngay với các trường có đủ điều kiện tổ chức nấu ăn phục vụ HS, vấn đề kiểm định lại nguồn thực phẩm từ các cơ sở bên ngoài mang vào nhà trường vẫn còn sơ sài. Nhiều trường chỉ thực hiện kiểm định bằng mắt thường như quan sát xem thực phẩm có còn tươi xanh không, chứ chưa có biện pháp nào khả dụng hơn. Bà Trần Thị Thúy Tình - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) thừa nhận: "Thực phẩm để nấu bữa trưa cho HS, trường đặt mua ở các cửa hàng có Giấy chứng nhận VSATTP do Trung tâm y tế xã và huyện cấp, nhưng chưa có biện pháp nào để kiểm định lại các thực phẩm được mua từ các cửa hàng này. Nhà trường cũng lo lắng vấn đề ATTP, trước khi nấu ăn, chúng tôi yêu cầu các nhân viên rửa thực phẩm bằng máy ozon. Đồng thời, hàng ngày phải lưu lại các mẫu thực phẩm trong vòng 24 giờ". Nghĩa là dù đã rất kỹ lưỡng với vấn đề ATTP, song chưa phải nhà trường đã yên tâm mọi bề với quy trình thực hiện đảm bảo ATTP hiện tại.


Thường xuyên kiểm tra, giám sát
Trước những lo ngại về mất VSATTP sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của HS, nhất là ở cấp tiểu học và đặc biệt là đối với bậc học mầm non, bà Nguyễn Thị Hào - Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, phụ trách vấn đề dinh dưỡng (Sở GD&ĐT Hà Nội) khẳng định, để đảm bảo ATTP, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức ăn bán trú thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm sạch; Thường xuyên kiểm tra, rà soát chất lượng, nguồn gốc, giá cả thực phẩm của các nhà cung ứng nhằm đảm bảo chất lượng và ATTP. Ngay từ đầu năm học, Sở đã tổ chức hội nghị trực tuyến về ATTP không chỉ có các cán bộ cốt cán, mà có mặt 100% hiệu trưởng các nhà trường. Hơn thế, như bà Hào cho biết: "Chúng tôi còn khuyến khích các trường ở ngoại thành có diện tích rộng tăng cường trồng rau, tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ, các trường nội thành sử dụng hiệu quả thực phẩm đầu vào".


Trả lời cho câu hỏi về việc kiểm tra, giám sát vấn đề ATTP trong bếp ăn nhà trường của nhà quản lý, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện đảm bảo ATTP trong các trường học bán trú luôn được ngành giáo dục quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, Sở đã phối hợp với Sở Y tế thành lập 5 đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các nhà trường thành lập tổ kiểm tra giao nhận thực phẩm hàng ngày bao gồm Ban giám hiệu, cán bộ giáo viên trực, thanh tra Nhân dân, duy trì công tác kiểm tra hàng tuần, tháng, năm. "Bài học về công ty rau an toàn chuyên cung cấp rau sạch cho các siêu thị nhưng lại thu mua rau không an toàn ngoài thị trường là minh chứng rõ nhất về nguy cơ thực phẩm không an toàn tràn vào trường học vì lợi nhuận. Việc kiểm tra đột xuất các DN này cực kỳ cần thiết, nhưng bản thân trường học không đủ chức năng thực hiện. Để vào được DN phải có ban kiểm tra liên ngành. Theo tôi, cần tăng cường kinh phí cho các đoàn kiểm tra này để kịp thời phát hiện những thực phẩm không an toàn và có chế tài xử phạt mạnh tay hơn" - ông Thống kiến nghị.


Theo KTĐT