Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

6,7 triệu trẻ em được bảo vệ nhờ vắc-xin nội


Đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện nay, chất lượng của các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm dịch vụ đều như nhau. Việc ồ ạt chọn hình thức tiêm vắc-xin dịch vụ cũng bởi tâm lý truyền tai nhau của người dân.


Phụ huynh ngồi chờ tiêm chủng cho con tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: N.N


Cháy hàng do "sính" ngoại
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, gia đình đã chờ hơn 2 tháng để có vắc-xin "6 trong 1" tiêm cho cậu con trai hơn 5 tháng tuổi. Theo anh Minh, đúng lịch thì 2 tháng tuổi cháu đã phải được tiêm rồi, nhưng vì không có vắc xin nên gia đình phải nhờ người đến Trung tâm Y tế dự phòng chầu chực từ sớm để lấy được số thứ tự vì sợ số lượng vắc-xin có hạn sẽ hết sớm.


Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, từ đầu năm 2015 đến nay có gần 300 trường hợp nhập viện vì ho gà (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014), chủ yếu là các bé dưới 6 tháng tuổi. Theo các bác sĩ, các trường hợp này nhập viện vì mắc bệnh ho gà, đều do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.


Hiện các loại vắc-xin nằm trong tình trạng cháy hàng. Vắc-xin phòng các bệnh ho H.Influenzae tuýp B như Viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm mũi hầu của Pháp, vắc-xin phòng bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu nhóm A và C của Pháp... Đặc biệt là vắc-xin tổng hợp "5 trong 1" ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do H.influenzae tuýp B thế hệ mới của Pháp (Pentaxim), vắc-xin "6 trong 1" Infanrix Hexa của Bỉ.


Chất lượng vắc-xin chương trình TCMR an toàn

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 25 năm qua, vắc-xin đã bảo vệ 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn ngừa 42.000 ca tử vong khỏi các bệnh dịch có thể gây tử vong như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt. Vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR đảm bảo an toàn và được kiểm soát bởi hệ thống quản lý vắc-xin quốc gia. Tất cả các loại vắc-xin này đều được kiểm tra chất lượng theo một quy trình chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối. WHO và UNICEF hỗ trợ hệ thống quản lý vắc-xin quốc gia trong việc rà soát kết quả thử nghiệm lâm sàng, quy trình sản xuất, cơ sở sản xuất và kiểm tra chất lượng vắc-xin theo lô.


Hiện Việt Nam cũng đã tự sản xuất được vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus và sẽ nhỏ vắc-xin miễn phí cho trẻ trong năm 2016.


Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc ồ ạt chọn hình thức tiêm vắc-xin dịch vụ cũng bởi tâm lý truyền tai nhau của người dân. Do vậy, các bậc phụ huynh nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc-xin dùng trong Chương trình TCMR.


Dự báo, trong năm 2016 tình hình khan hiếm vắc xin "6 trong 1" và "5 trong 1" sẽ tiếp tục diễn ra. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên có tâm lý chờ đợi vắc-xin mà làm chậm trễ việc tiêm ngừa của trẻ, vì chỉ cần chờ đợi 1 - 2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh.


Tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh thuộc Chương trình TCMR không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.


Bộ Y tế đang nghiên cứu và tiếp tục đề xuất với Chính phủ để đưa thêm vắc-xin vào Chương trình TCMR như: Vắc-xin phòng bệnh bại liệt dạng tiêm, phòng bệnh do phế cầu, phòng bệnh ung thư tử cung, tiêu chảy...


Sắp tới, vắc-xin của Chương trình TCMR sẽ bao phủ hầu hết các bệnh gây tử vong trên trẻ em Việt Nam. Điều này sẽ hạn chế tình trạng người dân phụ thuộc vào vắc-xin dịch vụ.


Theo lộ trình, từ năm 2018 - 2020, Việt Nam có thể sản xuất được vắc-xin "5 trong 1" và "6 trong 1" để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây sẽ là nguồn cung hoàn toàn chủ động để giải quyết tình trạng cung ứng vắc-xin và đảm bảo công tác phòng bệnh cho người dân.


Theo Giadinh&Xahoi