Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách giúp trẻ giữ im lặng nơi đông người


Nhõng nhẽo, lèo nhèo, mè nheo... là "vũ khí" gây chú ý của trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu bố mẹ không điều chỉnh trẻ ngay từ bé sẽ tạo thành thói quen thích làm phiền người khác về sau.


Trẻ học phép lịch sự trước hết từ gia đình


Bố mẹ làm gương

Hút thuốc lá nơi công cộng, nói chuyện, trao đổi qua điện thoại váng cả phòng làm việc, chốn đông người... đó chính là những hành vi xảy ra hàng ngày quanh chúng ta. Dạy con không làm phiền người khác là tạo lập cho con thói quen cư xử văn hóa và lịch sự.


Để giáo dục con làm được điều này, TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường ĐH Sư phạm HN) cho rằng bản thân bố mẹ cần phải làm gương cho trẻ. Trong nhiều trường hợp, các cha mẹ nên lưu ý những hành vi có thể gây ảnh hưởng hoặc làm phiền người khác như nói quá to trong 1 tập thể, quán ăn, trong đám đông...., vứt rác lung tung, chen lấn xô đẩy, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm...


Khi chúng ta ngưng làm những hành vi trên, đám trẻ sẽ vô cùng hài lòng vì nghĩ rằng: Thiên hạ có sai gì thì sai, những người mà chúng yêu thương và kính trọng nhất là cha mẹ chúng sẽ không bao giờ làm những việc xấu, gây ảnh hưởng đến người khác. Và chính chúng cũng sẽ thay đổi thái độ ngay để phù hợp với gương "người tốt, việc tốt" mà chúng được học tập.


Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, bố mẹ hãy đề nghị con quan sát những hành vi đó ngoài phố. Khi con quan sát, cha mẹ nên phân tích cho con thấy, những hành vi đó sẽ làm phiền những người xung quanh thế nào và họ sẽ cảm thấy bực bội đến mức nào.


Đây cũng chính là nguyên nhân gây xung đột, vì thế, việc giảm thiểu các hành vi đó sẽ giúp giảm thiểu các xung đột dẫn đến những vụ xô xát không đáng có. Khi con đã có những kết luận riêng của mình, trẻ sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi cho khỏi làm phiền đến người khác.


"Bố mẹ cần phải nhắc nhở con thường xuyên khi con ở nhà. Khi con mè nheo cái gì đó, nếu cha mẹ đang bận, cha mẹ có thể nói với con 1 câu nói nhỏ: "Theo cha/mẹ, con đang làm phiền đến cha/mẹ đấy". Lời nhắc đó diễn ra thường xuyên thì lũ trẻ cũng sẽ hiểu được thông điệp không làm phiền người khác và sẽ điều chỉnh hành vi cho phù hợp"- TS Hương nhấn mạnh.


Tập cho trẻ nói lời xin lỗi

Theo TS Hương thì khi trẻ có mâu thuẫn, cha mẹ nên tự để trẻ giải quyết mâu thuẫn của mình, tuyệt đối không can thiệp. Sau đó 1 thời gian (độ 1 tuần), nghĩa là khi mâu thuẫn đó đã giải quyết xong từ lâu lắm rồi, cha mẹ sẽ phân tích rõ ràng xem ai làm phiền ai và làm phiền thế nào. Lúc đó đám trẻ sẽ nhận thức rõ mình đã làm hành vi gì và tại sao người kia lại tức giận. Cách thức đó giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn lần sau tốt hơn.


"Các bậc phụ huynh nên tự lập cho mình thói quen xin lỗi bất kể ai, bất kể lúc nào khi làm phiền ai đó như đi ngang qua họ, buộc phải làm phiền.... Con sẽ nhìn theo và học hỏi cha mẹ rất nhanh. Dĩ nhiên, con cũng không ngoại lệ. Cha mẹ nên lập thói quen xin lỗi con nhiều hơn.


Đơn giản là: Mẹ xin lỗi, mẹ có thể đi qua trước mặt con được không? (Thay vì, "tránh ra cho mẹ đi nào") hay bố xin lỗi, bố có thể xem sách vở con được không? (Thay vì quát "Đưa vở ở lớp ra đây").


Với tình huống này cha mẹ có thể nói với con: Khi con va vào ai đó hoặc buộc phải bước qua trước mặt ai để đi, hoặc... buộc phải làm gì đó ảnh hưởng đến người ta thì con cần có câu xin lỗi. Xin lỗi đó vừa lịch sự vừa đảm bảo mình có thể "làm phiền" trong trường hợp bất khả kháng. Như vậy, việc hình thành thói quen xin lỗi cũng sẽ diễn ra tự nhiên hơn.


Theo mevabe