Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bỏ giá trần mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có làm thị trường mất kiểm soát?


Trước thông tin từ 1.7.2016 tới, sẽ bỏ giá trần áp dụng với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Việc bỏ giá trần có cần thiết hay không và liệu có làm thị trường giá sữa rơi vào tình trạng mất kiểm soát?


Trước việc loạn giá sữa, cách đây gần 1 năm, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá trần từ ngày 1.6.2015 đến hết ngày 31.12.2016. Việc thực hiện áp giá trần đối với sản phẩm sữa của Bộ Tài chính đã giúp giá sữa trên thị trường đi vào thế ổn định và người tiêu dùng được mua sữa với mức giá hợp lý. Thống kê của Bộ Tài chính cho hay, tính đến hết quý I năm 2016 đã có trên 800 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá trần. Và với thông tin Bộ Tài chính đang xem xét dỡ bỏ giá trần áp dụng đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày 1.7.2016 khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Câu hỏi mà người tiêu dùng đưa ra, liệu để doanh nghiệp tự quyết giá sữa có dẫn đến tình trạng loạn giá hay không?


Trẻ em phải được quyền dùng giá sữa hợp lý.


Về phía Hiệp hội doanh nghiệp sữa Việt Nam cho rằng, động thái bỏ trần giá sữa vào thời điểm này là phù hợp với kinh tế thị trường; đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã, đang tham gia các sân chơi thương mại tự do. Còn một vị ở Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: "Quản lý giá phải tuân theo quy luật thị trường chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính". Tuy nhiên, quan điểm Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, điều mà người tiêu dùng mong muốn là Bộ Tài chính nhanh chóng có biện pháp quản lý giá sữa sau khi dỡ bỏ giá trần. Cụ thể, các nhà quản lý cũng cần xem xét kỹ các vấn đề như giá trên thị trường có cạnh tranh minh bạch hay không, loại sữa mới nào sẽ vào thị trường trong nước, có xảy ra tình trạng độc quyền nhóm hay không? Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì không thể bỏ trần giá sữa được.


Anh Phan Thế Thọ - chủ một cửa hàng sửa trên phố Thái Thịnh - nói, sữa là mặt hàng đặc biệt để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho trẻ em. Vì vậy, khi chúng ta đã ban hành Luật Trẻ em (sửa đổi) thì việc Nhà nước quản lý giá sữa để các cháu được quyền dùng sữa đúng giá là đương nhiên. Vì vậy, hội nhập gì thì hội nhập với trẻ em chúng phải bảo vệ các cháu. Do đó, không nhất thiết cứ thực thi hội nhập là chấp nhận quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo cơ chế thị trường (bỏ trần). Về vấn đề này, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ: "Việt Nam hiện có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, đây là đối tượng rất nhạy cảm và cần được quan tâm. Thêm vào đó, thu nhập người dân cũng chưa cao so với khu vực và thế giới. Thế nên, với việc bỏ giá trần, quan điểm của Bộ Tài chính là phải đảm bảo cạnh tranh, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng. "Các doanh nghiệp phải đảm bảo sự minh bạch về chi phí cho nguồn nguyên liệu, chi phí như thế nào để sản xuất ra sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó phải tính chính xác chi phí quảng cáo, khuyến mại và nhiều chi phí khác đi kèm" - Bộ trưởng Dũng cho hay.


Nói là vậy, nhưng vấn đề là nhìn vào bài học nhãn tiền cách quản lý giá một số mặt hàng quan trọng như thuốc tây, sữa ở thời gian qua, ai có thể đảm bảo rằng khi chúng ta bỏ trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa lại không lợi dụng khe hở của chính sách để lách luật, lũng đoạn thị trường giá sữa? Vấn đề đặt ra, không nhất thiết cứ phải thực thi cơ chế thị trường là bỏ đi khâu quản lý giá.


"Sữa là mặt hàng đặc biệt để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho trẻ em. Vì vậy, khi chúng ta đã ban hành Luật Trẻ em (sửa đổi) thì việc Nhà nước quản lý giá sữa để các cháu được quyền dùng sữa đúng giá là đương nhiên. Vì vậy, hội nhập gì thì hội nhập với trẻ em chúng phải bảo vệ các cháu. Do đó, không nhất thiết cứ thực thi hội nhập là chấp nhận quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo cơ chế thị trường (bỏ trần)".


Theo NLĐ