Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thừa 27.000 giáo viên THCS, thiếu 45.000 giáo viên mầm non


Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ tiếp tục trở thành một trong những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Hà Nội ngày 14-1.


Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên các trường công lập bậc THCS nhưng lại thiếu hơn 45.000 giáo viên công lập ở bậc học mầm non.


Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục, Bộ GD&ĐT, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc khoảng 1,2 triệu, trong đó công lập 769.070 giáo viên. Tuy vậy, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông.


Cả nước hiện đang thiếu khoảng hơn 45.000 giáo viên, chủ yếu là ở bậc mầm non. Ảnh: minh họa


Tổng số giáo viên công lập dôi dư là 26.750, trong đó, tiểu học là 3.194, THCS là 21.005, THPT là 2.551. Tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.058, trong đó, mầm non là 32.641, tiểu học 7.824, THCS là 2.799 và THPT là 1.794.


Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp THCS như: Thái Bình thừa 1.224 giáo viên, Phú Thọ thừa 1.191 giáo viên, Thanh Hóa thừa 2.188 giáo viên, Nghệ An thừa 1.742 giáo viên, Quảng Nam thừa 1.096 giáo viên.


Các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La thiếu 1.040 giáo viên, Bắc Giang thiếu 1.921 giáo viên, Thái Bình thiếu 1.500 giáo viên, Thanh Hóa thiếu 1.405 giáo viên, Nghệ An thiếu 3.328 giáo viên, TP Hồ Chí Minh thiếu 1.195 giáo viên. Đối với bậc tiểu học, một số tỉnh thiếu nhiều giáo viên như TP Hà Nội thiếu khoảng 2.696 giáo viên, Sơn La thiếu 1.133 giáo viên, Gia Lai thiếu 1.196 giáo viên...


Phân tích nguyên dân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang trở thành một trong những điểm nóng của ngành giáo dục, các đại biểu đều thẳng thắn chỉ ra rằng: Mặc dù hệ thống văn bản liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức về cơ bản là khá hoàn chỉnh, đồng bộ nhưng một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên ở một số địa phương còn tồn tại nhiều điểm không hợp lý.


Đơn cử như việc nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên một cách tràn lan, không đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp THCS, THPT xuống dạy cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học.


Ngoài ra, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ còn xuất phát từ việc thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên trên cả nước và từng địa phương...


Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Việc điều chuyển giáo viên thừa - thiếu giữa các bậc học, đặc biệt là từ bậc THCS và THPT xuống mầm non là giải pháp tình thế nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng chất lượng. Việc tiến hành vội vã có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau này, chẳng hạn có thể "đẻ" thêm nhiều hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ.


"Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên các cấp học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.


Đồng thời, rà soát số lượng giáo viên THCS, THPT dư dôi của địa phương đang được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học nhưng chưa được đào tạo đạt chuẩn nhằm đào tạo lại số giáo viên này đạt trình độ theo quy định"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.


Cũng theo ông Nhạ, về lâu dài, ngành giáo dục cần làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để chủ động trong công tác dự báo nguồn nhân lực ngành Giáo dục; tiến hành xây dựng chuẩn trường sư phạm hiện đại, tự chủ; sử dụng chuẩn này để kiểm định phân tầng, xếp hạng các trường sư phạm và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng.


Theo HNM