Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lợi hay hại khi dạy trẻ mẫu giáo viết chữ?


Các em học sinh mẫu giáo là người gánh áp lực nặng nề nhất khi chính thầy cô và phụ huynh cho rằng học chữ ở lứa tuổi này sẽ tốt cho chúng.


Phụ huynh nóng vội


Hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh có con học mẫu giáo đều mang quan điểm, trẻ học ở bậc học này ngoài việc nhận biết được 24 chữ cái phải viết thành thạo được các mặt chữ.


Chị Phạm Thị Hồng Dung, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM, có con gái đang học ở trường mẫu giáo của Q.1 chia sẻ: “Tôi không muốn con mình chỉ dừng lại ở việc nhận biết chữ cái vì giáo dục bây giờ đổi mới. Tôi nghĩ nếu con mình không học viết chữ ngay khi ở cấp mẫu giáo thì sau này khi lên lớp 1 sẽ rất khó theo kịp với các bạn cùng trang lứa”.


Một số phụ huynh khác cũng có cùng quan điểm như chị Dung bày tỏ: Chương trình học của cấp tiểu học bây giờ khá nhiều kiến thức. Thời gian trên lớp, các thầy cô đều giảng dạy sao cho bảo đảm không để cháy giáo án, tức là tiết học nào cũng phải dạy hết bài của tiết học đó. Chính vì vậy, các em học sinh lớp 1 sẽ không có thời gian để trau chuốt và uốn nắn chữ viết. Chữ xấu là một phần, nghiêm trọng hơn là các em viết sai nhiều lỗi chính tả. Trước thực tế đó, các bậc phụ huynh đã “bắt ép” con mình phải học chữ ngay từ mẫu giáo để khi lên lớp 1 sẽ có nhiều thời gian học các môn khác. Áp lực này khiến các trường mẫu giáo vì thị hiếu khách hàng nên vẫn dạy viết chữ cho trẻ dù đây là chương trình không có trong giáo án.


Tuy nhiên, ít phụ huynh nào biết rằng để việc dạy viết chữ cho trẻ dưới 6 tuổi tốt phải có hàng loạt các yếu tố bắt buộc như trình độ của giáo viên, phương pháp dạy viết, bàn ghế có đúng kích cỡ, ánh sáng có đủ tiêu chuẩn. Những vấn đề này có lẽ các bậc phụ huynh còn bỏ ngỏ.


Giáo viên mẫu giáo đang giúp các em cảm thụ âm nhạc qua phương pháp dạy múa, hát.


Không nên ép trẻ


Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non khẳng định, các trường không được dạy chữ cho trẻ trước khi các em bước vào cấp tiểu học. Việc dạy viết chữ cho trẻ cấp mẫu giáo chỉ dừng ở mức độ để các em làm quen với các chữ cái thông qua các chuyên đề cùng vui học. Qua đó giúp các em dễ tiếp thu và tiếp nhận kiến thức.


Cô Nguyễn Thị Yến Nhi, giáo viên của Trường mẫu giáo Lộc Đức, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Cơ quan thần kinh của trẻ em dưới 6 tuổi vẫn còn non yếu và đang trong quá trình phát triển nên việc dạy viết chữ lúc này hoàn toàn không phù hợp. Mặt khác, xương và cơ tay của các em còn rất yếu ớt nên việc cầm bút sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi trẻ cố hết sức để cầm bút viết có thể dẫn tới những trường hợp đáng tiếc như: Cong xương tay hoặc nét chữ xấu ngay từ ban đầu và cực kỳ khó điều chỉnh về sau”.


Chị Trần Thanh Thư, sinh viên năm 4 ngành Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương TP.HCM, từng có thời gian làm thêm tại các trường mẫu giáo tại thành phố, bộc bạch: “Trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nên học các bài giảng nhẹ nhàng mang tính vui chơi để phát huy hết năng khiếu của trẻ như: Múa, hát, tập giao tiếp với nhau theo những mẫu chào hỏi đơn giản”.


Cô Nguyễn Thị Yến Nhi còn cho biết thêm, giáo viên dạy học tại các trường mẫu giáo chỉ được đào tạo với những kiến thức về cách nuôi dạy, chăm sóc trẻ nên việc dạy viết chữ cho các em chắc chắn sẽ không khoa học và không đúng chuẩn. Bên cạnh đó, nếu trẻ ở lứa tuổi này cứ chăm chú vào việc học viết chữ mà đáng lẽ vào lớp 1 mới phải học thì các em sẽ bị hạn chế khả năng quan sát tự nhiên xung quanh và giảm tính sáng tạo, cũng như trí tưởng tượng của trẻ không được phát huy.


Theo cô Yến Nhi, phụ huynh nên chuẩn bị cho con mình tâm lý thoải mái nhất để các em có thể học hỏi, khám phá chứ không nhất thiết chuẩn bị cho con tập đọc, tập viết.


Theo Người Tiêu Dùng