Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô trò được hỗ trợ ăn trưa hưởng lương viên chức


Tháng 2/2018, Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành như một làn hơi ấm lan tỏa đến các trường mầm non; cô giáo được đưa vào hưởng lương viên chức và trẻ mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa. Nghị quyết 06 tăng thêm thu nhập cho giáo viên là động lực to lớn để các cô gắn bó với nghề, đồng thời cũng là bàn tay nâng đỡ những trẻ em nghèo khi được hỗ trợ tiền ăn trưa, các cháu ra lớp nhiều hơn. 

Quan tâm đến cả cô và trò

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non: Chỉ tính từ thời điểm tháng 2-5/2018, tổng số trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi thuộc đối tượng được hưởng chính sách là 989.851 (chiếm tỷ lệ 20,9% tổng số trẻ 3-5 tuổi đến trường trên toàn quốc). Trong đó, trẻ em học trường ngoài công lập được hưởng chính sách là 11.110 trẻ (chiếm 1,12% tổng số trẻ được hưởng chính sách).

Tổng số kinh phí dự toán để thực hiện chính sách cho trẻ là 432.250 triệu đồng; kinh phí đã chi trả là 319.396 triệu đồng, tỷ lệ chi trả đạt 73,89% so với kinh phí dự toán. Tính nhân văn của Nghị định lan tỏa rộng khắp các nhà trường là động lực để cô giáo gắn bó với nghề và thu hút trẻ ra lớp mẫu giáo.

Việc thực hiện chính sách cho giáo viên mầm non, số tỉnh có giáo viên thuộc đối tượng chuyển xếp lương theo Nghị định là 33/63 tỉnh, với 21.280 người. Đối với giáo viên mầm non dạy 2 buổi/ngày tại nhóm trẻ, lớp mẫu ghép từ 2 độ tuổi trở lên ở điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người DTTS tại các điểm lẻ ở CSGDMN công lập thuộc vùng có điều kiện KTXH ĐBKK. Có 42/63 tỉnh có giáo viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định, với tổng số 27.413 người. Trong đó: 13.592 người hưởng chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép; 13.821 người được hưởng chính sách dạy tăng cường tiếng Việt.

Cũng theo ông Minh, đến nay, các địa phương đã kịp thời thực hiện công tác xét duyệt hồ sơ, tổng hợp, lập dự toán kinh phí hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non; tiến hành chi trả 100% các chính sách cho trẻ và giáo viên thuộc đối tượng của Nghị định.

Việc hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 05/1/2018 của Chính phủ đã giúp duy trì tỷ lệ chuyên cần và tỷ lệ học 2 buổi/ ngày, đặc biệt đối với đối tượng trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, trẻ vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp duy trì vững chắc việc thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN.

Những con số biết nói

Lào Cai là tỉnh biên giới phía Bắc, dân số 67,6 vạn người với 25 dân tộc, nhiều xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, thời tiết bất lợi… Thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non là niềm vui lớn đối với trẻ em vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào người dân tộc thiểu số và giáo viên.

Việc thực hiện chi trả chế độ cho trẻ em và GV hưởng chế độ được thực hiện nghiêm túc, chính xác. Tính đến thời điểm tháng 10/2018, 100% cán bộ, giáo viên và trẻ em trên địa bàn 9 huyện, thành phố tỉnh Lào Cai được thụ hưởng chính sách theo đúng các nội dung được quy định với tổng số tiền chi trả cho trẻ em trên 17,7 tỷ đồng, GV trên 4,6 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 231 trường mầm non (trường công lập: 215 trường; Trường ngoài công lập: 16 trường, toàn tỉnh có 84.337 trẻ mầm non và 6.303 giáo viên). Tính đến tháng 7/2018, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chi trả chế độ chính sách cho trẻ và giáo viên: Tổng số trẻ được hưởng: 16.350 trẻ với tổng kinh phí đã chi trả: 5.557.110.000 đồng; Tổng số giáo viên hưởng: 432 giáo viên, trong đó, giáo viên dạy lớp ghép: 22 giáo viên; Giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt: 410 giáo viên; Với tổng kinh phí đã chi trả: 1.961,10 triệu đồng, dự tính kinh phí tăng thêm 1 năm: 3.462,66 triệu đồng.

Theo đại diện sở này, trong điều kiện số trẻ đến trường mầm non tăng nhanh và số lượng giáo viên biên chế được giao chưa đủ so với số trẻ/nhóm, lớp... Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách của địa phương liên quan đến đội ngũ cũng như đảm bảo chế độ của người làm việc.

Thanh Hoá là một tỉnh địa bàn rộng đứng thứ 5 về diện tích, đứng thứ 3 về dân số, có 7/62 huyện nghèo nhất cả nước. Với sự quyết tâm cao, toàn ngành đã tập trung chỉ đạo. Kết quả cụ thể, tính từ tháng 2 – 7/2018: Tổng số trẻ em mẫu giáo được hưởng chính sách: 58.282 trẻ; Tổng số kinh phí dự toán của các huyện, thị xã, thành phố: 26,084,320. Tổng số giáo viên mầm non theo thống kê đúng đối tượng được hưởng chính sách là 2.038 người. Trong đó, số lượng giáo viên dạy lớp ghép là 474 người; số lượng giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ là 1.564 người.

Ngành GD-ĐT đã chỉ đạo 100% các trường mầm non hàng năm lập dự toán, căn cứ vào danh sách tổng hợp và hồ sơ của các đối tượng để đưa vào dự toán ngân sách. Phòng GD&ĐT căn cứ vào báo cáo của các trường MN, lập dự toán chuyển Phòng kế hoạch - tài chính thẩm định.

 

NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh: Việc đưa các cô vào hợp đồng lao động, được hưởng chế độ như viên chức các cô giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Đặc biệt hơn nữa, đối với các giáo viên dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt tại các điểm lẻ tại các cơ sở GDMN công lập ở vùng có điều kiện KTXH khó khăn hoặc ĐBKK trên toàn quốc được hưởng chính sách đã phần nào giúp giáo viên ổn định tư tưởng, cải thiện đời sống, từ đó nâng cao lòng yêu nghề, gắn bó với điểm trường lẻ. Điều này chắc chắn sẽ giúp chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên đáng kể.

 Nguồn https://giaoducthoidai.vn