Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bạn đã bao giờ trò chuyện cởi mở với trẻ về mạng xã hội?



Trong thời đại công nghệ số với những tiện ích vượt bậc từ các trang mạng xã hội, rất nhiều các em học sinh đều có ít nhất một tài khoản trên thế giới ảo. Các em đang dùng mạng xã hội và biến nó trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.

 

Mạng xã hội với sự kết nối đa chiều, không phân biệt không gian và thời gian đang mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội: kết nối và tương tác với bạn bè khắp năm châu; chia sẻ thông tin hữu ích một cách nhanh chóng và tiện lợi; cập nhật trạng thái, hình ảnh, video để cùng nhau thưởng thức, bình luận, chia sẻ...

 

Chúng ta không phủ nhận những lợi ích thiết thực từ mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng mạng xã hội với mục đích giao lưu, chia sẻ, kết nối, học tập một cách tích cực.

 

Các em đang sa đà và bị cuốn vào vô số cạm bẫy mà với vốn hiểu biết non nớt, kinh nghiệm hạn hẹp của mình, bọn trẻ đã không lường trước được mọi hậu quả.

 

Chúng tôi vẫn ngày ngày bắt gặp học sinh của mình đang "đánh bóng" tên tuổi bản thân bằng vô số khung hình lung linh khác xa thực tế. Các em đang sống rất "ảo" ngay giữa cuộc đời thực!

 

 

Chúng tôi vẫn bắt gặp những lời bình luận khiếm nhã sau dòng cập nhật trạng thái cảm xúc cá nhân hay thay đổi ảnh đại diện của học sinh. Mâu thuẫn nảy sinh từ mạng ảo và dần dà biến thành xích mích, bạo lực trong đời thực là điều đã được cảnh báo nhiều.

 

Chúng tôi vẫn bặt gặp những cú kích chuột để bấm "like", chia sẻ những thông tin độc hại, phản cảm, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Như "luồng khói độc", các thông tin sốc, độc, lạ và chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt ấy vô hình trung sẽ làm vẩn đục tâm hồn non nớt của bọn trẻ!

 

Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở còn non nớt để phân biệt tốt - xấu, trắng - đen lẫn lộn trên mạng xã hội. Bởi vậy, việc bọn trẻ còn mải miết chạy theo các trào lưu, chuyền tay nhau những clip bạo lực và ngợi ca một vài hiện tượng mạng là điều dễ hiểu.

 

Tranh thủ những giây phút thư thả trong các tiết học, mỗi khi bàn luận về một hiện tượng đời sống nào đó, tôi thường lấy các dẫn chứng trong thực tế để minh họa. Điều đặc biệt là dường như các em biết về cái tốt, thông tin tích cực rất hạn chế, còn những hiện tượng tiêu cực, cái xấu lại được các em cập nhật thường xuyên, liên tục và nhanh nhạy hơn cả giáo viên.

 

Bàn về tính ngăn nắp và thói quen tốt của học sinh, tôi kể cho các em nghe về cậu bé lượm ve chai Nguyễn Danh Thành Đạt xếp dép cho các bạn, các em tròn mắt nghe cô giáo kể về một hành động tử tế dung dị.

 

Minh chứng cho văn hóa chào hỏi của giới trẻ, tôi lấy clip học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cúi đầu chào bác bảo vệ gây sốt cộng đồng mang suốt thời gian dài. Các em vẫn ngạc nhiên như thể chưa từng biết đến một hiện tượng tạo ra lời khen ngợi không dứt ấy.

 

Hoặc là trao đổi về tình bạn tuổi học trò cùng nghị lực vươn lên của người trẻ, tôi giới thiệu với các em về những cậu bé nhiều năm cõng bạn đến trường, những tấm gương vượt qua số phận khuyết tật để tìm con chữ, các em cũng lại không hề cập nhật dù báo chí, truyền hình, các trang mạng xã hội ngợi ca rầm rộ.

 

Vậy nhưng các em lại khá tường tận, thông thạo các hiện tượng mạng làm nên tên tuổi của một số "thần tượng ảo". Những trào lưu tiêu cực len lỏi vào nhận thức của học sinh thật sự nguy hại. Cái tốt bồi dưỡng rất khó nhưng cái xấu thì tiêm nhiễm khá nhanh.

 

Bởi vậy, mối lo về "giang hồ mạng" không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, ngoài vai trò của gia đình và xã hội thì nhà trường phải phát huy vai trò của mình trong "cuộc chiến" chống tiêu cực trên mạng xã hội. Để bảo vệ trò, người thầy phải dành thời gian, khéo léo khơi gợi, nghiêm khắc nhắc nhở và định hình trong lòng bọn trẻ nhận thức đúng đắn về "thần tượng", sức ảnh hưởng tích cực từ những thần tượng chân chính.

 

Người thầy phải cảnh giác các em về sự lệch lạc của những "thần tượng" lệch chuẩn như Khá "bảnh", những trào lưu phản cảm như "Việt Nam nói là làm", "Thách thức Cá Voi Xanh"... Tôi nghĩ nếu mỗi người lớn đều ý thức được việc làm ý nghĩa là định hướng cách sử dụng mạng xã hội tích cực cho giới trẻ thì nguy cơ tiêm nhiễm thói hư tật xấu trong các em sẽ được hạn chế phần nào.

 

Đó vẫn chỉ là nỗ lực của cá nhân mong thay đổi nhận thức của học sinh về thế giới ảo, xây dựng cho các em một cơ chế thanh lọc thông tin và hy vọng học trò của mình trở thành người dùng mạng xã hội thông minh.

 

Tuy nhiên, nhà giáo chúng tôi rất cần những định hướng thiết thực, những lời khuyên bổ ích của các chuyên gia về thế giới ảo. Chúng tôi khao khát những chuyên đề, hội thảo tập huấn bài bản, chuyên sâu cho cả thầy lẫn trò để tự mình tạo "hàng rào" bảo vệ chính mình trước sự tấn công dữ dội của công nghệ số, từ đó mới có thể giúp đỡ và bảo vệ học trò của mình.

 

Còn bạn, bạn đã bao giờ trò chuyện cởi mở với bọn trẻ về mạng xã hội?

 

Xin đừng để nhà giáo đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ trò trước "giang hồ mạng" cũng như nhiều mối nguy khác từ thế giới ảo. Nhà trường - gia đình - xã hội phải vào cuộc bảo vệ con trẻ trước các mối nguy rình rập từ mạng xã hội!

 

Nguồn https://dantri.com.vn