Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề theo phương pháp Montessori


Khi trả lời câu hỏi của con, cha mẹ hãy sử dụng phương pháp đặt câu hỏi ngược để trẻ xây dựng kỹ năng tư duy tìm lời giải đáp.

Montessori là phương pháp giáo dục giúp trẻ phát triển theo khả năng riêng của mình. Một trong những bài học các nhà giáo dục Montessori thường dạy là kỹ năng giải quyết vấn đề. Để làm được điều này, trang Motherly chỉ ra bảy cách.

1. Đặt tên cho vấn đề

Đa số phụ huynh gặp tình huống con khóc hết nước mắt, nhưng lại không thể nói rõ lý do vì sao. Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con xác định vấn đề trước khi tìm ra giải pháp.

Đặt tên cho vấn đề càng cụ thể càng tốt. Sau đó, hãy đặt câu hỏi mang tính định hướng nên làm gì tiếp theo. Ví dụ, trong tình huống con làm đổ nước và bật khóc, cha mẹ có thể nói: "Con có vẻ buồn vì làm tràn nước và cần giẻ lau để làm sạch chỗ ướt. Vậy con nên làm gì trước tiên?".

2. Trả lời bằng một câu hỏi

Trẻ nhỏ hỏi hàng nghìn câu mỗi ngày. Điều này rất tốt nhưng bạn không nhất thiết đưa ra mọi câu trả lời. Hãy thử trả lời bằng một câu hỏi. Khi ấy, trẻ sẽ phải tư duy, vạch định trong đầu lời giải, từ đó xây dựng kỹ năng tự tìm câu trả lời.

Ví dụ, nếu con buồn bã hỏi bạn rằng "Làm thế nào để bạn thân nhất hết giận con?", bạn có thể hỏi "Sao con không thử vạch ra một số ý tưởng" để con tự tìm câu trả lời và nhận thấy tầm quan trọng của việc tự giải đáp.

3. Cung cấp cách thức giúp trẻ tìm câu trả lời

Khi con hỏi "tại sao bầu trời có màu xanh", cha mẹ thường hay giải đáp ngay thắc mắc cho trẻ bằng kiến thức có sẵn trong đầu hoặc bằng công cụ Google. Cách này không giúp trẻ tự khám phá và ghi nhớ kiến thức.

Thay vào đó, bạn hãy cùng con ngồi xuống, chia sẻ với con về cách bạn tìm câu trả lời, có thể thông qua sách, Google. Đừng quên hướng dẫn con cách chọn lựa nguồn thông tin chính xác, an toàn và đáng tin cậy.

4. Đặt thử thách phù hợp

Trong phương pháp giáo dục Montessori, giáo viên liên tục giới thiệu cho trẻ những vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng. Họ muốn trẻ hiểu rằng công việc luôn có tính thử thách, nhưng không phải không thể làm được.

Tại nhà, bạn hãy theo dõi hoạt động của con, cho con cơ hội thực hiện các nhiệm vụ có tính thử thách, như tự mặc quần áo, đặt câu đố. Bạn không nên chọn thử thách quá đơn giản nhưng cũng không quá khó. Nếu con không thực hiện được, bạn có thể cho lời khuyên, nhưng trước tiên hãy để trẻ tự giải quyết.

5. Chú ý vào nỗ lực của trẻ

Giáo viên theo phương pháp Montessori không bao giờ nói "Bạn trả lời đúng tất cả câu hỏi", mà luôn nói "Bạn đã chăm chỉ học Toán một thời gian dài và hoàn thành ba câu hỏi". Đối với trẻ, lời động viên có ý nghĩa hơn kết quả.

Phụ huynh hãy thử áp dụng phương pháp này tại nhà nếu con nỗ lực hoàn thành một công việc ngoài tầm tay. Ví dụ, nếu trẻ cố gắng xếp bộ Lego nhưng không thành công, bạn hãy khen con: "Đây là điều thực sự khó khăn, nhưng con đã làm việc thật chăm chỉ. Con hãy tiếp tục cố gắng vào ngày mai nhé".

6. Kiên nhẫn với trẻ

Ngay khi con còn nhỏ, phụ huynh hãy để con tự thực hiện những việc nhỏ nhất, nằm trong khả năng của chúng rồi dần nâng độ khó của nhiệm vụ. Ban đầu con có thể mất nhiều thời gian hoàn thành, thậm chí làm mọi việc rối hơn.

Cha mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn để con tự thực hiện công việc. Chúng sẽ học được cách làm việc hiệu quả hơn từ những thất bại và học được cách tự giải quyết vấn đề mà không cần đến sự trợ giúp của mọi người xung quanh.

7. Đồ chơi phát triển tư duy

Trong các lớp học Montessori, giáo viên có những bộ công cụ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy. Tại nhà, cha mẹ có thể dạy trẻ thông qua đồ chơi mô hình, lắp ghép.

Khi trẻ chơi lắp ráp mà hết mảnh ghép, chúng sẽ phải tư duy sử dụng đồ vật nào thay thế. Đây là cách giải quyết vấn đề bằng hành động và các kỹ năng trẻ học được khi chơi sẽ chuyển thành kỹ năng học tập.

Nguồn https://vnexpress.net