Chuyên gia nhận định về “con đường sống còn” của các trường Sư phạm tại Việt Nam
Xóa bỏ hệ thống sư phạm khép kín; phân tầng, phân cấp quản lý; nâng cao trình độ đào tạo; xã hội hóa giáo dục là con đường sống còn của các trường Sư phạm.
Thời gian gần đây, câu chuyện về đề án: Sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm được rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo quan tâm.
Bên cạnh đó, một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp đào tạo sư phạm cũng đang gặp khó trong vấn đề tuyển sinh.
Lấy ví dụ như Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, sau hơn 30 năm hoạt động, năm 2019 – 2020, trường đặt chỉ tiêu tuyển sinh 300 sinh viên và phải tuyển 2 lần mới được 132 sinh viên.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã có nhiều nhận định đắt giá về thực trạng hệ thống đào tạo sư phạm hiện nay cũng như con đường sống còn của các trường Sư phạm nếu muốn tồn tại.
Thưa Tiến sĩ! Thời gian gần đây, việc triển khai đề án Sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm được rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo quan tâm. Bên cạnh đó các trường cũng kêu khó trong việc tuyển sinh. Dưới lăng kính chuyên gia, ông đánh giá sao về thực trạng của hệ thống giáo dục sư phạm tại Việt Nam?
Theo thống kê, hiện nay cả nước có tất cả 13 trường Đại học sư phạm và 1 trường Đại học giáo dục (tổng số 48 khoa Sư phạm Đại học); 30 trường Cao đẳng sư phạm (tổng số 19 khoa Cao đẳng Sư phạm); 2 trường Trung cấp sư phạm.
Với quy mô này, mỗi năm đào tạo khoảng gần 60.000 giáo sinh Đại học, Cao đẳng chính quy.
Trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu giáo viên đang giảm, trong khi đó số lượng giáo sinh ra trường không hề giảm. Mặc dù biên chế giáo viên đã tăng nhưng có thể nói nguồn cung đang vượt cầu.
Bên cạnh đó việc đào tạo lệch diễn ra tình trạng có môn thừa giáo viên, có môn thiếu giáo viên; khu vực này thừa; khu vực kia thiếu.
Trong bối cảnh đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến phương án sáp nhập các trường sư phạm địa phương với các trường nghề để giảm đầu mối quản lý.
Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam có thể sẽ thừa 70.000 giáo viên.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các giáo sinh ra trường khi mà cơ hội việc làm ngày càng ít.
Về đề án sắp xếp lại các trường sư phạm đồng thời thành lập một số trường sư phạm trọng điểm. Ông đánh giá sao về hiệu quả của đề án này (nếu triển khai)?
Bên cạnh những điểm mạnh và tích cực của đề án trên. Theo cá nhân tôi, đề án vẫn còn một số điểm bất cập gây khó cho các trường ví dụ như:
Hình thành 2 trường Đại học sư phạm trọng điểm quốc gia trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và một số trường Đại học Sư phạm khác.
Dừng tuyển sinh, tiến tới sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở đào tạo giáo viên không đạt chuẩn.
Rà soát, sắp xếp lại tổ chức các cơ sở đào tạo giáo viên còn lại để chuyển thành các phân hiệu của các trường sư phạm trọng điểm quốc gia hoặc các cơ sở bồi dưỡng giáo viên địa phương.
Theo tôi đây là 3 vấn đề nổi cộm và bất hợp lý nhất của đề án trên.
Tiến sĩ có thể phân tích những hệ lụy xảy ra từ những điểm bất hợp lý trong đề án: Sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm?
Theo tôi, việc hình thành một hệ thống sư phạm khép kín chỉ có 2-3 trường Đại học sư phạm trọng điểm quốc gia cùng hệ thống các phân hiệu vệ sinh trong bối cảnh đất nước có 100 triệu dân, gần 20 triệu học sinh là không hợp lý.
Bởi Việt Nam có cơ cấu vùng miền phức tạp nên hệ thống đào tạo sư phạm phải đa dạng và được phân tầng triệt để: trường trọng điểm, trường trung ương và trường địa phương.
Thứ hai, việc tập trung quyền lực vào các trường trung ương, không phân cấp cho các trường địa phương sẽ rất khó triển khai chủ trương đặt hàng đào tạo giáo viên cho các địa phương.
Thứ ba, việc cố gắng xây dựng hệ thống sư phạm khép kín sẽ không khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống giáo dục đại học; làm giảm chất lượng và tăng chi phí đào tạo đội ngũ giáo viên trong điều kiện nguồn lực cho giáo dục còn eo hẹp.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra con đường sống còn của các trường Sư phạm tại Việt Nam (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Trong bối cảnh kinh tế, đối ngoại như hiện nay? Hệ thống đào tạo giáo dục sư phạm nên theo xu hướng nào để hội nhập sâu rộng với quốc tế?
Nhìn về quá khứ, hệ thống giáo dục Việt Nam cũng đã từng trải qua nhiều thăng trầm do các biến động xã hội, chính trị như nhu cầu giáo viên, cơ cấu dân số, chính sách cải cách giáo dục.
Hệ thống sư phạm Việt nam cũng đã từng có sự phân tầng và phân cấp quản lý, phân công trách nhiệm đào tạo đội ngũ giáo viên. Những giải pháp này cũng đã khẳng định được phần nào giá trị khi trình độ chuẩn và chất lượng của giáo viên đã được nâng lên nhiều lần.
Trong bối cảnh hiện nay xu hướng chung của hệ thống đào tạo giáo dục sư phạm phải theo hướng chuẩn hóa trình độ của giáo viên tiến tới trình độ cử nhân cho mọi cấp học.
Bên cạnh đó việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới (môn tích hợp, môn tổng hợp, môn tự chọn); thay đổi phương pháp dạy học cũng đòi hỏi người giáo viên cần được đào tạo theo một quy chuẩn mới.
Sự biến động của hệ thống giáo dục quốc dân; nhu cầu giáo viên tổng thể đang tạm thời bão hòa; ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn hạn hẹp; vấn đề tăng cường tự chủ và xã hội hóa giáo dục là những điều kiện, bối cảnh cũng như tác động trực tiếp đến hệ thống sư phạm đòi hỏi các trường phải có hướng đi mới.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, Tiến sĩ cho rằng: Nền giáo dục của Việt Nam có thể tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới được hay không?
Không chỉ riêng gì Việt Nam, tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải trải qua sự thăng trầm về nhu cầu giáo viên theo quy luật lượn sóng. Cho nên chúng ta cần phải duy trì được sự ổn định của các cơ sở đào tạo giáo viên.
Theo kinh nghiệm tại một số quốc gia, họ xây dựng các trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ giống như hệ thống trường công an, quân đội…
Xây dựng các trường cao đẳng/ đại học cộng đồng/ đa lĩnh vực như mô hình tại Hoa Kỳ, Thái Lan, Canada, một số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á.
Xây dựng các trường đại học nông thôn là mô hình Thái Lan đang áp dụng rất có hiệu quả.
Về chương trình đào tạo, nhiều quốc gia xây dựng các chương trình đào tạo giáo dục 4 và 3+1; chương trình cấp chứng chỉ sư phạm 4+1.
Căn cứ theo thực trạng và một số sáng kiến, kinh nghiệm Tiến sĩ vừa chỉ ra, hệ thống giáo dụcsư phạm Việt Nam nên được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc nào?
Thứ nhất, phải thực hiện phân tầng hệ thống các trường sư phạm: Đại học sư phạm/ Đại học giáo dục trọng điểm, Đại học sư phạm/ Đại học giáo dục Trung ương, Đại học Sư phạm/ Cao đẳng sư phạm địa phương.
Thứ hai: Nên thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ - đặt hàng (không theo cơ chế thị trường).
Thứ ba: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải ban hành các quy định các chuẩn cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình…để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh của cả hệ thống giáo dục đại học.
Thứ tư: Hỗ trợ các trường sư phạm thành lập trường thực hành chất lượng cao hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Thưa Tiến sĩ, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương trong việc quản lý hệ thống giáo dục sư phạm là như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo/ phân công sau tốt nghiệp cho các trường Đại học sư phạm/ Đại học giáo dục trọng điểm.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo/ phân công sau tốt nghiệp cho các trường, khoa sư phạm địa phương.
Việc quản lý cần được phân cấp rõ ràng, không giao nhiệm vụ đào tạo chồng chéo, không tranh giành nguồn tuyển như hiện nay.
Mô hình trường đa ngành đào tạo giáo viên là hướng đi mới dành cho các trường Sư phạm (Ảnh:thanhtra.vn)
Trong bối cảnh thực hiện đề án sắp xếp các trường sư phạm cũng như nhiều trường đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh. Theo ông, đâu là con đường sống còn cho các trường sư phạm nói riêng và hệ thống giáo dục đào tạo sư phạm nói chung?
Trong bối cảnh hiện nay, để có sự ổn định trong hoạt động và nâng cao chất lượng, các cơ sở sư phạm nên tồn tại dưới dạng các trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc các khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương/ cao đẳng cộng đồng.
Cần giải thể các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng. Tiến tới xóa bỏ cơ chế hệ thống sư phạm khép kín.
Các trường cũng phải tự ý thức được việc nâng cao trình độ đào tạo theo hướng đạt chuẩn vào năm 2030.
Đối với các trường trọng điểm/ trung trương cần tập trung vào đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông.
Các trường/ khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng xây dựng theo hướng:
Đào tạo giáo viên Trung học phổ thông: Chương trình đơn môn
Đào tạo giáo viên Trung học cơ sở: Chương trình đa môn, tích hợp.
Ngoài ra các trường sư phạm có thể nghiên cứu phạm thành lập trường thực hành chất lượng cao hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến về cuộc trò chuyện này!
Nguồn https://giaoduc.net.vn
|