Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lớp học của hai cô giáo và 34 học sinh giữa đỉnh trời


Một ngôi trường chỉ có 2 lớp học với 34 học sinh, nằm chênh vênh trên ngọn núi. Đó cũng là nơi hai cô giáo trẻ ngày đêm cần mẫn đưa con chữ đến với những đứa trẻ vùng cao.

Chỉ cách trung tâm thị trấn 10 km nhưng phải trải qua 2 tiếng leo bộ đường rừng, băng qua mấy con suối, thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện vài nóc nhà chìm trong những thửa ruộng xanh rì, cuối cùng, ngôi trường cũng hiện ra trước mắt giữa màn sương mờ ảo.

Ngôi trường chỉ gồm hai căn phòng nhỏ dựng bằng gỗ, lợp mái tôn, nép mình dưới tán những rặng cau cao vút. Bên trong ngân nga tiếng cô trò đánh vần từng con chữ.

Đó là Tắk Pổ - một trong nhiều điểm trường của trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, nằm trên dãy núi Ngọc Linh, thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngọn núi cao 2.598 m, được mệnh danh là nóc nhà của miền Trung Việt Nam hay còn được gọi là đỉnh trời.

Để đến điểm trường, hai cô giáo trẻ phải leo bộ khoảng 2 giờ cùng đồ dùng cho nhiều tuần. Đây cũng là con đường tới trường của học sinh lớp lớn ở Tắk Pổ

Ngôi trường giữa đỉnh trời

"3 cái giấy khen này của đứa anh, còn cái này của thằng em", người đàn ông Ca Dong tự hào khoe bảng thành tích của hai đứa con trai.

Gia đình anh cũng thuộc diện "gia đình hiếu học" trong 33 hộ dân sinh sống trên mảnh đất được mệnh danh đỉnh trời này. Những người quanh năm chỉ quen với nương ngô, sắn, nay con cái họ, đứa nào cũng đang được đến trường.

Khiên người Ca Dong đang theo học tại điểm trường Tắk Pổ. Em là một trong những học sinh chăm ngoan, học giỏi ở điểm trường này

Khiên là một trong 34 học sinh đang theo học tại điểm trường Tắk Pổ, nơi chỉ cách nhà vài bước chân. Cả trường có hai cô giáo là Trà Thị Thu (sinh năm 1994) và Riah Uối (sinh năm 1996) phụ trách. Các em ở đây thuộc đồng bào Ca Dong, tuổi từ mầm non đến lớp 2. Học sinh lớn hơn được chuyển xuống huyện.

Những đứa trẻ quanh năm sống với núi rừng, không có sự xuất hiện của đồ dùng công nghệ. Ngoài giờ học, chúng phụ giúp ba mẹ trông em và cùng chơi đùa với nhau

Mới đây, lễ khai giảng năm học mới tại ngôi trường này đã làm nhiều người xúc động. Một lễ khai giảng giản đơn nhưng ấm áp, không trống cờ linh đình, không bóng bay ngợp trời, lãnh đạo là một người đàn ông Ca Dong - trưởng nóc Tắk Pổ. Nhiều đứa trẻ không có đủ ghế, phải ngồi bệt dưới nền đất.

 

 

Lễ khai giảng sáng 5/9 của cô và trò điểm trường Tắk Pổ khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Riah Uối

Có mặt tại trường những ngày sau lễ khai giảng, không khí học tập dần đi vào quỹ đạo sau tháng nghỉ hè. Lớp tiểu học gồm 6 bộ bàn ghế đơn sơ chia cho 2 độ tuổi, vài quyển sách, một chiếc quạt treo trên trần, một bóng đèn. Phía bên kia, tiếng ríu rít nói cười của những đứa trẻ mầm non. Một vài em còn phụng phịu với ba mẹ khiến cô giáo phải dỗ dành, chăm sóc.

 

 

 

Sau kỳ nghỉ hè, một số em còn chưa quen đến lớp. Khi thấy người thân lấp ló bên ngoài, chúng lại chực chạy ra khỏi lớp

Trẻ đến trường đã là nỗ lực lớn của các cô giáo và bà con dân bản nơi đây. Những người dân quanh năm nuôi con gà, lợn, trồng cây lúa, ngô, thỉnh thoảng có người đi ra phố mới nhờ mua đồ. Vì thế, thay bằng những khoản thu phí đầu năm, bà con "đóng" cho nhà trường bằng sản phẩm của nhà trồng được.

 

 

Cả ngôi trường chỉ có một chiếc xích đu cho trẻ vui chơi. Các em tự tổ chức chơi đùa với nhau, nắm tay ca hát hay vật lộn trên nền đất

Lớp học được dựng lên bằng những đóng góp của bà con dân bản. Năm nay, cô Thu phát động làm hàng rào trồng hoa, tạo thêm cảnh quan cho trường lớp.

"Kêu gọi bà con ủng hộ cho trường, ai cũng vui vẻ cả, còn nhiệt tình dựng giúp các cô giáo nữa", cô Thu vừa ghi danh sách những gia đình đóng góp vừa chia sẻ.

 

 

Phụ huynh không chỉ đóng góp tre nứa, mà còn cùng nhau dựng lên hàng rào hoa cho cô và trò Tắk Pổ

Từ công nhân trở thành cô giáo cắm bản

"Có chịu lên núi không?".

Cô Thu không thể quên được câu hỏi của chị gái 5 năm trước, khi cô đang làm việc tại nhà máy.

Sau khi tốt nghiệp sư phạm tại tỉnh Quảng Nam, không xin được công việc đúng ngành nghề, Thu đành làm công nhân nhưng vẫn không nguôi ước nguyện được đứng trên bục giảng. Vì vậy, khi nghe tin từ chị gái, cô vui mừng khôn xiết.

"Chị gái nói sẽ cực lắm, suy nghĩ kỹ nhé, đừng để lên đó khóc rồi đòi về ngay" - Thu bồi hồi nhớ lại - "Nhưng bằng mọi giá mình cũng phải thử, cơ hội sẽ không đến nhiều".

Vậy là cô gái vừa tròn 20 tuổi, một mình khăn gói đến Trà Tập theo đuổi ước mơ, cách nhà hơn 100 km.

 

Con đường mòn phía trước ngôi trường là nơi dạo chơi hàng ngày của cô và trò

 

Tình cảm của bà con dân bản cùng sự ngây thơ, hồn nhiên của lũ trẻ đã "giữ chân" hai cô giáo trẻ

"Cuối cùng thì cũng khóc thật. Khóc vì cô đơn. Khóc vì buồn tẻ. Khóc vì phải xa gia đình. Nhưng đó là những ngày tháng đầu thôi. Sau này, mình quen dần. Chính lũ trẻ cho mình cảm giác được sống làm những điều yêu thích. Người dân bản thân thiện cho mình cảm giác gần gũi như gia đình".

Hai cô giáo trẻ nhanh tay chuẩn bị bữa cơm trưa để cho kịp giờ lên lớp buổi chiều. Thực phẩm một phần được bà con biếu tặng, một phần mang từ những lần ra thị trấn. Nước uống lấy từ suối còn củi thì tự kiếm quanh rừng.

 

Đối với hai cô giáo, Tắk Pổ đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mình

Sau 5 năm gắn bó với núi rừng, cô Thu đã hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Những khó khăn về vật chất và tinh thần ngày nào đã biến thành sức mạnh, điểm tựa để cô tiếp tục đứng lớp. Năm học mới này cũng là năm đầu tiên cô chính thức đến với điểm trường Tắk Pổ.

Tuy nhiên, với hai cô giáo, khó khăn nhất là đi lại. Có những tuần định về thăm nhà nhưng trời mưa lớn, đường lầy lội không đi nổi, nữ giáo viên đành phải ở lại lớp. Những trận ốm sốt mê man, cô phải nhờ dân làng đưa xuống trạm xá dưới trung tâm xã.

 

Hai cô giáo trẻ chưa lập gia đình, sống nương tựa vào nhau nơi đỉnh trời

Khi câu chuyện về lễ khai giảng được lan tỏa, điện thoại của cô giáo Thu đổ chuông nhiều hơn. Nhiều người gọi hỏi thăm, động viên. Cá nhân, tổ chức bày tỏ mong muốn được góp sức giúp đỡ cô và trò.

Cô Thu bảo sẽ chỉ nhận sự giúp đỡ của một nơi, bởi với cô và trò, như thế là quá đủ. Còn rất nhiều đứa trẻ khác, những ngôi trường lợp lá tạm bợ khác, khó khăn, vất vả hơn Tắk Pổ nhiều.

 

Nguồn https://news.zing.vn