Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách đề phòng cảm cúm cho trẻ


Con tôi năm nay 3 tuổi, bé thường xuyên bị ho và sổ mũi, dùng thuốc hết một thời gian rồi bị lại.

Xin hỏi, đây có phải là triệu chứng của bệnh cảm cúm không? Để đề phòng bệnh cho bé khi thay đổi thời tiết, tôi phải làm thế nào?

Nguyễn Hồng (Ninh Bình)

Trẻ em 3 tuổi thường xuyên bị ho và sổ mũi thì đầu tiên phải nghĩ đến bé bị bệnh cảm cúm. Trẻ em bị cảm cúm thường có dấu hiệu sốt trong 3 ngày đầu, nghẹt mũi, có thể có sổ mũi nước trong, ho, quấy khóc, khó ngủ, chán ăn... Bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh là rất quan trọng.

Để phòng bệnh cảm cúm cho trẻ, chủ yếu là giữ gìn vệ sinh để giúp ngăn ngừa trẻ bị nhiễm virut gây bệnh, phụ huynh cần thực hiện các cách sau để phòng bệnh: rửa tay cho trẻ bằng xà phòng hay bằng dung dịch rửa tay nhanh đúng cách.

Nên tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi ho, hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần với trẻ bị bệnh, khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác.

Giữ vệ sinh môi trường nơi trẻ sinh hoạt, có thể dùng xà phòng lau nhà và lau các đồ chơi của trẻ. Cho trẻ ăn thêm trái cây, bổ sung các vitamin để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng; tiêm vắc-xin ngừa cúm cho trẻ, trẻ em từ 3 tuổi trở lên thì tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa cúm mỗi năm. Bệnh cúm có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên cần lưu ý khi trẻ bị bệnh cảm cúm có những dấu hiệu sau thì nên cho trẻ đi khám bệnh ngay: sổ mũi màu xanh hay vàng, nghẹt mũi không giảm hay nặng hơn kéo dài trên 7 ngày; sốt trên 38,50C kéo dài hơn 2 ngày; mắt đỏ, mắt có ghèn vàng; đau tai, chảy mủ tai; ăn uống kém; li bì, kích thích; khó thở, thở mệt, thở nhanh.

BS. PHAN HOÀNG

Nguồn https://suckhoedoisong.vn