Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ ho có đờm: Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc giúp bé nhanh khỏi



Cha mẹ thường rất hay lo lắng khi trẻ ho có đờm. Bên cạnh áp dụng những phương pháp điều trị hiệu quả thì phụ huynh cũng phải biết cách chăm sóc trẻ giúp con mau khỏi bệnh.

 



Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y Quận Ba Đình, Hà Nội).

 

Ho có đờm là hiện tượng của cơ thể nhằm đào thải ra ngoài những chất nhầy, giúp đường hô hấp sạch sẽ, thông thoáng và dễ thở hơn. Trẻ ho có đờm kéo dài thường gây ra do chất nhầy lưu lại trong cổ họng khi nằm xuống, kích thích gây ra ho.

1. Chế độ ăn uống cho trẻ ho có đờm
Các món nên cho bé ăn
Việc ho có đờm kéo dài sẽ làm cho cổ họng của bé bị nghẹt mũi và khó thở. Cha mẹ nếu để ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ sẽ góp phần làm giảm cảm giác khó chịu cho bé. Dưới đây là một số món nên cho bé ăn trong thời gian này:

- Các món súp:

Trong cuốn sách "Bí mật tự nhiên để chữa bệnh, phòng ngừa và kéo dài tuổi thọ", tác giả Swan Sadashiva đã chỉ ra rằng: các chất lỏng, ấm như súp rau củ có nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa có tác dụng:

+ Làm lỏng chất đờm nhầy trong cơ thể.

+ Giảm hiện tượng nghẹt mũi.

+ Giúp tăng khả năng miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Ngoài ra, nếu cho trẻ ăn những món mềm, lỏng thì niêm mạc cổ họng sẽ ít bị kích thích, giảm triệu chứng ho cho cho bé.

 


Các món súp sẽ tốt cho trẻ ho có đờm

 

-Thực phẩm chứa Omega 3

Loại chất béo không bão hòa như axit omega 3 có khả năng làm giảm quá trình viêm cũng như tăng cường khả năng miễn dịch. Axit Omega 3 lại có nhiều trong các loại cá béo như: cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu... Ngoài ra, trong một số thực vật cũng giàu Omega 3 như: quả óc chó, hạt đậu nành, hạt cải và hạt bí ngô.


- Dầu oliu

Đây cũng là một nguồn chất béo không bão hòa có lợi cho sức khỏe. Trong dầu oliu chứa chất Oleocanthal có tác dụng giống như thuốc chống viêm ibuprofen, hay được dùng để làm giảm các triệu chứng viêm phế quản.

Nếu trẻ đang bị ho có đờm thì cha mẹ có thể thay bơ, bơ thực vật bằng dầu oliu trong khi chế biến đồ ăn của bé.

Không cần thiết phải loại bỏ mọi đồ ăn chế biến với dầu ra khỏi chế độ ăn của trẻ mà chỉ cần không cho bé ăn quá nhiều và nên là loại chất béo lành mạnh. Chất béo lúc nào cũng cần thiết giúp cho trẻ hấp thụ dinh dưỡng được tốt hơn.

- Sữa chua

Trong sữa chua có chứa men vi sinh Lactobacillus. Đây là những vi khuẩn sống có khả năng phá vỡ đờm nhầy có trong phổi. Cho bé ăn sữa chua sẽ thấy lượng đờm được tiết ra giảm đi đáng kể.

 

 

Cho bé ăn sữa chua để giảm lượng đờm tiết ra

 

- Cần tây, tỏi và hành tây

Chất kháng sinh tự nhiên, chất chống viêm có trong những loại rau này sẽ làm tăng hiệu quả của hệ thống miễn dịch, chất đờm nhầy sẽ ít hơn. Vì vậy mà những thực phẩm này hay được dùng trong các bài thuốc trị ho ở trẻ em.

Các món không nên cho trẻ ăn
Cha mẹ không nên cho bé ăn những loại thức ăn làm tăng sản xuất chất đờm, gây ho cho trẻ. Cụ thể như sau:

Đồ ăn chứa histamin

Những loại thực phẩm chứa histamin mà bé ho có đờm không nên ăn là:

+ Các loại thịt chế biến như: xúc xích, thịt xông khói, giăm bông...

+ Giấm

+ Trái cây sấy

+ Bơ

+ Cà chua

+ Cải bó xôi

+ Nấm

+ Cà tím

+ Phô mai, sữa chua

+ Cá hun khói

+ Đồ uống có cồn, rượu táo

Đồ ăn gây dị ứng

Khi bị dị ứng, cơ thể của bé cũng tạo ra nhiều chất đờm hơn bình thường. Các thực phẩm có thể gây dị ứng mà trẻ phải kiêng như sau:

+ Trứng

+ Sữa

+ Đậu phộng

+ Động vật có vỏ

+ Lúa mì

+ Đậu nành

+ Đường

+ Một số loại hải sản

Đồ ăn nhiều dầu mỡ

Các đồ ăn chiên rán sẽ làm trẻ bị nhiều đờm hơn, ảnh hưởng tới hô hấp của bé. Ngoài ra, thức ăn nhiều dầu mỡ khó hấp thụ, gây cho trẻ nóng trong người, dễ bị táo bón, tác động không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ. Vậy nên trong khi bị ho có đờm thì trẻ nên kiêng đồ ăn nhiều dầu mỡ.

 

 

Không cho bé đang bị ho có đờm ăn đồ nhiều dầu mỡ

Đồ ăn cay nóng

Bé phải kiêng đồ ăn cay nóng vì những thực phẩm như: ớt, gừng, tiêu, mù tạt...sẽ kích thích cổ họng, gây ra các cơn ho không dứt.

Thức ăn, đồ uống lạnh, đồ uống có ga

Căn cứ theo Đông y thì những đồ ăn, thức uống lạnh có thể gây tắc khí ở phổi, tình trạng ho sẽ nặng hơn.

Nếu bé bị ho do dị ứng thì phải tránh uống đồ có ga vì sẽ gây ra những cơn ho kéo dài.

2. Vỗ rung long đờm cho bé
Vì trẻ nhỏ chưa thể khạc ra đờm giống người lớn nên cha mẹ cần thiết phải vỗ nhẹ rung long đờm cho bé đúng cách.

- Thời điểm vỗ rung long đờm: nên vào buổi sáng sớm, khi bé mới ngủ dậy. Không nên vỗ khi bé vừa ăn xong, dễ làm trẻ nôn ra thức ăn.

- Tư thế vỗ rung long đờm: có thể cho trẻ nằm ở các tư thế sau:

+ Nằm nghiêng 1 bên

+ Cúi đầu về phía trước

+ Tư thế mẹ bế vác trẻ

- Xác định vị trí vỗ: bắt đầu vỗ từ vùng phổi trẻ (từ ngang lưng trở lên) và vỗ từ dưới vỗ lên.

- Kỹ thuật vỗ rung long đờm:

+ Khum tay lại để tạo 1 khoảng trống không khí giúp cho bé không bị đau khi vỗ.

+ Sử dụng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng "bộp, bộp". Theo nhịp vỗ, cảm giác lồng ngực của bé cũng sẽ rung lên.

+ Vỗ rung cho trẻ từ 10-15 phút/lần. Khi vỗ rung xong, bé có khả năng sẽ ho nhiều, nôn ra đờm. Lúc này cần chú ý tính chất đờm loãng hay đặc, màu vàng hay xanh để báo cho bác sĩ khi khám bệnh.

- Những lưu ý khi vỗ rung cho trẻ:

+ Không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho trẻ vì sẽ làm bé đau.

+ Chỉ vỗ rung trong trường hợp trẻ ho có đờm, không áp dụng khi bé bị ho khan.

 

 

Vỗ rung long đờm đúng cách sẽ giúp trẻ thoải mái, dễ chịu hơn

3. Vệ sinh mũi và họng cho trẻ
Đối với các bé bị ho có đờm thì nguyên nhân chủ yếu là do chất nhầy trong mũi. Vì vậy, phụ huynh nên hút mũi cho trẻ kết hợp với phương pháp rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Thực hiện 2 lần mỗi ngày và theo dõi tình trạng của bé. Không nên lạm dụng việc rửa và hút mũi cho trẻ vì nó sẽ khiến mũi bé bị khô, kích ứng đau rát, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.

4. Giữ ấm cơ thể cho bé
Vì trẻ đang bị ho nên cha mẹ lưu ý phải giữ ấm cho bé bằng một vài biện pháp dưới đây:

- Mặc quần áo đủ ấm cho trẻ.

- Đeo tất giữ ấm cho trẻ

- Không bật điều hòa trong phòng của bé quá lạnh, nhất là vào ban đêm và gần sáng.

- Vào mùa đông thì đeo khăn quàng cổ cho bé để giữ ấm đường hô hấp, đeo khẩu trang và mặc ấm khi ra ngoài đường.

 

 

Khi bé bị ho có đờm, cha mẹ lưu ý phải giữ ấm cho trẻ

5. Một số lưu ý trong cách chăm sóc trẻ ho có đờm
- Không cho bé uống thuốc ngắt cơn ho vì nếu không ra đờm, nguy cơ nhiễm trùng sẽ càng cao.

- Kê gối để đầu và vai bé cao lên để tránh cho nhớt và nước mũi chảy xuống cổ họng. Ngoài ra việc này cũng sẽ giúp trẻ dễ thở và bớt ho hơn.

- Nếu bé bị ho tím tái ở môi, đầu ngón tay, ngón chân, khó thở, có tiếng khò khè và có hiện tượng co kéo cơ hô hấp từ cổ xuống sườn thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.

- Trẻ ho có đờm do viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Nếu trẻ ho có đờm lâu ngày không khỏi thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám và chữa trị kịp thời.

 

Nguồn: http://khampha