Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngày đầu tiên đi làm của năm Canh Tý, giáo viên cả nước mong ước điều gì?


Năm vừa qua đã phơi bày những gam màu xám xịt của ngành giáo dục. Khó có thể tưởng tượng được rằng có giáo viên chỉ nhận được vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng/ tháng.

Mong nghề giáo viên mầm non sẽ được đối xử công bằng

Trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới (năm Canh Tý), cô giáo Hoàng Thị Hiền, giáo viên mầm non (Phúc Thọ, Hà Nội) trở về trường với tâm trạng nặng trĩu.

Qua một cái Tết nữa là cô giáo mầm non, cô Hiền cũng không dám chắc có thể trụ lại với nghề đến cái Tết năm sau hay là sẽ bỏ ngang.

Cô Hiền tâm sự: “Đối với nghề giáo viên mầm non nhất là ở những vùng nông thôn người giáo viên phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các giáo viên khác. 

Nhiều người quan niệm giáo viên mầm non chỉ như người trông trẻ.

Chính vì thế ánh nhìn của xã hội và phụ huynh với giáo viên mầm non cũng khác”.

Trong năm mới cô Hiền hy vọng xã hội và phụ huynh sẽ có nhìn cảm thông hơn đối với người giáo viên mầm non.

Cô Hiền nói: “Người đứng đầu ngành giáo dục cũng hiểu và thông cảm cho áp lực của nghề giáo viên mầm non.Vì vậy tôi tin rằng nghề của chúng tôi xứng đáng được tôn trọng. Qua Tết các con sẽ trở lại trường. 

Nếu phụ huynh nào vì bực, cáu giận vì con cái hy vọng hãy hiểu cho áp lực của nghề này khi phải chăm sóc, trông nom hàng chục cháu. 

Nhìn cảnh nhiều đồng nghiệp bị mắng chửi, bị xúc phạm, thậm chí bị đánh đăng lên mạng chúng tôi cảm thấy rất đau lòng và tổn thương”.

Nghề giáo viên mầm non vốn chịu nhiều áp lực cần được ghi nhận công bằng (Ảnh:H.H)

Bên cạnh áp lực từ công việc,trong năm nay giáo viên mầm non còn phải đối mặt với một thử thách nữa đó chính là việc nâng chuẩn trình độ giáo viên. 

Theo đó giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên.Vì thế có không ít giáo viên sẽ phải nâng chuẩn theo đúng quy định.

Do vậy nhiều giáo viên mong muốn sẽ có những chính sách ưu tiên hơn cho giáo viên mầm non.Vì đây là một nghề đặc thù. Như vậy sẽ đảm bảo giáo viên vẫn đáp ứng yêu cầu nâng chuẩn mà vẫn có thời gian hoàn thành tốt công tác.

Giáo viên hợp đồng Hà Nội hy vọng sẽ sớm được xét đặc cách

Có lẽ trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam chưa từng ghi nhận hiện tượng hàng trăm giáo viên phải xuống đường đi đòi quyền lợi cho mình. Câu chuyện giáo viên hợp đồng Hà Nội kêu cứu bắt đầu từ tháng 3/2019, khi 256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn có đơn kêu cứu. 

Tiếp theo đó hàng trăm giáo viên hợp đồng các quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội cũng liên tiếp gửi đơn kêu cứu và xuống Thủ đô để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Câu chuyện này cũng phơi bày những gam màu xám xịt trong bức tranh giáo dục nước nhà. 

Thông qua đó xã hội mới biết có những giáo viên chỉ nhận lương 1.210.000 đồng/ tháng; không được đóng bảo hiểm xã hội, có giáo viên từ bục giảng xuống thẳng chuồng lợn, làm giúp việc hoặc bất kể công việc gì để mưu sinh.

Tuy nhiên sau gần 1 năm “giằng co” với sự chỉ đạo của nhiều Bộ, ban, ngành...thế nhưng câu chuyện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong bất chấp bao lời hứa hẹn.

Thành phố Hà Nội nên có phương án giải quyết dứt điểm vấn đề đặc cách cho giáo viên hợp đồng gần 1 năm qua (Ảnh:V.N)

Thầy Nguyễn Viết Tiến trở lại công việc thỉnh giảng sau Tết với mức công 50.000 đồng/ tiết.

Trong năm mới, thầy Tiến cũng như nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội mong muốn vấn đề xét đặc cách cho giáo viên sẽ được giải quyết sớm.

Thầy Tiến nói: “Trước Tết Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm. Hy vọng rằng lần này chúng tôi sẽ không còn bị hụt hẫng nữa. 

Trong năm mới chỉ hy vọng sẽ sớm dứt điểm chuyện đặc cách cho giáo viên.Bởi 1 năm qua chúng tôi đã quá mệt mỏi vì theo đuổi việc này rồi. 

Bên cạnh đó nhiều anh chị em đồng nghiệp đã phải bỏ nghề làm những công việc khác. Tình cảnh như vậy không xót sao được”.

Giáo viên vùng cao mong có chính sách luân chuyển hợp lý

Trong năm 2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh cô Trần Bá Tiền phải đi quãng đường 130km để dạy học.Trên đường đi không may cô Tiền bị tai nạn phải cắt bỏ một cánh tay.

Sau sự việc đó cô Tiền đã được chuyển công tác gần nhà.Thế nhưng mất mát của cô là không gì bù đắp được. 

Câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề về những khó khăn đối với giáo viên vùng cao phải đi dạy xa nhà.

Những hiểm nguy trên đường dạy học không chỉ xảy ra đối với cô Tiền.

Do đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ dân cư của đất nước, hầu hết các tỉnh, thành đều có lượng lớn giáo viên phải dạy học xa nhà, nhiều khi đến cả trăm cây số. 

Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh gia đình neo đơn, không phải ai cũng có thể dời nơi sinh sống đến điểm trường dạy học. 

Phần lớn giáo viên chấp nhận khó khăn, cố gắng xa nhà với hy vọng vài năm sẽ được luân chuyển về gần nhà như quy định hiện hành. 

Nhưng với nhiều lý do, kể cả những lý do không minh bạch, hàng vạn giáo viên không có cơ hội này. 

Chuyện rất xót xa, tất tả hàng trăm cây số chăm sóc cho học sinh vùng xa, trong khi con cái mình cũng còn rất nhỏ, cũng bơ vơ xa mẹ nhưng họ không thường xuyên có mặt để chăm sóc.

Thầy Nguyễn Viết Tiến, hiệu trưởng trường tiểu học Bản Công (Yên Bái) tâm sự:

“Đối với những giáo viên phải đi dạy xa nhà chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên.

Chẳng hạn như không yêu cầu các chị em ở xa phải trực trường cuối tuần. Nhà trường cũng rất tạo điều kiện cho giáo viên ở xa trường kèm theo một số chính sách đãi ngộ tốt.

Tuy nhiên nhìn chung giáo viên dạy tại các điểm trường nhất là những điểm trường xa nhà trên 50km chịu nhiều thiệt thòi và thiếu thốn tình cảm gia đình.

Đối với những trường hợp như vậy nhà trường rất đồng cảm và tạo điều kiện ưu tiên hết mức có thể cho các thầy cô công tác”.

Cần có thay đổi trong chính sách luân chuyển giáo viên vùng sâu, vùng xa (Ảnh:giaoduc.net.vn)

Cô giáo Triệu Mùi Tá (Mù Cang Chải, Hà Giang) bộc bạch: “Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước và Bộ giáo dục và đào tạo có những chính sách tạo điều kiện cho giáo viên ở xa nhà.

Bên cạnh đó Phòng giáo dục và đào tạo, các trường cũng có cơ chế phân bổ giáo viên về các điểm trường sao cho hợp lý”.

Trên đây chỉ là những tiếng lòng nhỏ nhoi của giáo viên trên cả nước.Trong năm mới hy vọng nghề giáo sẽ được đãi ngộ tốt hơn.

Trong năm qua cũng phơi bày một nghịch lý: Trong khi đời sống giáo viên nhiều nơi còn rất nhiều khó khăn vì đồng lương thấp nhưng việc thất thoát trong ngành giáo dục cũng rất lớn.

Một nhà giáo về hưu ví von: Nếu ví nghề giáo viên như nghề trồng cây. Dù mảnh đất có tốt, cây giống có tốt nhưng thiếu người chăm nom thì cái cây đó liệu có thể lớn được hay không? Nếu để người trồng cây suy dinh dưỡng,hấp hối thì liệu có sức để mà trồng mà chăm cây xanh tốt hay không?

Nguồn https://giaoduc.net.vn