Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, Hải Phòng có tiền tiêu cũng không dễ


Từ năm học 2020-2021, Hải Phòng sẽ hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, tuy nhiên bậc học này thường xuyên có biến động, gây bất cập khi triển khai chính sách này.

Ngày 9/12/2019, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 54 về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Theo nghị quyết này, thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở thực hiện từ năm học 2020-2021;

Hỗ trợ học phí trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông thực hiện từ năm học 2021-2022. Thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm.

Hải Phòng sẽ hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non từ năm học 2020-2021 (Ảnh: Lã Tiến)

Với chủ trương này, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông.

Qua khảo sát, đánh giá của ngành giáo dục Hải Phòng, việc triển khai Nghị quyết 54 sẽ gặp phải những bất cập.

Nguyên do, bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, sĩ số học sinh ổn định và việc lập danh sách, theo dõi, hỗ trợ kinh phí xuống các trường sẽ rõ ràng và dễ quản lý.

Trong khi đó, bậc mầm non luôn có sự biến động, dẫn đến việc theo dõi, thống kê sĩ số gặp khó khăn, gây ra nhiều bất cập đến việc hỗ trợ học phí.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền, với chính sách này, quận được hỗ trợ gần 30 tỷ đồng tiền học phí/năm.

Đây là một con số khá lớn, đó cũng là thách thức, vất vả cho đội ngũ quản lý giáo dục.

Đặc biệt, bậc học mầm non các cháu hay nghỉ học, sĩ số các trường không ổn định, do vậy, việc thống kê và theo dõi thống kê sĩ số và tài chính phân bổ sẽ khó khăn.

Vì thế, thành phố nên cấp kinh phí hỗ trợ theo kỳ học, có căn cứ, quyết toán rõ ràng để cán bộ quản lý dễ dàng theo dõi.

Trước  băn khoăn này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, thành phố có kế hoạch kết hợp với Ngân hàng Vietcombank bàn giải pháp hỗ trợ các trường về nghiệp vụ kế toán.

Bên cạnh đó, trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, các đơn vị đối tác sẽ cùng với sở xây dựng phần mềm quản lý.

Ngoài ra, Hải Phòng còn rất nhiều nhóm trẻ chưa được cấp phép. Với chính sách hỗ trợ học phí của thành phố, trẻ em đang theo học tại các cơ sở giáo dục không phép sẽ không được hưởng quyền lợi.

Vì thế, ngành Giáo dục thành phố bàn giải pháp “xóa sổ” những nhóm trẻ không phép, bảo đảm mọi trẻ em đi học đều được hưởng quyền lợi và sự bình đẳng như nhau.

Tại huyện Vĩnh Bảo, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường chỉ đạt trên 30%; huyện có 32 nhóm trẻ chưa phép.

Vì vậy, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo cho rằng, với chính sách miễn học phí của thành phố, nếu lượng trẻ mầm non đến trường đông hơn thì quy mô trường, lớp sẽ gặp khó khăn, không đáp ứng kịp.

Tương tự, huyện An Lão là địa phương có số cơ sở mầm non không phép lớn nhất thành phố với 63 cơ sở.

Bà Đặng Thị Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão cho biết: Để bảo đảm quyền lợi cho trẻ theo chính sách của thành phố, giải pháp hữu hiệu là nhanh chóng giải quyết triệt để các nhóm trẻ chưa được cấp phép.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, toàn thành phố hiện có khoảng 115.000 trẻ mầm non được đến trường và có khoảng 43.000 trẻ đang ở nhà.

Lãnh đạo sở này yêu cầu các phòng giáo dục quận, huyện lên “kịch bản”, đề xuất phương án, giải pháp dự trù khi chính sách miễn học phí được áp dụng, học sinh đến trường sẽ đông lên.

Một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra là các phòng giáo dục tập trung huy động xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục.

Nguồn https://giaoduc.net.vn