Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con tự nhiên kêu đau chân, nhất là vào buổi tối, mẹ tưởng con nói dối nhưng có thể bé đang gặp hiện tượng này


 

Trong quá trình nuôi con, ngoài các triệu chứng phổ biến như ho, cảm sốt, đôi khi trẻ còn có những biểu hiện lạ khiến bố mẹ hết sức lo lắng.

 

Chẳng hạn như hiện tượng bé thường xuyên hay thỉnh thoảng có những cơn đau chân, đau đến mức không ngủ được. Có bé kêu đau 1 vài lần, có bé than thở rất nhiều lần, lặp đi lặp lại nhưng lại không đau đến mức không đi được mà có khi hôm trước kêu đau, hôm sau vẫn chạy nhảy bình thường. Bởi thế, nhiều bố mẹ đã nghĩ con chỉ đang kêu giả vờ thôi, không nghĩ rằng con bị đau chân thật.

Theo bác sĩ Nhi khoa Lưu Hồng Vân, người được nhiều mẹ bỉm sữa ở TP. Hồ Chí Minh tin tưởng bởi sự hiền lành và tận tâm khi thăm khám cho trẻ nhỏ, nếu bé nhà bạn từng kêu đau chân với các biểu hiện trên, có khả năng bé đang bị đau tăng trưởng.

Đau tăng trưởng là gì?

Đau tăng trưởng là tình trạng đau như chuột rút ở cơ, đau nhức cơ bắp thường xảy ra ở cả hai chân, gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, trẻ tiểu học. Có thể bắt đầu xảy ra ở trẻ 3-4 tuổi, đỉnh xuất hiện thứ 2 là giai đoạn 8-12 tuổi.

Mức độ đau khác nhau đối với các trẻ. Một số trẻ bị đau rất nhiều, một số trẻ chỉ đau nhẹ. Biểu hiện của đau tăng trưởng là trẻ có cảm giác đau ở cả hai chân, đặc biệt là ở mặt trước của đùi, mặt sau của chân (bắp chân) hoặc phía sau đầu gối.

 


Bố mẹ cần nghĩ đến hiện tượng đau tăng trưởng khi con thỉnh thoảng kêu đau nhức chân (Ảnh minh họa).

 

Hầu hết trẻ em không bị đau mỗi ngày. Tuy nhiên, cơn đau có thể xuất hiện tới lui trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Hầu hết trẻ em sẽ hết hoàn toàn các cơn đau trong vòng vài năm. Cơn đau thường xuất hiện vào cuối buổi chiều và buổi tối, ngay trước giờ ăn tối và trước khi đi ngủ. Các cơn đau ở chân có thể đau đến mức có thể đánh thức con bạn khi bé đang ngủ.

Nếu con bạn có vẻ hoàn toàn ổn vào buổi sáng, đừng vội nghĩ rằng con bạn đang nói dối, hay đang làm quá vấn đề lên, vì các cơn đau tăng trưởng biến mất vào buổi sáng. Chúng thường không cản trở khả năng chơi thể thao hoặc năng động của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em bị đau tăng trưởng có thể nhạy cảm hơn với cơn đau. Những bé này cũng dễ bị đau đầu và đau bụng kèm theo.

Mặc dù tên là "đau tăng trưởng", nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy cơn đau liên quan đến sự tăng trưởng. Trước đây, các bác sĩ nghĩ rằng do tốc độ phát triển nhanh của xương so với gân cơ dẫn đến tình trạng đau này. Tuy nhiên, với các nghiên cứu hiện nay thì giả thuyết đó không đúng. Thay vào đó, đây chỉ đơn giản là đau cơ do các hoạt động thể lực trong ngày của bé, bao gồm chạy, nhảy, leo trèo.... Trẻ hay bị đau tăng trưởng thường xuyên hơn khi chơi thể thao cả ngày.

 


Làm thế nào để chẩn đoán đau tăng trưởng?

 

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán các cơn đau tăng trưởng bằng cách khám rất kỹ cho bé và hỏi các câu hỏi về bệnh sử và các triệu chứng. Điều quan trọng là cần phải loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau trước khi đưa ra kết luận đau tăng trưởng. Đây là lý do tại sao bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu có bé than thở bị đau chân.

Nếu con bạn có những cơn đau tăng trưởng, bác sĩ sẽ không thấy có gì bất thường trong quá trình khám sức khỏe. Xét nghiệm máu và chụp X-quang thường không cần thiết trong trường hợp này.


Điều trị đau tăng trưởng như thế nào?


Điều trị các cơn đau phụ thuộc vào mức độ đau của con bạn. Những việc làm sau đây có thể giảm bớt sự khó chịu và giúp con bạn cảm thấy tốt hơn:

- Massage chân.

- Kéo căng cơ chân.

- Đặt một miếng vải ấm hoặc miếng đệm ấm vào chân bị đau. Lưu ý độ nóng để tránh làm bỏng da của bé.

- Uống thuốc giảm đau: Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Lưu ý liều lượng thích hợp cho con bạn.

Lưu ý: Không bao giờ cho trẻ em uống thuốc Aspirin. Sử dụng Aspirin ở trẻ em có liên quan đến một căn bệnh đe dọa tính mạng được gọi là hội chứng Reye.

 


Đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng con đang gặp phải (Ảnh minh họa).

Phân biệt đau tăng trưởng với các triệu chứng bệnh lý khác

Bố mẹ cần đưa con đi thăm khám nếu trẻ có biểu hiện đau chân kèm theo xuất hiện các triệu chứng sau:

- Chấn thương.
- Sốt.
- Ăn mất ngon.
- Đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn.
- Phát ban.
- Khớp đỏ, ấm, đau, sưng.
- Mệt mỏi.
- Yếu đuối.
- Giảm cân.

Bác sĩ CKI Lưu Hồng Vân tốt nghiệp Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, có 13 năm công tác tại những bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện Nhi đồng 1. Hiện tại, bác sĩ Lưu Hồng Vân đang làm việc tại 1 phòng khám nhi khoa tại TP. Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Lưu Hồng Vân được giới mẹ bỉm sữa yêu thích vì sự hiền lành, tận tâm theo dõi bệnh con sát sao. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm thực hành y khoa tại các môi trường công lập cũng như quốc tế, theo phương châm hạn chế tối đa kháng sinh và các can thiệp không cần thiết, bác sĩ Vân là một địa chỉ được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm.


Theo Pháp luật và bạn đọc