Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng bệnh viêm tai giữa tái phát



Bé 5 tháng tuổi, một tuần nay quấy khóc, bỏ bú, tai chảy mủ vàng, có mùi. Trước đó bé từng bị viêm tai giữa. Bệnh này có tái đi tái lại? (Thảo Ly).

 

Mức độ nguy hiểm của bệnh này ra sao, cách phòng tránh để bé không bị tái đi tái lại là gì, thưa bác sĩ?

Trả lời:

Phụ huynh thường bỏ sót những triệu chứng khi trẻ bị viêm tai giữa, đến khi bé bị chảy mủ tai thì mới phát hiện. Trường hợp này cũng gặp thường xuyên. Phụ huynh nên chú ý biểu hiện ban đầu của viêm tai giữa là trẻ quấy khóc, khó chịu, thường lắc đầu, dụi tai, một vài hôm sau, tai bé bị chảy mủ. Khi thấy bé có một số triệu chứng này, cha mẹ có thể nắm vành tai của bé kéo ngược trở lên. Nếu trẻ khóc ré lên thì tai của trẻ đang có vấn đề và cần phải đi khám bác sĩ.

Bé bị viêm tai giữa cần phải khám, theo dõi và tái khám theo lịch của bác sĩ. Bệnh có thể tái đi tái lại do cách sinh hoạt chưa phù hợp như thường xuyên cho trẻ bú nằm, nhất là bú nằm về đêm. Trẻ khoảng 2-3 tháng tuổi, có thể bú ban ngày, khi nạp đủ năng lượng có thể ngủ ban đêm nhưng một số người mẹ có thể chưa biết. Ban đêm, trẻ khóc, thông thường mẹ nghĩ trẻ đòi bú nhưng có thể trẻ đòi mẹ, chứ không đòi bú, từ đó, khiến trẻ hình thành thói quen bú đêm.

Viêm tai giữa nếu tái đi tái lại ảnh hưởng đến hệ thống tai giữa, làm giảm thính lực. Trẻ bị giảm thính lực có thể kéo dài đến lớn, tuy nhiên, có thể khỏi nếu điều trị phù hợp. Cha mẹ nên hạn chế cho bé bú nằm, nhất là bú nằm vào ban đêm. Nếu trẻ có sổ mũi phải chữa cho dứt, không nên để viêm mũi kéo dài vì có hệ thống đường ống từ mũi đi lên đến tai. Tác nhân chính của viêm tai giữa là do vi khuẩn phế cầu (phế cầu khuẩn). Trẻ cần được chích vaccine phòng bệnh viêm tai giữa do phế cầu khuẩn gây ra.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

(Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM)