Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Duy trì bền chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non


 

Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, diện mạo giáo dục mầm non đã có nhiều khởi sắc. Theo đó, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản; cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường; tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng…

Nhiều khởi sắc

Thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018 - 2025, triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt năm 2010 với mục tiêu bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.

Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có sự khởi sắc toàn diện cả về quy mô và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. (Ảnh minh họa)

Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với thế hệ mầm non của đất nước. Đề án được toàn xã hội quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện. Vượt nhiều khó khăn, trong 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo nên diện mạo mới đối với giáo dục mầm non. Cụ thể, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản. Mỗi phường xã có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Đến nay, tổng số trường tăng khoảng trên 2.600 trường so với năm 2010. Cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường. Cả nước hiện có 201.605 phòng học, số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng, trong đó có 156.642 phòng kiên cố (chiếm tỷ lệ 77,7%, tăng 28,3%); đồ dùng đồ chơi tối thiểu được trang bị ở hầu hết các lớp 5 tuổi.

Đội ngũ giáo viên mầm non được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được đảm bảo. Toàn Ngành hiện có 364.776 giáo viên, tăng 148.072 giáo viên so với trước; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82 giáo viên/lớp. Giáo viên mầm non từ chỗ phần lớn chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, thậm chí có nơi giáo viên mầm non chỉ được chi trả bằng thóc lúa, cuộc sống bấp bênh thì đến nay tất cả giáo viên mầm non đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước.

Đáng chú ý, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5.306.501 trẻ em (tăng 1.535.018 trẻ so với năm học 2010-2011), trong đó có 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi (tăng 333.489 trẻ). Năm 2019, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt 99,6% (tăng 3,56% so với năm 2011); tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9% (tăng 21,3%); tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được học 2 buổi/ngày đạt 99% (tăng 21,3%).

Chương trình giáo dục mầm non được đổi mới; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao rõ rệt. Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội, nhờ đó vào lớp 1 mạnh dạn, tự tin, ham hiểu biết, thích đi học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm dần qua các năm, tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế. Trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường.

Hướng tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền; đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi nhiều địa phương còn thấp. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Tỷ lệ giáo viên/lớp thấp ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Triển khai chậm chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng lao động.

Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế). Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 15.461 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non (12.281 trường công lập, 3.180 trường ngoài công lập) với 200.262 nhóm/lớp và 15.914 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5.306.501 trẻ (đạt tỷ lệ 66,2%). Trong đó có 873.654 trẻ nhà trẻ (đạt tỷ lệ huy động 28%); 4.432.847 trẻ mẫu giáo (đạt tỷ lệ 90,5%); 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi (đạt tỷ lệ 99,6%).

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới của giáo dục mầm non là thực hiện tốt đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; tuyển dụng đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ, đảm bảo các điều kiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở đối với công tác đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi… Tới đây, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ chủ trì, phối hợp các bộ ngành, các đơn vị, xây dựng trình Chính phủ Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Các địa phương xây dựng kế hoạch, xác định giải pháp và lộ trình triển khai thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi vững chắc, đảm bảo chất lượng, tính khả thi.

Tại Hà Nội, năm học 2020 - 2021, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận/huyện/thị xã là tham mưu với chính quyền địa phương phát triển quy mô trường, lớp; làm tốt công tác huy động trẻ mầm non đến trường và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; khắc phục dần hiện tượng số trẻ/lớp cao hơn quy định ở một số nơi, nhằm duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trong giai đoạn 2021 - 2030, từng bước phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em ở các độ tuổi còn lại.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2020 - 2030; hỗ trợ các đơn vị xây dựng phương án gom điểm lẻ, hạn chế tình trạng một trường có quá nhiều điểm lẻ; tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để mọi trẻ đến trường đều được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt nhất…/.

 

Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã có sự khởi sắc toàn diện cả về quy mô và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đáng chú ý, Hà Nội là một trong số 6 tỉnh/thành phố đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2013. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường hiện đạt 53,5% (so với 10 năm trước tăng 17,1%).

Đây cũng là giai đoạn cấp học mầm non được quan tâm đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thành phố Hà Nội hiện có 1.140 trường mầm non, với hơn 535.000 trẻ. So với 10 năm trước, quy mô giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội hiện tăng thêm 303 trường, hơn 9.000 phòng học; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt hơn 97% (tăng 22,1%). Ngoài phòng học, các nhà trường đều được bổ sung phòng chức năng, bảo đảm các điều kiện để trẻ phát triển toàn diện.

 
Nguồn https://laodongthudo.vn/