Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xử trí khi trẻ bị cảm lạnh


 

Trẻ bị cảm lạnh chưa cần đến viện ngay, phụ huynh có thể theo dõi tại nhà, cho uống nước ấm pha mật ong trước khi ngủ, vệ sinh mũi đúng cách.

 

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) cho biết mùa đông lạnh cộng với chênh lệch nhiệt độ khiến trẻ dễ bị cảm lạnh do sức đề kháng kém. Đây là bệnh không tránh khỏi, cần thời gian để trẻ hồi phục và hoàn thiện dần hệ miễn dịch.

Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, giảm ho, sổ mũi, nên cho uống đủ nước để không mất nước, tăng độ loãng của đàm nhớt dễ tống ra khỏi đường thở. Uống nước ấm để tăng độ ẩm đường thở tạo cảm giác dễ chịu. Khi bé ngủ cho nằm ở tư thế đầu cao.

Thuốc ho không có tác dụng với trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ có phản xạ ho để tống xuất đàm và nuốt luôn, phụ huynh sẽ không thấy bé khạc ra. Nồng độ acid cao trong dịch vị dạ dày sẽ phân hủy virus trong đàm nhớt khi bé nuốt vào, nên phụ huynh không cần quá lo lắng, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Với trẻ trên 12 tháng, có thể uống mật ong để giảm ho. Cách làm là pha 1/2 muỗng cà phê mật ong nguyên chất với nước ấm, không thêm đường, cho bé uống trước khi đi ngủ.

Bác sĩ Phương Vũ lưu ý phụ huynh không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Lý do là trong mật ong có thể có một loại vi trùng gây bệnh botulism rất nguy hiểm với trẻ nhỏ chưa đầy một tuổi.

Trẻ trên 2 tuổi sổ mũi, nước mũi đặc, xử trí bằng cách rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý, sau đó hút nước mũi để thông thoáng đường thở giúp bé dễ bú và ngủ. Tuy nhiên không nên lạm dụng phương pháp này vì hút quá nhiều sẽ làm tổn thương sưng nề niêm mạc mũi, gây tác dụng ngược, nghẹt mũi nhiều hơn. Trẻ lớn, nên hướng dẫn bé cách hỉ mũi, rửa mũi bằng dung dịch nước muối.

Bé cảm kèm sốt, nên dùng thuốc hạ sốt đúng liều và đúng cách theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Đưa trẻ đến bệnh viện khám khi sốt cao 39-40 độ, sốt kéo dài hơn 3 ngày, trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, khó thở, khò khè, thở rít, thở nhanh, thở co kéo, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy hay ói nhiều, nhức đầu nhiều, đau họng, đau tai kéo dài, bứt rứt khó chịu.

 

Nguồn VNE