Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có bầu ở tuổi bà ngoại, khi nào cần đi bác sĩ?


Nếu mang thai ở độ tuổi mãn kinh, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của mẹ và con rất lớn.

Dở khóc dở cười khi mang thai tuổi mãn kinh

Bà N.K.L, 50 tuổi, tại Hà Nội đến bệnh viện do bị ra máu đen và mệt mỏi. Bệnh nhân L., cho biết: Bị chậm kinh gần 2 tháng nay kèm ra máu đen âm đạo ít một, đau bụng âm ỉ hố chậu phải, người mệt mỏi. Khám phụ khoa, bác sĩ thấy âm đạo có nhiều máu đen, tử cung kích thước to hơn bình thường, mật độ mềm.

Khi làm một số xét nghiệm và siêu âm đầu dò cho kết quả xét nghiệm có nồng độ Beta-hCG máu tăng cao > 200.000 u/l. Siêu âm hình ảnh tử cung có kích thước 71x87mm, không tăng sinh mạch, 2 buồng trứng bình thường.

Vì vậy, bệnh nhân được chẩn đoán chửa trứng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bà Bùi T.M. 51 tuổi, Đống Đa, Hà Nội cũng tương tự, bà làm nội trợ, gần đây có chăm hai đứa cháu ngoại sinh đôi cho con gái đi làm. Bà M. cho biết khoảng 1 năm nay chu kỳ kinh nguyệt của bà thất thường nên bà nghĩ do thời kỳ tiền mãn kinh. Trước đó vài tháng bà có đi kiểm tra bác sĩ cho biết thời kỳ này chu kỳ kinh nguyệt không đều như trước và 4 tháng nay không đến chu kỳ bà nghĩ mình đã mãn kinh.

Nhưng bụng ngày càng to như người có bầu, bà còn tưởng mình béo bụng. Bụng to, rắn kèm theo triệu chứng mệt mỏi nên hai vợ chồng bà đến bệnh viện khám. Bà M. bất ngờ khi bác sĩ siêu âm cho biết bà có túi thai và thai nhi đã được 13 tuần, có tim thai ổn định.

Nghe có thai, hai vợ chồng ông bà dở khóc dở cười. Con gái lớn đã 29 tuổi, con trai cũng 27 tuổi cuối năm sẽ cưới vợ. Đến giờ bà lại có thai không lẽ mẹ đẻ, con đẻ. Điều đặc biệt là bà M. lại còn có bệnh lý nền tăng huyết áp, tuổi nhiều nên việc giữ thai vô cùng nguy hiểm.

Sau khi suy nghĩ 3 ngày nâng lên đặt xuống việc đẻ hay không, bà M. quyết định bỏ thai vì sợ ảnh hưởng sức khoẻ nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

 


BS sản khoa Lê Thị Hiếu.

Nguy cơ khi có thai ở tuổi tiền mãn kinh

Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Hiếu, Bệnh viện An Việt Hà Nội, nguy cơ có thai ở tuổi tiền mãn kinh hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở giai đoạn này, chị em thường gặp phải nhiều rối loạn trong cơ thể và thay đổi của kinh nguyệt không đều, có thể thưa dần, tăng hoặc giảm lượng máu kinh bất thường.... Nhiều chị em chủ quan nghĩ rằng đã mãn kinh không có biện pháp phòng bệnh thì hoàn toàn có thể mang thai.

Nếu mang thai ở độ tuổi mãn kinh, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của mẹ và con rất lớn. BS Hiếu cho biết đứa trẻ có nguy cơ mắc hội chứng bệnh down, nguy cơ sinh non và thai chết lưu hơn phụ nữ trẻ. Có nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ ở độ tuổi 40 có nguy cơ là 1/100, gấp 10 lần nguy cơ của phụ nữ 25 tuổi. Đối với phụ nữ ở độ tuổi 49, nguy cơ này sẽ là 1/10.


Nguy cơ với chính người mẹ cũng rất nhiều như vấn đề tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ và nhau tiền đạo. Vì vậy, các chị em phụ nữ ở tuổi này hết sức cân nhắc việc có nên đình chỉ thai kỳ hay không nếu có thai ngoài ý muốn.

BS Hiếu khuyến cáo sau mãn kinh chị em phụ nữ vẫn cần sử dụng các biện pháp tránh thai sau 12 tháng nữa để không mang thai ngoài ý muốn.

Phụ nữ tuổi này vẫn có thể sử dụng các biện pháp tránh thai thông thường như thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung, sử dụng tránh thai bằng đường tiêm, sử dụng bao cao su. Tuy nhiên, những người mắc các bệnh nền như bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc cục máu đông khi sử dụng thuốc tránh thai hết sức cẩn trọng và phải tham khảo bác sĩ điều trị để có biện pháp tránh thai phù hợp, không ảnh ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Nguồn Infonet