Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dùng bạo lực phạt trẻ ăn trộm, cha mẹ chưa lường trước được hệ lụy



Câu chuyện về bé trai 7 tuổi bị bố trói tay vào cột gỗ rồi bôi mật khắp người cho côn trùng đốt đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Việc dùng đòn roi, bạo lực phạt tội trẻ ăn trộm được rất nhiều gia đình áp dụng mà không hề nghĩ tới những hệ lụy dưới đây.

 

Phẫn nộ với hành vi bạo lực phạt trẻ ăn trộm

Câu chuyện về bé trai 7 tuổi bị bố trói tay vào cột gỗ rồi bôi mật khắp người cho côn trùng đốt đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Cậu bé ở tỉnh Qalyubia (Ấn Độ). Sau khi người hàng xóm tố cáo em tội ăn trộm, người cha đã buộc hai tay cậu bé vào cột gỗ sau lưng, bôi mật ong lên da cậu bé khiến những con côn trùng đậu khắp người. Cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra sau khi nhận lời cầu cứu từ mẹ bé.

Đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc trẻ em bị bạo lực, làm nhục giữa chốn đông người vì phạt tội trẻ ăn trộm. Dư luận ở nước ta đã từng phẫn nộ khi hình ảnh một bé gái ở Bố Trạch, Quảng Bình bị người thân trói đằng sau xe tải với tấm biển "phạt trộm" rêu ngoài đường. Hay vụ một nữ sinh cấp 2 đã bị nhân viên siêu thị trói tay và treo tờ giấy ghi "tôi là người ăn trộm" lên cổ chụp ảnh tung lên mạng khi phát hiện lấy trộm hai cuốn sách...

 


Bé trai 7 tuổi bị bố trói tay vào cột gỗ để phạt tội ăn trộm đang gây phẫn nộ dư luận

Ngoài ra, nhiều cha mẹ thường ngày vẫn dùng đòn roi, bạo lực để dậy dỗ con trẻ. Khi phát hiện cậu con trai học lớp 1 rút trộm tiền trong ví, anh Nguyễn Văn Thiện (Hà Nội) cũng đã rối trí. Anh kể, thấy trong ví mất mấy trăm nghìn đồng. Anh ban đầu nghĩ do mình tiêu mất mà không hay. Sau lần đó, anh lại mất thêm một lần nữa nên đã để ý.

Tìm ở bàn học của con có thấy tờ 200 nghìn. Anh nói chuyện với vợ và bảo lựa hỏi con. Vợ anh lựa hỏi mới hay cậu bé đã lấy của bố 2 lần tiền trong ví. Nguyên nhân là bạn cùng lớp xui về lấy tiền bố mẹ mang đến cho bạn để mua đồ chơi và quà vặt nếu không sẽ không chơi cùng, thậm chí đánh. Biết chuyện này, anh Thiện đã vô cùng giận dữ. Anh đã trút cơn giận với con bằng một trận đòn "thừa sống thiếu chết" và dùng vô số những lời thóa mạ con. Báo hại về sau, cậu con trai bị ảnh hưởng tâm lý nhưng vẫn tiếp tục hành vi sai trái của mình.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, việc cảm thấy giận dữ, mắng chửi khi thấy trẻ ăn trộm là tâm lý dễ hiểu của người lớn, cha mẹ. Nhưng dùng đòn roi, bạo lực lại càng chưa bao giờ là hình thức đúng đắn để giáo dục một đứa trẻ. Việc dùng đòn roi, bạo lực chỉ là cách để người lớn giải tỏa sự bực tức của mình. Đòn roi chỉ khiến trẻ sợ hãi, có thể sửa hành vi tạm thời lúc đó để người lớn nguôi cơn thịnh nộ mà chưa hiểu được đã sai ở đâu và cần sửa gì. Trẻ vẫn có thể tái phạm hành vi sai trái của mình.

Cách giáo dục này còn có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý. Có những đứa trẻ sẽ trở nên tự ti, trầm cảm, không ít trẻ lại trở nên ương bướng hơn và có những hành vi chống đối lại bố mẹ khi bị bạo lực. Hành vi trộm cắp không ai cổ súy, nhưng xã hội cũng không đồng tình với cách xử lý như đánh đập, làm nhục đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trẻ phạm tội sẽ có cơ quan thực thi trách nhiệm, còn việc làm đánh đập, bêu rếu trẻ giữa nơi công cộng để phạt tội trộm cắp là thiếu nhân văn, làm tổn thương tâm lý của trẻ lâu dài.

Làm gì khi biết con ăn trộm?

Điều quan trọng khi thấy con ăn trộm, cha mẹ và người lớn cần bình tĩnh tìm hiểu lý do vì sao? Hãy lựa theo tính cách của con mình để làm sao con không sợ hãi mà nói sự thật. Chỉ vài câu hỏi vặn một cách nhẹ nhàng, trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng khai hết.

Rất nhiều trẻ trộm tiền của bố mẹ. Bố mẹ hãy xác định xem con lấy tiền là hành vi bột phát do thèm hay thích điều gì hay vì mục đích nào, trẻ đã lấy nhiều lần hay đây là lần đầu... chứ đừng vội kết tội, thóa mạ trẻ. Chỉ khi bình tĩnh tìm hiểu được nguyên nhân rõ ràng hành vi của trẻ mới đưa ra cách ứng xử phù hợp, giúp con không tái phạm. Khi con thành thật, nhận lỗi trước những hành động sai trái của bản thân, cha mẹ không nên nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của con nữa.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ trộm tiền có nghĩa là trẻ đã biết giá trị của đồng tiền. Điều này chỉ cần hướng dẫn con về quản lý chi tiêu tiền nong và dạy con cách tránh không lấy những thứ gì không thuộc về mình. Để trẻ biết tôn trọng tài sản của người khác, cha mẹ hãy áp dụng ngay từ chính đồ đạc của chúng trước. Chẳng hạn, khi muốn mượn đồ của trẻ cha mẹ hãy hỏi trẻ trước và chỉ khi chúng đồng ý mới cầm. Điều này về lâu sẽ hình thành thói quen giúp trẻ hiểu, tôn trọng tài sản của người khác. Đừng nói nặng với con. Hành động của con chỉ là bộc phát nên đừng vội quy kết con ăn cắp. Những lời thóa mạ, bạo lực sẽ ám ảnh con cả đời.

Với trường hợp trẻ không lấy tiền của người thân mà của người ngoài cần bắt trẻ trả lại tiền ngay lập tức và xin lỗi nạn nhân. Có thể cùng viết một lá thư xin lỗi rồi đem trả lại cho người bị mất. Cha mẹ cần chỉ cho trẻ hậu quả của việc ăn trộm sẽ như thế nào để biết sợ mà không dám tái phạm. Có thể cha mẹ đưa ra một số hình phạt như làm việc nhà để trẻ thấy được sự khó nhọc, vất vả mà biết quý trọng đồng tiền hơn.

 

Nguồn Giadinh