Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bà mẹ mới sinh nói nhảm, gào khóc, bác sĩ tâm lý cảnh báo căn bệnh nguy hiểm


 

Vừa mới điều trị tâm thần về nhà, sản phụ 27 tuổi đi lại lung tung không chủ đích, nói nhảm, tự nói một mình thậm chí gào khóc.

Khoa Tâm thần, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.Q 27 tuổi, trú tại Hoà An, Cao Bằng vào viện trong tình trạng nói nhảm, tự nói một mình, gào khóc...

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Rối loạn hành vi và tâm thần kết hợp với thời kì sinh đẻ.

Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử loạn thần sau đẻ, được điều trị tại khoa Tâm thần vừa ra viện được 3 ngày. Về nhà bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ, đi lại lung tung không chủ đích, lôi kéo người xung quanh để trình bày những việc không hiểu, không biết chăm sóc con nên gia đình lại phải đưa vào nhập viện điều trị.

 

Theo các bác sĩ, mang thai và sinh con là một giai đoạn có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Giai đoạn này cơ thể người phụ nữ có sự biến động cần được thích nghi cả về mặt cơ thể và tâm thần. Do đó các vấn đề bệnh lý về cảm xúc và tâm thần thường xuất hiện ở giai đoạn này.

BS Nguyễn Khắc Dũng, BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho phóng viên biết thêm, trầm cảm sau sinh là một rối loạn cảm xúc xảy ra sau khi sinh đẻ. Bệnh được đặc trưng bởi sự giảm khí sắc kéo dài trong năm sau khi sinh (tỷ lệ 15% trong ba tháng sau sinh và 15-25% trong năm đầu tiên sau sinh).

Theo đó, cảm giác buồn nản sau đẻ là một trạng thái nhẹ nhất của trầm cảm sau sinh. Biểu hiện kịch phát vào ngày thứ 3-5 và thường chỉ kéo dài trong 10 ngày. Các biểu hiện của sự buồn nản sau sinh bao gồm: ủ rũ, buồn chán, dao động cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, lo âu, dễ cáu giận và suy giảm nhận thức. Trạng thái này xuất hiện ở 60-70% ở các thai phụ mới sinh và hoàn toàn không nguy hiểm, tuy nhiên cần được giải thích, đồng cảm và trợ giúp kịp thời.

Trầm cảm sau sinh là một trạng thái nặng nề hơn cảm giác buồn nản rất nhiều. Bệnh ảnh hưởng đến bản thân bà mẹ, đứa trẻ mới sinh, gia đình và các mối quan hệ. Nguy cơ cao dẫn tới các biểu hiện tự sát hoặc gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

Bệnh thường khó phát hiện vì một số biểu hiện dễ nhầm lẫn với những rối loạn trong thời kỳ hậu sản. Đa phần bản thân của thai phụ và những người xung quanh coi những triệu chứng đó là bình thường và nghĩ rằng sẽ sớm biến mất. Rất nhiều bà mẹ e ngại khi nói ra các biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình, tự đối phó với các biểu hiện hoặc giấu bệnh.

BS Nguyễn Khắc Dũng nhấn mạnh, trầm cảm sau sinh nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, sẽ để lại hệ quả nặng nề.

Để phòng các rối loạn này, người phụ nữ nên chuẩn bị tâm lý sinh con và nuôi con ngay từ khi mang thai. Cần được cung cấp các kiến thức về sản khoa, về cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh, có như thế, sau khi sinh con, người phụ nữ sẽ tự tin hơn và tránh rơi vào tâm lý hoảng loạn, hoang mang khi phải bắt đầu vai trò làm mẹ.

Ngoài ra, người thân trong gia đình cũng nên quan tâm, chăm sóc và phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để điều trị. Việc phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm thần sau đẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Tùy theo tính chất bệnh lý mà bệnh nhân được dùng các thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần. Các thuốc này phải được các bác sỹ chuyên khoa chỉ định.

Đối với trường hợp trầm cảm nặng hoặc loạn thần sau sinh thì cần cách ly mẹ và con để đảm bảo an toàn cho con. Khi ổn định mới cho tiếp xúc mẹ con và được theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa tâm thần và gia đình. Một số trường hợp có thể tái phát bệnh ở những lần sinh nở tiếp theo. Vì vậy cần tư vấn cho gia đình chú ý đến những thay đổi của người mẹ khi sinh đẻ.

Một điều cần lưu ý là hầu hết tất cả các loại thuốc hướng thần được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần sau khi sinh cho người mẹ đều được đào thải qua sữa mẹ nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn với việc cho con bú. Vì vậy phải ngừng và chấm dứt việc cho con bú sữa mẹ để khỏi ảnh hưởng đến con. Bệnh nhân cần được đưa đến khám bệnh tại các bác sĩ chuyên khoa để có sự chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Biểu hiện của trầm cảm sau sinh:

Khi các mẹ bỉm sữa có ít nhất các triệu chứng dưới đây kéo dài trên 2 tuần, hãy tới gặp các bác sỹ để được tư vấn và hỗ trợ.

1. Những triệu chứng về cảm xúc: Cảm giác buồn kéo dài; Cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, trống rỗng; Những ý nghĩ vô dụng, bất tài, không xứng đáng, cảm thấy tội lỗi, hối hận;Thấy bản thân mình xấu xí, kém hấp dẫn; Mệt mỏi, kiệt sức; Lo nghĩ quá nhiều, cảm giác nhiều luồng suy nghĩ đan xen rối rắm trong đầu, suy nghĩ những không rõ mình đang nghĩ cái gì, lo nghĩ mơ hồ; Lo sợ về việc ở một mình, sợ việc đi ra ngoài, sợ bị bỏ rơi; Lo lắng về đứa trẻ, sợ hãi đứa trẻ, sợ mình làm tổn thương đứa trẻ...

2. Những dấu hiệu về hành động: Giảm/mất sự quan tâm, yêu thích với hầu hết mọi việc, kể cả các thói quen, hứng thú trước đây; Không muốn làm việc gì, làm việc rất nhanh mệt mỏi, kiệt sức; Ít quan tâm đến việc chăm sóc bản thân; Chán ăn hoặc ăn quá nhiều; Mất ngủ, ác mộng, ngủ quá nhiều, rối loạn nhịp thức-ngủ( ngủ ngày- thức đêm); Không muốn tiếp xúc với những người xung quanh, ngại gặp gỡ mọi người.

3. Các biểu hiện về suy nghĩ: Giảm sự tập trung chú ý; Giảm trí nhớ, hay nhầm lẫn; Khó khăn trong việc đưa ra quyết định; Có ý nghĩ tự sát. (Khi có biểu hiện này, hãy tới gặp bác sỹ ngay); Ý nghĩ muốn gây sát thương cho đứa trẻ và những người xung quanh.

4. Những rối loạn về cơ thể: Đau đầu; Bồn chồn, hồi hộp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi.

Nguồn Songkhoe