Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

3.000 dị vật được bác sĩ gắp ra từ trong bụng của trẻ nhỏ, rất nhiều thứ bạn chẳng bao giờ có thể ngờ tới


 

Sau những cuộc phẫu thuật cam go và gắp tới 3.000 dị vật các loại ra khỏi bụng của trẻ nhỏ, nhiều bác sĩ cũng không khỏi rùng mình. Trong những vụ tai nạn nuốt phải dị vật ấy, có cả nắp chai nhựa yên vị suốt 4 tháng trong bụng trẻ mà bố mẹ chẳng hề hay biết.

Sau bao cuộc phẫu thuật giành giật sự sống cho trẻ nhỏ, bệnh viện Nhi Đại học Giao Thông Tây An, Trung Quốc quyết định giữ lại tất cả những vật lạ đã được lấy ra, và tất nhiên những vật có giá trị đều được trả lại cho bố mẹ những đứa trẻ. Trong thời gian tới, họ dự định thành lập một gian trưng bày lưu động về dị vật trong đường tiêu hóa, và cho trưng bày thường xuyên ở nhiều nơi khác nhau để cảnh báo cho các bậc phụ huynh, hy vọng mọi người luôn nâng cao cảnh giác khi trong nhà có trẻ nhỏ.

"Ở bệnh viện chúng tôi có rất nhiều trẻ nuốt phải dị vật, mỗi ngày nhiều nhất trên 10 ca. Có thể nói đây là dạng cấp cứu phổ biến nhất về các bệnh đường tiêu hóa của trẻ em. Đối với trẻ sơ sinh có dị vật trong đường tiêu hóa, chúng tôi bắt buộc phải dùng ống soi dạ dày. Có hơn 300 trường hợp được lấy ra mỗi năm, và 'bộ sưu tập' đã có tới hơn 3.000 dị vật." - Bác sĩ Phương Doanh - Giám đốc Khoa Tiêu hóa của bệnh viện Nhi Đại học Giao Thông Tây An, Trung Quốc - cho biết.

Nhiều đứa trẻ nuốt phải dị vật mà bố mẹ không hề hay biết (Ảnh minh họa)

Cách đây không lâu, một bé gái 4 tuổi tên Tiểu Anh đã đến bệnh viện thăm khám. Thông qua chụp CT và nội soi dạ dày, có thể thấy một phần thịt hình cầu gồ lên trong thực quản, trông giống như một khối u.

"Sau nhiều lần kiểm tra và thảo luận đa ngành, bao gồm cả nội soi dạ dày, tôi dùng một con dao mỏng như kim để rạch phần thịt kỳ lạ và phát hiện bên trong viên thịt có một nắp nhựa màu trắng dài khoảng 2cm, làm tắc thực quản. Đó là một dị vật mắc kẹt trong thực quản quá lâu, khiến mô hạt cục bộ tăng sinh và hình thành." - Bác sĩ Phương Doanh nhớ lại.

Cho đến khi gắp dị vật ra ngoài, phụ huynh chỉ nhớ con mình đã từng tiếp xúc với dị vật liên quan cách đó chừng 4 tháng.

Sau khi được điều trị thêm, bé gái đã dần hồi phục và có thể ăn uống bình thường. Bác sĩ Phương Doanh nhấn mạnh rằng, nếu bố mẹ phát hiện ra đứa trẻ nuốt phải dị vật thì cần đến bệnh viện kiểm tra kịp thời. Lúc ấy, cơn đau và việc điều trị của đứa trẻ sẽ bớt khó khăn hơn.


Bệnh viện đã "sưu tầm" tới hơn 3.000 dị vật được lấy ra khỏi cơ thể trẻ sau nhiều ca phẫu thuật

Đối với trường hợp của bé Tiểu Anh, cư dân mạng Trung Quốc cũng để lại rất nhiều bình luận cảm khái: "Hồi nhỏ tôi từng nuốt một con ốc vít nhỏ xíu, thế mà đã thấy sợ lắm rồi. Thật không ngờ là các bé lại có thể nuốt phải nhiều dị vật kỳ lạ đến thế.", "Tôi cũng cố gắng giám sát con, nhưng thực sự rất khó để 24/7 ngăn chặn kịp thời, đọc xong bài viết này tôi thực sự cảm thấy hoang mang.", "Tôi hồi bé cũng vậy, nhìn thấy cái gì hay cũng nuốt.", "Bạn tôi lúc nhỏ có nuốt một quân cờ vây, giờ đây đã 20 năm qua đi, cũng không biết có còn ở trong cơ thể cậu ấy nữa không nhỉ?"...

Kim loại là một trong số những dị vật tương đối nguy hiểm, còn đồng xu lại khá nhẵn và không có cạnh sắc. Chúng bị mắc kẹt trong thực quản không quá 24h hoặc ở trong dạ dày không quá 7 ngày. Tổn thương thực quản hoặc niêm mạc dạ dày tương đối nhỏ, và nó cũng được lấy ra dễ dàng sau khi nội soi.

Tuy nhiên, nếu dị vật mắc kẹt trong thực quản hoặc ở trong dạ dày quá lâu sẽ gây tổn thương thực quản hoặc niêm mạc dạ dày, thậm chí thủng dạ dày ở trường hợp nặng, rất nguy hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.


Trẻ thích nhận thức và khám phá thế giới bằng cách cho đồ vật vào miệng (Ảnh minh họa)

Tại sao trẻ nhỏ lại thích ăn dị vật đến thế? Đây là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Nhà tâm lý học Sigmund Freud chia sự phát triển của bản chất con người trong giai đoạn ham muốn là khoảng 0-18 tháng sau khi đứa trẻ được sinh ra. Khoảng thời gian ấy, miệng là phương tiện quan trọng để trẻ nhận thức thế giới.

Dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em không hiếm gặp, nhưng dị vật có từ tính khá hiếm đang có xu hướng tăng lên trong vài năm gần đây. Chẳng hạn như khi trẻ nuốt phải pin, dị vật có từ tính nên có thể hút lại với nhau gây tắc ruột hoặc gây chèn ép thành ruột, gây thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến thủng ruột, viêm phúc mạc... có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Bác sĩ Phương Doanh khuyến cáo các bậc cha mẹ không để những đồ vật nhỏ dễ nuốt trong tầm tay của trẻ mà không có người lớn giám sát, đặc biệt không cho trẻ nghịch các vật dụng có tính chất từ tính như nam châm, bi nam châm xếp hình... Bệnh viện Nhi Đại học Giao Thông Tây An, Trung Quốc sẽ sử dụng hơn 3.000 dị vật này làm thành phòng triển lãm để cảnh báo về việc ngăn ngừa và điều trị dị vật trong đường tiêu hóa.

Nguồn: QQ