Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

BS. Đào Trường Giang chỉ mẹ cách cho con uống nước ép trái cây để phát huy hết tác dụng, uống sai có thể dẫn đến tác hại khôn lường


 

Phụ huynh thật sự cần cân nhắc trước khi cho trẻ em uống các loại nước ép trái cây vì uống sai cách có thể dẫn tới những tác hại khó lường.

Trẻ em thường hoạt động vui chơi nhiều gần gấp đôi người lớn, nên nhu cầu được cung cấp nước của cơ thể là rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng thích uống nước, nhất là khi nước lọc không màu - không mùi - không vị nên khó lòng kích thích cả thị giác lẫn vị giác của trẻ.

Theo đó, các mẹ thường cho trẻ uống nước ép trái cây để thay thế. Chưa kể, nhiều người còn cho rằng: "1 ly nước ép = 10 trái cây" nên thức uống có vị chua ngọt dịu nhẹ, giàu vitamin và đầy đủ chất dinh dưỡng này chính là lựa chọn tuyệt vời cho sức khỏe của trẻ, nhất là vào những khoảng thời tiết nóng nực như thế này.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề cho trẻ nhỏ uống nước ép trái cây như thế nào mới là phù hợp và tốt cho sức khỏe của bé dưới sự hướng dẫn của BS. Đào Trường Giang (BS. Nhi khoa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội).

 


Dù bé nhà bạn có thích thức uống này thế nào, các bố mẹ cũng nên hạn chế cho bé uống để trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển tốt nhất. (Ảnh minh họa)

Về cách uống:

- Nước trái cây nên được dùng trong các bữa ăn chính hoặc phụ.

- Không để trẻ nhâm nhi nước trái cây cả ngày.

- Với trẻ nhỏ không nên cho uống nước ép trái cây trước khi đi ngủ.

- Trẻ đang uống các loại thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống nước ép.

- Nếu có thể, hãy cho trẻ ăn hoa quả thay vì uống nước ép.

Về tuổi và giới hạn có thể uống:

+ Trẻ dưới 12 tháng không nên uống nước hoa quả trừ khi bắt buộc phải uống do vấn đề bệnh tật.

+ Trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể uống tối đa 120ml nước trái cây 100% mỗi ngày.

+ Trẻ từ 4 đến 6 tuổi có thể uống tối đa 180ml nước trái cây 100% mỗi ngày.

+ Trẻ từ 7 đến 18 tuổi có thể uống tối đa 240ml nước trái cây 100% mỗi ngày.

Thế nếu trẻ uống nước trái cây quá nhiều thì sao?

Theo ý kiến của BS. Đào Trường Giang, việc cho trẻ uống quá nhiều nước ép trái cây sẽ gây ra một số vấn đề như: Sâu răng, suy dinh dưỡng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy mạn tính. Ngoài ra còn có thể khiến trẻ mắc phải tình trạng nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn nếu dụng cụ ép trái cây không được vệ sinh sạch sẽ...

Lưu ý khi cho trẻ uống nước ép trái cây

Dù các loại nước hoa quả tốt cho sức khỏe của trẻ nhưng nếu uống đúng cách sẽ gây ra không ít những tác hại khó lường. Theo đó, dưới đây là những điều mà các mẹ cần lưu ý:

- Nên cho trẻ uống nước trái cây sau bữa ăn thay vì uống lúc đói bụng, trước bữa ăn hay vào buổi sáng sớm. Bởi nước ép trái cây có chứa axit, nếu uống sai thời điểm sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu để chức năng hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, các mẹ cũng nhớ rằng không nên cho bé trước giờ đi ngủ vì axit trong nước trái cây có thể làm bé bứt rứt, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

- Tất cả các loại quả người lớn ăn đều có thể làm nước trái cây cho con. Tuy nhiên, mẹ hãy chọn đa dạng loại trái cây bởi không phải loại quả nào cũng bổ sung những chất giống nhau. Ví dụ nho, táo lượng đường tự nhiên cao nhưng lại ít vitamin C và cam thì ngược lại.


- Hiện nay, trên thị trường tràn ngập các loại nước ép trái cây đóng hộp. Tuy chúng được quảng cáo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng tốt nhất cho bé vẫn không thể tốt bằng một ly trái cây từ hoa quả tươi. Chưa kể đến những thành phần bảo quản có trong đó.

Tốt nhất là mẹ chịu khó tìm mua những loại trái cây ngon sạch cho con ăn uống trái cây tươi sẽ tận dụng được hết dưỡng chất trong nó.

Trên đây là những điểm thật sự quan trọng mà các mẹ cần biết và hiểu rõ trước khi cho con uống nước ép trái cây. Hy vọng có thể cung cấp thêm kiến thức để chăm sóc các em bé tốt hơn.

Bác sĩ Đào Trường Giang là bác sĩ chuyên khoa Nhi tim mạch, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội.

Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.

Theo Nhịp Sống Việt