Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Liệu trẻ biết đi sớm hay muộn có thật sự liên quan đến chỉ số IQ cao hay thấp không, câu trả lời sẽ khiến phụ huynh bất ngờ



Khi thấy con chậm biết đi, nhiều phụ huynh không chỉ lo con thua kém những đứa trẻ đồng trang lứa mà con hoang mang hơn vì sợ chỉ số IQ của con thấp.

Mỗi ngày nhìn các con khôn lớn từng chút một, các bậc làm cha làm mẹ chắc chắn không giấu được niềm vui trong lòng. Đặc biệt khi bé bắt đầu chập chững tập đi hay lần đầu tiên cất tiếng gọi bố mẹ, đó là khoảnh khắc không thể nào quên được.

Người xưa thường nói trẻ thông minh sẽ sớm biết đi. Vì vậy, câu hỏi khi nào bé bắt đầu tập đi làm cho nhiều phụ huynh lo lắng. Liệu việc biết đi sớm hay muộn có liên quan đến chỉ số IQ của trẻ hay không?


Thực tế không có dữ liệu chính xác nào về việc trẻ thông minh sẽ biết đi sớm hơn. Điều này có nghĩa là trẻ đi sớm chưa chắc đã có IQ cao và ngược lại, trẻ biết đi muộn hơn không nhất thiết là do có chỉ số IQ thấp.

Thời điểm trẻ biết đi không liên quan gì đến chỉ số IQ, vậy các yếu tố ảnh hưởng đến nó là gì?

Tính cách của đứa trẻ

Mỗi trẻ sinh ra đều có những đặc điểm tính cách khác nhau. Có trẻ hoạt bát, vui vẻ, cũng có trẻ tính tình nhút nhát và cẩn trọng. Mỗi đặc điểm tính cách đều có những biểu hiện và đặc điểm riêng. Đối với một số trẻ có tính cách tương đối hướng nội thì thời gian biết đi của trẻ sẽ muộn hơn so với những trẻ năng động, hoạt bát và thích thể hiện bản thân.

Lòng dũng cảm của trẻ

Ngoài đặc điểm tính cách, thời điểm trẻ tập đi cũng liên quan rất nhiều đến lòng dũng cảm của trẻ. Một số trẻ can đảm và rất thích khám phá những điều mới. Do đó những đứa trẻ này có thể biết đi sớm. Trái lại, những đứa trẻ kém can đảm thường cẩn trọng trong mỗi hành động, đương nhiên, thời gian để chúng bắt đầu tập đi và biết đi sẽ muộn hơn một chút.


Sức mạnh của đôi chân

Việc phát triển khả năng vận động chân tay của mỗi đứa trẻ mỗi khác. Do vậy một số trẻ có cơ và xương chân phát triển sớm hơn sẽ có thể biết đi sớm hơn.

Với hy vọng con mau chóng cứng cáp, nhiều bậc phụ huynh nóng lòng giúp con tập đi từ khi con mới 7-8 tháng tuổi. Điều này không hề có lợi cho sự phát triển cơ và xương khớp chân của trẻ, do sức cơ ở chân của trẻ chưa đủ vững vàng để hỗ trợ trẻ đi thẳng, có khả năng gây tổn hại đến trẻ về lâu dài. Vì vậy, bố mẹ nên hỗ trợ con phát triển theo đúng quy trình tự nhiên, không nên khuyến khích hay ép con phải nhảy giai đoạn.

Khả năng phối hợp của trẻ

Điều quan trọng ảnh hưởng đến thời gian biết đi của trẻ chính là khả năng phối hợp và giữ thăng bằng. Một số trẻ có kỹ năng phối hợp thể chất tốt sẽ biết đi sớm và không dễ bị ngã. Đối với trẻ có khả năng phối hợp kém sẽ gặp khó khăn khi tập đi, trẻ hay bị ngã và dễ tạo ra tâm lý sợ hãi, dẫn đến việc trẻ biết đi muộn hơn.


Chỉ số IQ hay việc trẻ có thông minh hay không, không thể dựa vào thời điểm chúng biết đi sớm hay muộn. Chính vì thế, nếu trẻ vẫn có sự phát triển ổn định, đạt các mốc phát triển về trí tuệ và thể chất tương đối so với quy chuẩn và không gặp bất cứ vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nào, bố mẹ không nên quá lo lắng.

Theo Pháp luật và bạn đọc