Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những tai nạn thường xảy ra nhất trong thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý



Những tai nạn khi mang thai là điều mà không bà bầu nào mong muốn xảy ra. Vì vậy, để bảo vệ sự an toàn cho cả mẹ và bé, người mẹ cần có sự hiểu biết để phòng tránh những tai nạn này.

 

Mang thai là khoảng thời gian mà phụ nữ xuất hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chỉ trong 9 tháng 10 ngày trước khi em bé chào đời, phụ nữ ngoài cảm xúc hạnh phúc khi được làm mẹ, họ còn đối diện với những nỗi lo lắng về những tai nạn khi mang thai. Vì vậy, khi đang trong quá trình chuẩn bị hoặc đã mang thai, người mẹ cần phải chú ý và phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho thai nhi, thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kì. Những chấn thương nặng có thể gây tử vong cho người mẹ (chiếm 7%) và thai nhi (chiếm 80%).

 


Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho thai nhi, thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3. (Ảnh minh họa)

Erica Loomis, một bác sĩ phẫu thuật chấn thương tại trung tâm y tế ở Rochester, Minnesota, Mỹ cho biết: "Phụ nữ mang thai có xu hướng di chuyển và cân bằng khác nhau. Vì vậy, họ có thể đối diện với một số nguy cơ chấn thương ở mắt cá chân hoặc đầu gối khi té ngã. Thông thường, phản xạ của bà bầu sẽ cố gắng bảo vệ bụng của mình trước, nên có thể dẫn tới thương tích nặng ở những vùng khác".

Hầu hết các chấn thương có thể là vô tình hoặc cố ý. Mặc dù tỷ lệ bạo lực hoặc hành hung phụ nữ mang thai có, nhưng chỉ chiếm 2-3% trong tổng số các ca chấn thương trong thai kỳ.

Bạn có biết rằng, khi mang thai có một số triệu chứng làm giảm sự tập trung của bà bầu như buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ, hay sự tăng nhanh về trọng lượng ở những tháng cuối thai kỳ, tất cả đều có thể dẫn đến một số tai nạn. Sau đây là một số tai nạn mà bà bầu dễ rơi vào nhất.

1. Ngã và va chạm

Bà bầu thỉnh thoảng sẽ có những cơn chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi lên hoặc xuống cầu thang. Do đó khi di chuyển, bà bầu cần phải bước chậm, tay bám vào thành lan can hoặc trên tường. Ngoài ra, khi đứng dậy khỏi ghế hoặc giường, bà bầu cũng nên cẩn thận từng chút một.

Mặc dù khi di chuyển trên bề mặt phẳng như trên mặt đất, nhưng kích thước bụng lớn có thể khiến bà bầu va phải những góc cạnh của bàn, đồ nội thất... Đặc biệt, bà bầu không nên sử dụng thảm trong nhà vào thời điểm này để tránh trường hợp bị vấp hoặc trượt chân.


Bà bầu cần cẩn thận khi lên hoặc xuống cầu thang. (Ảnh minh họa)

2. Trượt chân trong bồn tắm
Khi mang thai, cân nặng của phụ nữ thay đổi, càng về tháng cuối của thai kỳ thì trọng lượng càng đổ dồn về bụng nhiều hơn. Lúc này, bà bầu cần phải thận trọng khi bước vào hoặc ra khỏi bồn tắm hay vòi hoa sen. Để cẩn thận hơn, bà bầu nên sử dụng thảm chống trượt đặt ở bên ngoài phòng tắm, khi di chuyển trong bồn tắm cần chú ý hơn.

3. Bong gân mắt cá chân
Khi tăng cân quá nhanh, trọng lượng sẽ dồn lên bàn chân và có thể dẫn tới tình trạng mất thăng bằng khi đứng. Việc giữ thăng bằng kém, chóng mặt cũng khiến bàn chân bị bong hoặc trẹo chân.

Để tránh tình trạng bị trẹo chân bất ngờ khi di chuyển, bà bầu cần bước đi cẩn thận ở nơi ẩm ướt hoặc bề mặt nghiêng.


Khi di chuyển, bà cầu cần thận trọng. (Ảnh minh họa)

4. Gãy xương
Gãy xương khi mang thai tuy ít xảy ra nhưng nó cũng có thể là hậu quả của việc ngã bất ngờ. Khi mang thai, bà bầu cũng nên bổ sung canxi thường xuyên. Theo WHO, lượng canxi được khuyến nghị trong 3 tháng đầu là 800mg/ngày, 3 tháng giữa là 1.000mg/ngày, 3 tháng cuối và đang nuôi con bú là 1.500mg/ngày.

5. Chảy máu
Khi mang thai, có một số trường hợp bị chảy máu rất đáng để quan tâm. Trong những tháng đầu của thai kỳ, nếu thấy máu chảy bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ gấp vì đó có thể là dấu hiệu của việc động thai. Nếu chảy máu sau khi quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa trong khi mang thai cũng cần phải cẩn trọng. Ngoài ra, chảy máu một chút trước ngày dự sinh thì không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong phần lớn các trường hợp, nếu nhận thấy máu xuất hiện bất thường, bà bầu nên kịp thời đến bệnh viện khám.

Nguồn: Afamily