Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm theo những bước này, cha mẹ sẽ yên tâm để con tự học


 

Để giúp con có khả năng tự học, không "oằn oại" nước mắt ngắn dài mỗi lần đến giờ học? Các bố mẹ có thể tham khảo gợi ý dưới đây.

1. Kiên nhẫn và tin rằng, con có khả năng: Đừng mặc định: Con không có tố chất. Thay vào đó hãy giúp con tin tưởng vào bản thân. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi như: Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu ta thử làm theo cách khác? Con có thể tìm sự giúp đỡ ở đâu để giải quyết được điều này. Con có thể đi đâu để hiểu thêm về điều đó?

2. Khuyến khích nỗ lực thành công: Hãy cho con thấy rằng, thành công chính là việc con đã học được một cái gì đó MỚI chứ không phải là học với kết quả cao. Nhưng cũng đừng liên tục nói: Giỏi quá! Con làm tốt quá! Tuyệt vời! ngay cả khi bạn có ý định tốt vì điều đó có thể phản tác dụng. Đứa trẻ cần động lực bên trong chứ không phải khen ngợi bên ngoài. Thay vào đó hãy thử quan sát hoặc tham gia vào công việc con làm: Mẹ thấy con sử dụng rất nhiều màu đỏ trong bức vẽ, con có thể cho mẹ biết vì sao không? Con đã tạo ra điều gì thế?...


Tự học là quá trình trẻ kết nối bản thân với tri thức. Ảnh minh họa.

3. Kết nối chơi với học tập: Ví dụ nếu một em bé thích xây dựng, hãy giúp con mở rộng sự quan tâm bằng giới thiệu khái niệm kĩ thuật và kiến trúc. Nếu một em bé thích nặn đất sét, hãy giúp em tìm hiểu các cấu trúc mà động vật xây dựng trong tự nhiên như tổ chim én hoặc tổ ong.

Hãy để việc chơi (theo thời gian biểu) của con không bị gián đoạn. Bạn cũng đừng ngắt lời con, đừng liên tục hỏi trong quá trình con chơi. Bạn nhớ nhé, chơi là công việc của trẻ, hãy để con "làm việc" mà không bị cắt ngang.

4. Tạo môi trường dễ dàng cho việc tự làm, tự khám phá: Bạn có thể để bút vẽ bút chì màu, giấy ở cửa sổ, trên bàn ăn... để con sẽ viết, vẽ khi có cảm hứng.

5. Hãy thu hút con vào những cuộc trò chuyện theo chủ đề: Có thể nghĩ ra chủ đề hấp dẫn với trẻ và đặt câu hỏi, lắng nghe câu trả lời (mà bạn không có sẵn).

6. Những điều sau là quan trọng nhất trong việc rèn con tự học:

6.1. Khả năng tập trung chú ý

6.2. Thói quen làm đủ bài tập. Đừng phàn nàn nếu cô giao bài tập. Những môn học như tiếng Anh chẳng hạn, nếu chỉ học theo thời lượng trên lớp thì dễ dẫn đến tình trạng "đánh trống bỏ dùi", trẻ cần luyện thêm các kĩ năng ở nhà.

6.3. Biết tìm các tài liệu tham khảo cho việc học

6.4. Biết tự lấy sách để đọc

Để thực hiện được những điều trên, bố mẹ hãy nhớ: Kỉ luật và linh hoạt. Kỉ luật có nghĩa tuân thủ nghiêm quy định về giờ giấc. Bố mẹ làm gương không dùng thiết bị điện tử trong giờ con học. Còn linh hoạt là hãy học bằng cách con thích.


Nguồn Giadinh.net