Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu hiệu trẻ cần điều trị hẹp bao quy đầu


 

Trẻ có biểu hiện sưng, đỏ và đau ở bao quy đầu có cần điều trị? cách phòng ngừa tình trạng? (Thảo Liên, TP HCM).

Con trai tôi 2 tuổi. Từ lúc mới sinh, tôi thấy bé đi tiểu khó khăn, thường phải rặn, tia nước tiểu phụt mạnh ra xa. Tôi thử kéo bao quy đầu của bé thì chỉ kéo được một nửa, gần đây có hiện sưng đỏ và đau.

Trả lời:

Bao quy đầu là lớp da bao bọc, bảo vệ phần cuối của dương vật. Hẹp bao quy đầu là tình trạng hẹp khiến cho da quy đầu không tuột được xuống khấc quy đầu. Ở bé trai chưa cắt bao quy đầu, lớp da này có thể rất hẹp, không kéo ngược lại được.

Hẹp bao quy đầu thường gặp ở trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) nhưng có thể xảy ra các độ tuổi khác. Tỷ lệ hẹp da quy đầu ở trẻ sơ sinh là 96%. Dần dần, da quy đầu sẽ tự nong theo thời gian, đến 3 tuổi, tỷ lệ này giảm còn 10%.

Nếu trẻ vẫn đi tiểu bình thường, không cần điều trị tức thời đến khi 4-5 tuổi. Đây là thời điểm bao quy đầu bắt đầu mở ra để có thể dễ dàng vệ sinh. Ngược lại, nếu trẻ bị sưng, đỏ hay chảy mủ (các dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng), trẻ đau khi đi tiểu, có thể bị hẹp bao quy đầu bệnh lý. Lúc này, người lớn cần đưa bé đi khám sớm để được điều trị kịp thời.


Các mức độ hẹp bao quy đầu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trường hợp bé 2 tuổi gặp khó khăn khi đi tiểu, da quy đầu không kéo xuống hết, đồng thời có biểu hiện sưng đau thì khả năng cao bị viêm bao quy đầu ở trẻ bị hẹp da quy đầu. Bạn nên đưa bé đi chữa trị ngay. Bởi lẽ nếu không được chăm sóc tốt, bé có thể gặp phải các biến chứng như: đau, nhiễm trùng vùng da quy đầu, nhiễm trùng tiểu, bí tiểu, ứ đọng nhiều chất dơ ở đầu dương vật.

Tùy vào độ tuổi và mức độ bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các biện pháp điều trị như lộn bao quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày, bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ, nong bao quy đầu, hướng dẫn về nhà tự nong.

Đối với những trẻ bị hẹp bao quy đầu có kèm thêm các bệnh lý khác, chuyên gia cân nhắc phẫu thuật. Chỉ định phẫu thuật thường áp dụng cho những trẻ hẹp da quy đầu điều trị nội khoa thất bại (nong, thuốc kháng viêm) hoặc trẻ không hợp tác khi nong; bị viêm xơ chai quy đầu - da quy đầu (BXO); bé trai có nguy cơ nhiễm trùng tiểu cao (bàng quang thần kinh, trào ngược bàng quang - niệu quản). Đôi khi do yêu cầu của cha mẹ (lý do tín ngưỡng, tôn giáo)...

 


Trẻ khám hẹp bao quy đầu tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phẫu thuật cắt bao quy đầu chống chỉ định với những bệnh nhân có rối loạn đông máu, bệnh lý toàn thân nặng, lỗ tiểu đóng thấp, dính da dương vật - bìu, vùi dương vật, nhiễm trùng tại chỗ.

Đối với trẻ bị hẹp bao quy đầu, ba mẹ không nên cố gắng kéo ngược bao quy đầu lại. Điều này gây sẹo, khiến tình trạng hẹp trở nên nặng. Đôi khi, da quy đầu kẹt không tụt lại vị trí bình thường (paraphimosis), dẫn đến sưng nề nhiều hơn. Khi đó, bệnh nhi vào viện để làm thủ thuật tụt ngược lại.

Cách hiệu quả để phòng ngừa hẹp bao quy đầu là vệ sinh vùng da của trẻ đúng cách, tránh bị viêm nhiễm. Ba mẹ thay tã cho con thường xuyên. Khi bé bước vào tuổi dậy thì, bố mẹ cần hướng dẫn bé cách tự vệ sinh cơ quan sinh dục, tránh nhiễm trùng vùng da này, nhờ đó ngăn chặn tình trạng.

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng
Bác sĩ Ngoại tim mạch - Ngoại Nhi - Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Nguồn VNE