Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

6 cách giúp giảm nghẹt mũi cho trẻ


Uống nhiều nước, ăn súp gà, thay đổi tư thế ngủ, hơi nước ấm và ẩm... có thể giúp trẻ giảm nghẹt mũi.

Nghẹt mũi khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, dễ mệt mỏi, cáu gắt, chất lượng giấc ngủ giảm sút. Trẻ nghẹt mũi có thể do cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm phế quản... Theo Medical News Today, phụ huynh có thể áp dụng một số cách sau đây nhằm giúp trẻ khắc phục tình trạng.

Hít hơi: không khí ấm và ẩm, hơi nước giúp làm lỏng chất nhầy đặc, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Khi bé nghẹt mũi, phụ huynh thử cho trẻ tắm nước ấm trước khi ngủ. Người lớn tạo hơi ẩm không khí bằng cách xả vòi hoa sen nước nóng hoặc dùng máy tạo ẩm giúp không khí luôn ẩm, mát. Cha mẹ nên lưu ý không để trẻ một mình với máy tạo ẩm vì có thể gây ra tổn thương cho trẻ.

Rửa mũi: trẻ em gặp khó khăn hơn với chứng nghẹt mũi vì chưa biết cách xì mũi. Cha mẹ nên dùng đồ hút mũi để thông mũi cho trẻ. Nếu thấy khó khăn với việc tự hút mũi, cha mẹ nên đưa bé đến phòng khám tai mũi họng để bác sĩ hỗ trợ hút chất nhầy trong mũi.

Rửa mũi cho trẻ để giảm các triệu chứng nghẹt mũi. Ảnh: Freepik

Nước muối xịt mũi: nước muối xịt mũi có thể giúp làm dịu mũi khi bị kích ứng, đồng thời làm lỏng chất nhầy đặc. Phụ huynh có thể xịt nhẹ nhàng vào mũi trẻ, ngày 3 lần hoặc nhiều hơn nếu trẻ nghẹt mũi nặng. Xịt nước muối sẽ dễ chịu hơn khi thực hiện trong phòng có hơi nước, hơi ẩm.

Súp gà: Theo Medical News Today, súp gà là một phương thuốc dân gian có thể làm dịu tắc nghẽn bằng cách giảm viêm. Một số nghiên cứu cho rằng súp gà có thể làm dịu chứng viêm ở đường hô hấp trên, giảm các triệu chứng tắc nghẽn do lạnh. Ngoài ra, súp gà có thể giúp trẻ giữ nước và khuyến khích bé ăn khi cảm thấy không khỏe.

Uống nhiều nước: nước và các chất lỏng khác có thể giúp làm loãng chất nhầy, giúp trẻ dễ ho đẩy chất nhầy ra ngoài. Trong trường hợp bé sốt, chất lỏng giúp ngăn ngừa mất nước. Ngoài nước lọc, cha mẹ có thể cho trẻ uống các loại nước hoa quả, sữa...

Thay đổi tư thế ngủ: tình trạng nghẹt mũi thường nặng hơn vào ban đêm do khi nằm, các xoang không thể mở ra ngoài dễ dàng. Nghẹt mũi khiến trẻ thở bằng miệng thay vì mũi, điều này khiến trẻ khát nước khi thức dậy. Để giảm nghẹt mũi vào ban đêm, phụ huynh cho bé nằm ở tư thế kê cao đầu, xoa ít tinh dầu lên gối hoặc mở đèn xông để giảm bớt triệu chứng nghẹt mũi.

Giữ không khí trong lành: cha mẹ không nên hút thuốc xung quanh trẻ, lưu ý đưa ra tránh xa khu vực có nhiều khói thuốc. Ô nhiễm không khí, khói thuốc có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ.

Anh Chi(Vnexpress.net)