Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con bị bắt nạt?


Hiện tượng trẻ bị bắt nạt có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Hậu quả của tình trạng này đối với trẻ là không hề nhỏ.

 

Cha mẹ cần hiểu sự khác biệt giữa xô xát và bắt nạt. Ảnh minh họa.

Do đó, việc cha mẹ có kiến thức để xử lý và giúp trẻ không bị bắt nạt là vô cùng quan trọng.

Cha mẹ cần dạy trẻ nhận biết dấu hiệu của bắt nạt; hành vi nào là đúng hoặc sai; cách cư xử nào là không chấp nhận được và con có thể làm gì để tránh xa người bạn có những dấu hiệu của kẻ bắt nạt.

Dấu hiệu trẻ bị bắt nạt

Khi đến trường, nếu gặp bất đồng với bạn bè, hoặc phải đối diện trước sự bắt nạt, trẻ sẽ sợ hãi và có xu hướng tránh né, không muốn đến lớp. Vì vậy, các phụ huynh cần có những phương án xử lý kịp thời, nhằm giúp trẻ tháo gỡ khúc mắc.

Các chuyên gia cảnh báo, việc bị bắt nạt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất, trẻ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc, bao gồm trầm cảm, lo lắng.

Trẻ cũng có có thể lạm dụng chất kích thích khi lớn hơn và giảm hiệu suất ở trường. Không chỉ trực tiếp, kẻ bắt nạt còn có thể thực hiện hành vi thông qua Internet, ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào. Bắt nạt trên mạng có thể gây ra tác hại nghiêm trọng, vì khả năng nhanh chóng tiếp cận nhiều nạn nhân.

Trong khi đó, bất kỳ trẻ em nào cũng có quyền được hưởng một môi trường học tập an toàn và xứng đáng được tôn trọng phẩm giá. Công ước về Quyền trẻ em quy định, tất cả trẻ em đều có quyền được học và bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, thương tích hoặc xâm hại về thể chất hoặc tinh thần. Bắt nạt cũng không ngoại lệ.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nếu không chắc liệu con mình có bị bắt nạt hay không, các phụ huynh cần quan sát và để ý kĩ. Hãy quan sát trạng thái cảm xúc của trẻ. Bởi, một số trẻ có thể không bày tỏ mối quan tâm bằng lời nói.

Các dấu hiệu cần chú ý bao gồm: Dấu hiệu vật lý như vết bầm tím không rõ nguyên nhân, vết trầy xước, gãy xương và vết thương đang lành. Ngoài ra, trẻ có thể sợ đi học hoặc tham gia các sự kiện của trường. Trẻ cũng thường xuyên lo lắng, căng thẳng hoặc rất cảnh giác. Trẻ bị bắt nạt cũng có ít bạn.

Bên cạnh đó, quần áo, đồ điện tử hoặc đồ dùng cá nhân khác của trẻ có thể bị mất hoặc phá hủy. Trẻ bị bắt nạt cũng có thể thường xin tiền, học lực thấp, hay nghỉ học hoặc gọi điện cho cha mẹ từ trường yêu cầu đón về nhà. Hoặc, trẻ có thể thường cố gắng ở gần người lớn, ngủ không ngon và có thể gặp ác mộng, than phiền về nhức đầu, đau bụng hoặc các bệnh thể chất khác.

Nạn nhân thường đau khổ sau khi dành thời gian trực tuyến hoặc trên điện thoại mà không có lời giải thích hợp lý. Trẻ cũng có thể trở nên bí mật một cách bất thường, đặc biệt là khi nói đến các hoạt động trực tuyến, gây hấn hoặc bộc phát tức giận.

Do đó, phụ huynh cần nói chuyện với trẻ về những gì con cho là hành vi tốt và không tốt ở trường, trong cộng đồng cũng như trên mạng. Điều quan trọng là phải giao tiếp cởi mở để trẻ cảm thấy thoải mái khi nói với cha mẹ về những gì đang xảy ra trong cuộc sống.

 

Nếu không chắc liệu con mình có bị bắt nạt hay không, các phụ huynh cần quan sát và để ý kĩ. Ảnh minh hoạ

Phân biệt xô xát và bắt nạt

Theo chuyên gia tư vấn phụ huynh và tâm lý trẻ trẻ em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu), cha mẹ cần hiểu rõ sự khác biệt giữa hành vi xô xát và bắt nạt. Theo chị Quỳnh Anh, xô xát thường xảy ra ngẫu nhiên với tất cả trẻ trong quá trình tương tác với nhau.

Ví dụ: Bạn A và B tranh giành một món đồ chơi. Bạn A đẩy B ngã và lấy món đồ. Hành động này được cho là xô xát khi A làm như vậy với tất cả các bạn khác mỗi khi muốn giành đồ chơi, chứ không phải riêng B. Chủ đích của việc bạn A đẩy B là muốn lấy món đồ, chứ không phải thao túng hay cố tình gây tổn thương B.

“Xô xát là quá trình học hỏi tự nhiên ở trẻ. Thường, người lớn không cần can thiệp gì quá nhiều, nhất là phía phụ huynh của bạn B. Mỗi trẻ sẽ có cách giải quyết xô xát khác nhau. Trẻ sẽ chọn cách mà chúng thấy thoải mái nhất.

Không phải lúc nào dám giành lại đồ chơi hay ăn miếng trả miếng với bạn mới là tốt, là có chính kiến, là mạnh mẽ. Ngay cả khi trẻ bỏ đi chơi thứ khác, chỉ đứng khóc, hay chạy đi cầu cứu người lớn cũng là trẻ đang có chính kiến và đáng được tôn trọng, giúp đỡ”, chuyên gia giải thích.

Do đó, cha mẹ không cần lo lắng hay cố gắng dạy trẻ phản ứng theo hướng trái ngược với tính cách của bé. Trong trường hợp này, khi cha mẹ cố ép con vào một chuẩn mực nào đó, thì vô tình phụ huynh đang phủ nhận chính kiến của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy chia sẻ và đồng cảm với cảm xúc mà con gặp phải khi xô xát.

Trường hợp cần can thiệp là khi trẻ cầu cứu sự giúp đỡ từ cha mẹ hay người chăm sóc. Hoặc, có sự chênh lệch lớn giữa các bé về sức khoẻ, tầm vóc, tuổi tác, khiến một hoặc vài trẻ có thể gặp tổn thương hay nguy hiểm.

“Bắt nạt khác với xô xát ở chỗ, bắt nạt có mục tiêu nạn nhân cụ thể và thường xuyên lặp đi lặp lại với mục đích thao túng và gây tổn thương. Ví dụ: Bạn A thường xuyên giật đồ chơi và đẩy bạn B ngã. Tuy nhiên, A không làm thế với các bạn khác, hoặc không làm thế khi có người lớn xung quanh. Bạn A thường bắt bạn B làm theo ý mình. Nếu không, A sẽ doạ nạt, đánh hoặc cô lập bạn B”, chị Quỳnh Anh dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, trong tình huống trên, nếu là phụ huynh của bạn B, nhất là khi B lại thuộc tuýp trẻ không có nhu cầu phản kháng mạnh, thường sợ hãi khi nhắc đến A, hãy tránh các cuộc gặp gỡ có bạn A nếu có thể. Bởi, trẻ còn quá nhỏ. Do đó, cha mẹ không thể biết được con sẽ học hay bị ảnh hưởng gì bởi những người bạn như A.

Nếu không thể tránh, hoặc tệ hơn là B rất thích chơi với A, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp. Trong đó, phụ huynh có thể kết bạn, làm thân với đứa trẻ bắt nạt con mình. Theo chị Quỳnh Anh, đứa trẻ “xấu tính” thực ra thường bị tổn thương và thiếu thốn. Do đó, người lớn không nên mang thái độ thù địch với một đứa trẻ. Ngược lại, hãy dùng sự bao dung để trở thành một người bạn lớn của đứa trẻ đó.

Một biện pháp khác là cha mẹ có thể củng cố niềm tin cho con mình. Hãy nói với trẻ rằng, con vô cùng đáng yêu, tốt bụng. Không phải vì bạn không tốt với mình có nghĩa mình là đứa trẻ tồi tệ. Nếu không chơi với nhóm bạn này, con vẫn có thể chơi với các nhóm bạn khác. Phụ huynh đồng thời có thể gợi ý cho con cách phản kháng phù hợp. Ví dụ, trẻ có thể mách cô giáo, hét to lên, thể hiện thái độ cứng rắn... Cha mẹ hãy gợi ý cho con những cách phản kháng hoặc tự vệ phù hợp với tính cách của trẻ. Tuy nhiên, hãy chỉ dừng ở gợi ý, thay vì gây áp lực.

Theo chị Quỳnh Anh, cha mẹ cũng có thể yêu cầu nhà trường và phụ huynh của đứa trẻ bắt nạt can thiệp, hỗ trợ.

“Hãy can thiệp ngay lập tức khi nhận thấy con mình có dấu hiệu hoảng loạn, sợ hãi, tổn thương tinh thần hoặc cơ thể. Khi làm việc với nhà trường và phụ huynh của đứa trẻ bắt nạt, nên tránh dùng những mệnh đề tấn công trực tiếp vào đứa trẻ. Hãy giữ thái độ thông cảm, cùng nhau phối hợp tìm cách giải quyết. Đồng thời, phải đủ cứng rắn để nhà trường và phụ huynh của đứa trẻ bắt nạt thấy rằng, chúng ta không bao giờ nhắm mắt cho qua, mà sẽ bảo vệ con mình bằng mọi giá”, chuyên gia nhấn mạnh.

Một yếu tố quan trọng khác là cha mẹ hãy dạy con mình nhận biết dấu hiệu của hành vi bắt nạt. Cha mẹ có thể dạy con về hành vi nào là đúng hoặc sai, cách cư xử nào là không chấp nhận được và con có thể làm gì để tránh xa người bạn có những dấu hiệu của kẻ bắt nạt.

“Đừng cấm B chơi với A, cũng đừng cố nói với con A là bạn xấu. Hãy chỉ tập trung vào hành động của A đã không đúng ở điểm nào. Tuyệt đối không được bảo con hãy chấp nhận và bỏ qua vì đó chỉ là chuyện nhỏ. Hãy để con tự đánh giá vì cha mẹ không thể quyết định chọn bạn thay con. Hãy dạy con cách nhìn nhận, cư xử đúng. Tự con sẽ biết chọn cho mình người bạn phù hợp trong tương lai”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.


Vân Huyền

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cha-me-can-lam-gi-khi-phat-hien-con-bi-bat-nat-post609398.html