Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

3 vấn đề thường gặp về giấc ngủ ngắn ở trẻ sơ sinh


Giấc ngủ trưa ngắn dần, ngủ không theo lịch, bé không ngủ trưa là các dấu hiệu ba mẹ nên nhận biết và cùng con điều chỉnh nếp ngủ mới.

Ba mẹ thường tạo thói quen để con có giấc ngủ sâu và vào nếp từ khi còn sơ sinh. Dưới đây là 3 dấu hiệu thường gặp và mẹo giúp con đi vào giấc ngủ ngắn có lịch trình:

Bé không ngủ trưa: Nếu nhận thấy trẻ không ngủ hoặc mất nhiều thời gian để trôi vào nề nếp ngủ, ba mẹ có thể thiết lập thói quen cho con trước khi ngủ. Huấn luyện viên về giấc ngủ Kim West (tác giả sách The Sleep Lady's Good Night, Sleep) cho biết, ba mẹ có thể thực hành một vài thói quen trước khi đi ngủ của người lớn, như: Kéo rèm, cùng nhau đọc một câu chuyện hoặc hát một bài hát ru quanh không gian ngủ của con. Bé sẽ cảm thấy dễ chịu, thư giãn và là dấu hiệu hỗ trợ não bé hoạt động chậm lại để sẵn sàng ngủ. Con không ngủ theo nếp như trước là do con vẫn tràn đầy năng lượng và nhu cầu ngủ của con thay đổi dần khi lớn. Khi khoảng 12 tháng tuổi, bé có thể sẵn sàng chuyển sang ngủ một giấc mỗi ngày.

Nếp ngủ ngắn (naptime) của trẻ sơ sinh thay đổi dần khi trẻ lớn. Ảnh: Freepik.

Bé ngủ không theo lịch trình: Trẻ sơ sinh ngủ liên tục cả ngày là dấu hiệu tự nhiên. Khi lên 3-4 tháng tuổi, bé có thể ngủ 2 lần vào giấc sáng và giấc đầu giờ chiều. Do đó, bạn có thể đặt mục tiêu cho bé ngủ trưa lúc 9 giờ sáng và 1 giờ chiều. Nếu trẻ không bị khó ngủ ban đêm, bạn có thể để bé ngủ ban ngày tùy thích. Ba mẹ nên cố gắng giúp trẻ không ngủ lần 3 vào chiều muộn khi trẻ được 9 tháng tuổi. Điều này sẽ giúp con sẵn sàng đi ngủ tối sớm hơn khi lớn. Giấc ngủ hàng ngày sẽ hợp nhất thành 2-3 giấc phù hợp hơn. Thói quen này cũng góp phần giúp nhịp sinh hoạt của ba mẹ được diễn ra suông sẻ.

Giấc ngủ trưa của bé ngắn dần: Bé được khoảng 10-12 tháng tuổi có thể sẽ bỏ nếp ngủ sáng. Ở giai đoạn thay đổi này, bạn có thể cân nhắc tăng thời gian ngủ và giờ bắt đầu đi ngủ của con thêm 30 phút để giúp con điều chỉnh dần. Hầu hết trẻ em tiếp tục ngủ trưa từ một đến hai giờ cho đến khoảng 3 tuổi. Sau độ tuổi này, thời gian ngủ trưa có xu hướng ngắn lại. Mỗi em bé đều khác nhau và lịch trình ngủ trưa do đó cũng khác nhau.

Để giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ, ba mẹ có thể tạo không gian ngủ tối, bật tiếng ồn trắng (white noise) giúp con dễ ngủ hơn. Bạn có thể hát ru nhẹ nhàng, quấn tã hoặc xoa người cho con trước khi bé mệt vì buồn ngủ. Dần bé sẽ biết rằng những hoạt động này là dấu hiệu đến lúc nghỉ ngơi. Ba mẹ cũng nên đặt em bé nằm ngửa khi ngủ, giữ vệ sinh cũi ngủ.

Con khóc khi được đặt xuống để ngủ khi còn sơ sinh là dấu hiệu bình thường. Bạn có thể xoa dịu con bằng cách hát khe khẽ, bật nhạc nhẹ hoặc đung đưa bé nhẹ nhàng. Trẻ sơ sinh cũng thường hoạt động trong khi ngủ như co giật tay chân, mỉm cười, giật mình và thường tỏ ra bồn chồn. Những lúc này, thay vì bế bé lên ngay, ba mẹ có thể đợi vài phút xem bé có ngủ lại không. Giúp con bạn ngủ đủ giấc vào ban ngày là một thử thách. Ba mẹ hãy quan sát và lắng nghe các dấu hiệu cho thấy bé đang mệt và cố gắng duy trì thói quen ngủ trưa của bé nhất quán. Nếu bạn có thắc mắc hoặc lo lắng về lịch trình ngủ của con, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa.

Mai Chi(Vnexpress.net)

(Theo Parents, Mayo Clinic)