Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em có mắc bệnh thận?


Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đều có thể mắc bệnh thận và diễn tiến nặng nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, trẻ mắc bệnh thận chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trẻ mắc bệnh thận do dị tật bẩm sinh, trong thời kỳ niên thiếu. Ở nước ta, mỗi năm bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị cho hơn 2.000 trẻ mắc bệnh thận. Trung bình, mỗi ngày một bệnh viện tiếp nhận hơn 50 trẻ đến khám.

Các bệnh thận thường gặp ở trẻ em gồm: dị dạng đường tiết niệu, bệnh cầu thận (viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư...), nhiễm trùng đường tiểu, tổn thương thận cấp, suy thận mạn, bệnh thận do viêm mạch máu IgA, bệnh thận do lupus...

Theo PGS.TS.BS Trụ, trẻ mắc bệnh thận có một số dấu hiệu như: phù, (cụ thể phù ở mắt, tay, chân, bụng),... phụ huynh có thể lầm tưởng đây là triệu chứng dị ứng, tự mua thuốc điều trị khiến bé không được điều trị sớm. Ngoài ra, những bé có bệnh thận có thể có tăng huyết áp. Bên cạnh dấu hiệu phù nề, huyết áp thì phụ huynh cần theo dõi nước tiểu ở trẻ. Nếu bé đi tiểu ít kèm nước tiểu đục, nước tiểu có máu hoặc trẻ đau rát, quấy khóc sau khi đi tiểu là dấu hiệu đặc trưng bệnh thận.

Dựa trên những dấu hiệu cảnh báo, phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra bệnh, để được điều trị phù hợp.

Siêu âm giúp phát hiện bất thường thận ở trẻ em. Ảnh: Freepik

PGS.TS.BS Trụ khuyến cáo, nhiệm vụ chính của thận là sản xuất, bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ chất độc trong máu, giữ ổn định nồng độ chất trong tuần hoàn của cơ thể. Muối và nước được bài tiết ra ngoài phụ thuộc vào hệ thống điều chỉnh phức tạp của thận.

Hiện nay, tuỳ theo từng loại bệnh sẽ được điều trị khác nhau: có thể điều trị bằng thuốc, hay can thiệp phẫu thuật. Trẻ tăng huyết áp thì được điều trị sử dụng thuốc hạ huyết áp. Một số trường hợp phải sử dụng thuốc đặc hiệu như thuốc ức chế miễn dịch. Trẻ gặp phải một số dị dạng đường tiết niệu có thể phải cần phẫu thuật. Một số bệnh thận không chữa được, bệnh sẽ tiến triển tới suy thận mạn giai đoạn cuối , trẻ cần ghép thận hay chạy thận nhân tạo.

Tỷ lệ mắc mới của bệnh thận mạn giai đoạn cuối của trẻ em dưới 15 tuổi hàng năm trên toàn thế giới khoảng 5 - 6 trẻ/một triệu trẻ em. Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh thận phụ huynh lưu ý thực đơn, nếu bé có triệu chứng phù cần hạn chế đồ ăn mặn.

Tuệ Diễm(Vnexpress.net)