Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao trẻ viêm phổi tái phát nhiều lần?


Trẻ viêm phổi tái phát nhiều lần do tác nhân trong môi trường, cơ địa đặc biệt... có thể gây biến chứng tại phổi hoặc toàn thân.

Bệnh nhi Minh Quân (3 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khi sốt 39 độ C, ho đàm, ăn uống kém. Bé Quân được chẩn đoán viêm phổi tái phát. Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, đồng thời tiếp tục theo dõi tình trạng đáp ứng điều trị.

Trước đó bé được điều trị viêm phổi ở bệnh viện địa phương 6 ngày nhưng tình trạng không cải thiện. Bé bị sốt lại, ho có đờm tăng nên gia đình chuyển viện để điều trị. Mẹ bé cho biết con bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần khiến vợ chồng chị lo lắng, mệt mỏi. Cả hai liên tục gác lại công việc để chăm con.

Theo ThS. Bác sĩ nội trú chuyên khoa 1 Trịnh Thị Hồng Vân - khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp viêm phổi tái phát. Theo y văn, bệnh này chiếm khoảng 8% trong số những trẻ viêm phổi, tỷ lệ này tăng trong thời điểm giao mùa. Nhiều bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi tái phát 3-4 lần trong năm.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ bị viêm phổi và tái phát nhiều lần có thể do nhiều tác nhân như: nhiễm vi khuẩn phế cầu - Streptococcus pneumoniae, virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp - RSV...

Hiện, tại Hà Nội lượng trẻ mắc viêm phổi do RSV được cảnh báo gia tăng. Tại TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên... thời tiết cũng đang tạo điều kiện để virus, vi khuẩn này phát triển mạnh, tăng khả năng lây truyền qua đường hô hấp, gây viêm phổi.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ đang thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Hữu Dung

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó khi hệ hô hấp từng bị tổn thương sẽ khó phục hồi. Đây là lý do khiến trẻ tăng nguy cơ tái phát bệnh nhiều lần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ tiếp xúc nhiều với các yếu tố gây bệnh.

Với trẻ có bệnh lý nền, viêm phổi tái phát có thể diễn tiến không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, môi trường. Cụ thể, bé bị trào ngược, hen, bệnh lý bẩm sinh, bất thường ở đường thở, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh,... khiến viêm phổi dai dẳng, dễ tái lại.

Ngoài ra, trẻ viêm phổi tái phát có thể do tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: tiếp xúc khói thuốc lá, môi trường sống đông đúc, ô nhiễm...

"Trẻ bị viêm phổi tái phát nhiều lần nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tràn dịch màng phổi, hoại tử hoặc thay đổi cấu trúc phổi. Trường hợp nặng kéo dài thời gian nằm viện, có thể để lại biến chứng suốt đời", PGS.TS.BS Trụ khuyến cáo.

Để phòng bệnh cho bé, phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ môi trường sống; chủ động cho trẻ chích ngừa các loại vaccine có thể ngừa tác nhân lây truyền qua đường hô hấp, gây viêm phổi. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tránh cho trẻ tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh hô hấp, tăng cường dinh dưỡng đủ các nhóm chất, cho trẻ uống đủ nước.

Trường hợp trẻ viêm phổi có các dấu hiệu bất thường như sốt cao không hạ, giật mình, thở nhanh, thở mệt,... cần đưa đến viện ngay.

Dương Thương(Vnexpress.net)