Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có nên cho trẻ biếng ăn uống sữa bù cơm?


Con tôi thường xuyên bỏ bữa, sau đó uống bù sữa. Như vậy có đảm bảo dinh dưỡng không, gia đình nên cho cháu uống sữa như thế nào, có nên dùng sữa hạt không? (Hải Hà, 34 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

Sữa là một loại thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau với 3 thành phần năng lượng đường, đạm, béo, ngoài ra còn chứa nước, vitamin và khoáng chất, vi lượng khác, trong đó có khoáng canxi cho xương. Sữa dễ nuốt ở dạng lỏng, dễ được tiêu hóa và hấp thu trong cơ thể, giúp tăng chiều cao, nên sữa rất quan trọng với trẻ em.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất và đầy đủ. Với trẻ tuổi ăn dặm và lớn hơn thì sữa vẫn cần thiết nhưng cần thêm lượng lớn năng lượng và dưỡng chất từ thức ăn đặc mới đầy đủ. Sữa chỉ đóng vai trò nhất định trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ lớn. Nếu chỉ uống sữa để sống, trẻ có nguy cơ thiếu năng lượng, nhẹ cân, dẫn đến dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, dễ bị thiếu sắt, thiếu máu gây xanh xao, mệt mỏi, thiếu tập trung, cáu gắt...

Gia đình nên cho trẻ ăn thức ăn và dùng sữa để bổ sung canxi. Ảnh: Freepik

Nếu thỉnh thoảng bé bỏ bữa, ăn kém vì bệnh thì cha mẹ có thể dùng sữa bù vào bữa ăn, lượng ăn còn thiếu. Nếu trẻ bỏ bữa hoàn toàn, chỉ uống sữa, trẻ phải uống một lượng lớn sữa thì mới bằng với lượng thức ăn đặc và cách này không thể duy trì trong thời gian dài. Ví dụ 1 chén cháo nhỏ 250 ml nấu đủ chất sẽ cung cấp khoảng 300-350 kcal, 1 chén lưng cơm trắng là 200 kcal, trong khi 250 ml sữa chỉ cho 160-180 kcal.

Vì vậy, nếu trẻ bỏ bữa không ăn, gia đình cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Trẻ có thể bị mắc bệnh nào đó, viêm loét lưỡi miệng gây đau khi ăn, sốt mệt, ho ói nhiều hoặc món ăn bữa đó chế biến không phù hợp sức nhai; khẩu vị của bé, quá mặn hay hôi, chua...

Nếu khoảng cách giữa các bữa ăn dưới 2 tiếng, trẻ vẫn cảm thấy no, cha mẹ nên chờ đến khi con đói thì hãy cho ăn. Cha mẹ nên dỗ trẻ ăn thêm bánh, trứng, khoai, sữa chua sau bữa ăn, sau đó bù tiếp bằng sữa. Hoặc gia đình chờ sau bữa ăn 2 tiếng, để sữa vào bữa phụ và ăn kèm với bánh để cân đối hơn về mặt dinh dưỡng. Nếu trẻ từ chối ăn kéo dài, gia đình cần đưa đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Đồng thời, cha mẹ cần phát triển hành vi ăn uống cho trẻ thay vì chỉ quan tâm con no hay đói. Ví dụ, bố mẹ cho trẻ ăn cùng người lớn để luyện cách ăn, lựa chọn thức ăn, tránh cho trẻ ăn trong khi đang xem tivi, video hoạt hình...

Gia đình cũng không nên cắt bỏ hoàn toàn sữa khỏi bữa ăn hàng ngày để bé phải ăn thức ăn. Mỗi ngày trẻ cần tối thiểu 500 ml với mọi lứa tuổi trên 6 tháng. Các sản phẩm khác của sữa như sữa chua, phomai, flan (caramen), váng sữa, cũng thay thế được một phần sữa tương đương về thể tích.

Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng sữa tươi thanh trùng hoặc tiệt trùng (sữa bò hoặc sữa dê), sữa bột nguyên kem. Sữa nguyên kem giúp trẻ dưới 6 tuổi nhận đủ dinh dưỡng và chất béo cho quá trình phát triển não bộ. Trẻ trên 6 tuổi có thể dùng sữa ít béo hoặc tách béo để phòng chống thừa cân béo phì ở những trẻ có nguy cơ tăng cân quá nhanh do uống nhiều sữa.

Về sữa hạt, một số loại có thành phần chất đạm, chất đường, chất béo xấp xỉ sữa bò, nhưng hàm lượng canxi thường thấp. Sữa hạt chỉ dùng bổ sung dinh dưỡng chứ không dùng để nuôi lớn một đứa trẻ, phải uống xen kẽ với sữa bò nhằm tránh gây thiếu canxi và khiến trẻ chậm tăng chiều cao.

Theo Vnexpress.net

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế,

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM