Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trăn trở của giáo viên mầm non


Mới đây, tại buổi góp ý dự thảo nghị định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, đại diện Bộ GD&ĐT, LĐLĐVN cùng nhiều chuyên gia dự hội thảo đã đề xuất nên xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, nghỉ hưu ở tuổi 55 hoặc sớm hơn.

Ảnh minh họa/INT

Đề xuất này đã và đang nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhà giáo phụ trách cấp lớp này.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT giờ dạy đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày; đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 4 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi, bảo đảm làm việc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên thực tế giờ làm của giáo viên mầm non bao giờ cũng vượt thời gian quy định.

Có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút để đón trẻ và phải đợi đến lúc phụ huynh đón xong cháu cuối cùng của lớp, có khi sau 17 giờ 30 phút mới được về, là chuyện thường ngày của các cô mầm non. Buổi trưa trong lúc lao động nghề khác có thời gian nghỉ ngơi thì giáo viên mầm non cũng phải thức canh các cháu ngủ. 

Chị Lê Thanh Hằng, giáo viên mầm non ở quận Tân Bình (TPHCM) cho biết: "Thực tế chúng tôi làm hơn 10 tiếng mỗi ngày để dạy dỗ, chăm lo cho trẻ, từ vui chơi, ăn ngủ đến vệ sinh cá nhân. Từ khi có camera, nhiều phụ huynh ghé mắt thấy vì sao con mình chưa được ăn trái chuối, cũng bốc máy gọi cô, rất áp lực… Có nhiều hôm về nhà chưa kịp thở đã nghe bố mẹ một số cháu gọi hỏi vì sao trẻ bị trầy da chỗ này, hay "bỗng dưng" tiêu chảy...". 

Chị Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên mầm non lớn tuổi ở Đồng Nai chia sẻ: Nhiều hôm tủi thân lắm, vì có trẻ mới vô lớp cứ gọi cô là… bà. "Tuổi mình cao thì khả năng múa, hát giảm, phản ứng trước các tình huống cũng không nhanh nhạy như cô trẻ. Các con có xu hướng thích cô giáo trẻ, xinh tươi, vui vẻ hơn".

Được nghỉ hưu ở tuổi 55 là nguyện vọng của số đông giáo viên mầm non. Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay: Qua khảo sát của công đoàn ngành, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55. "Hiện tại định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của giáo viên mầm non quá nhiều so với các ngành nghề khác (10 giờ/ngày). 

Cường độ làm việc cao, sức ép từ việc giữ an toàn cho trẻ căng thẳng, kéo dài làm cho sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút rất nhanh. Vì vậy, 55 tuổi trở đi, giáo viên mầm non sẽ không đủ sức khỏe để bảo đảm các thao tác chuyên môn như: Múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy... nguy cơ mất an toàn là điều có thể xảy ra", ông Ân cho biết.

Dĩ nhiên để đưa ra những căn cứ khoa học quyết định cho giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 55 là cả một quy trình phức tạp, phải có sự tính toán của chuyên gia về định mức lao động, tác động độc hại. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn ngành đang thiếu giáo viên mầm non, đó đây cũng có những ý kiến quan ngại về việc bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ nếu cho giáo viên mầm non về hưu sớm hơn. 

Tuy vậy, thực tế lao động vất vả, nặng nhọc của nhân lực ngành này không thể phủ nhận. Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp trên 379 giáo viên mầm non, kết quả có gần 34% bị khó thở, đau tức ngực; 30% ho khan tiếng; gần 69% stress nghề nghiệp, 49% giảm thị lực...

Giải quyết hài hòa để giảm bớt áp lực lao động vất vả của giáo viên mầm non, bảo đảm quy trình khi thực hiện xếp nhóm ngành nghề cũng như nhu cầu nhân lực của ngành là cần thiết. Nhưng căn cơ nhất vẫn là quy định cho giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, theo hướng trao quyền cho người lao động lựa chọn. Thực tế, một số giáo viên mầm non có nguyện vọng và sức khỏe, đơn vị có nhu cầu có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như người lao động trong điều kiện bình thường. 

Nguồn https://giaoducthoidai.vn