Giáo dục mầm non
   Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM
 
1. Giáo dục mầm non (GDMN) là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. “Mục tiêu GDMN là giúp đỡ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố ban đầu của nhân cách, chuẩn bị đầy đủ tâm trí cho trẻ bước vào lớp 1” (theo Luật giáo dục).

Các công trình nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh trẻ lọt lòng mẹ đã sớm hình thành con đường học tập theo Benjamin S. Bloom thì trước 4 tuổi trẻ trai và gái có 50% năng lực học tập, từ 4 đến 8 tuổi phát triển thêm 30%, từ 8 đến 17 tuổi hoàn thành nốt 20% (năng lực học hỏi không có nghĩa là toàn bộ vốn kiến thức và trí tuệ). Tương tự, trước 6 tuổi trẻ đã tích lũy được 33% vốn từ vựng tiếng mẹ đẻ 6 đến 13 tuổi bổ sung thêm 42% sau đó chỉ thêm 25% khi tròn 18 tuổi (theo Gorden Dryden - The learning revolution).

Trường mầm non (TMN) đơn vị cơ sở của hệ thống GDMN, nơi hàng ngày hàng triệu trẻ em bắt đầu thu nhận những gì “đời cho” tích lũy làm phát triển bộ não người. TMN tại TP.HCM đã thu hút 15% tổng số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, và 85% trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đến trường.

2. Tuy nhiên chất lượng đào tạo và giáo dục của các TMN còn chưa đáp ứng được sự phát triển của trẻ, chưa khơi dậy được năng lực học tập phi thường vốn sẵn có ở mỗi đứa trẻ như nhà tâm lý học Anh Tony Buzan nhận xét: Trừ phi tổn thương não bẩm sinh khi mới chào đời, còn lại mọi đứa trẻ đều là thiên tài đang đợi thời cơ phát tiết, thể hiện. Song hiện nay, do rất nhiều nguyên nhân TMN còn đang hạn chế sự phát triển to lớn ấy của trẻ. Có những nguyên nhân bên ngoài như trường sở, đồ dùng học tập, thiết bị thiếu thốn, không đồng bộ. Song nguyên nhân chủ yếu từ bên trong lại ẩn chứa trong cách thức tổ chức dạy dỗ, giáo dục của đội ngũ cô giáo, thầy giáo, của nhà quản lý và phụ huynh. Ai trong chúng ta cũng muốn con em phát triển cao, phát triển nhanh, nhưng phương pháp giáo dục chủ yếu lại gò bó, nhồi nhét hình như càng nhiều càng tốt. Và tiếc thay cách thức ấy lại phản lại mục tiêu chúng ta mong muốn.

Cho đến nay, phần lớn các trường học cho trẻ em và kể cả cho học sinh, sinh viên, người lớn tuổi, vẫn tồn tại ưu thế phương pháp truyền thống: truyền dạy, ghi, học (nhớ), thi. Nền giáo dục chưa thoát ra khỏi vòng tứ giác kìm chế sự sáng tạo đó. Giáo dục như vậy đã đơn giản hóa một đứa trẻ, thuần hóa nó bằng nhồi nhét, nhớ máy móc và học thuộc lòng. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý trong hệ thống trường quản lý giáo dục cũng chưa thoát được quỹ đạo trên.

3. Theo kinh nghiệm của nhiều nước đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ khâu giáo viên. Và việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo là nhiệm vụ quan trọng số một trong công cuộc cải cách giáo dục. Nếu không đặt trọng tâm vào vấn đề bồi dưỡng và tái bồi dưỡng cho thầy giáo, cô giáo, và hiệu trưởng thì có thể nói mọi cuộc cải cách giáo dục khó có thể thành công. Lý do rất dễ hiểu và đơn giản: họ phải hiểu thấu đáo, và có hứng thú thay đổi phương pháp quản lý, phương pháp truyền dạy cho trẻ em.

Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, có sứ mệnh bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kịp thời những nội dung và phương pháp đổi mới giáo dục bằng các lớp, các khóa ngắn hạn, tạo nên hứng thú và sinh khí cho sự chuyển biến trong giáo dục. Nhiều năm nay Trường Cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố với hàng trăm khóa liên tục, đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển giáo dục của một thành phố năng động nhất cả nước. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện, giảng dạy còn nặng khuôn mẫu truyền thống, lo thanh toán chương trình, truyền giảng, ghi nhớ là chủ yếu.

Chúng tôi khảo sát, thu thập ý kiến giáo viên, hiệu trưởng 22 TMN ở quận 1, TP.HCM (15 trường công lập, 7 trường dân lập, tư thục) và 120 giáo viên, cán bộ quản lý đã qua bồi dưỡng quản lý giáo dục cho thấy một số thực tế sau:

Có ba loại học viên:

- Đang làm cán bộ quản lý giáo dục, đã có ít nhiều kinh nghiệm về quản lý GDMN.

- Mới được đề bạt làm cán bộ quản lý được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý GDMN.

- Nhân sự dự trữ (cán bộ kế cận) quản lý hoặc họ tự túc kinh phí đi học nghiệp vụ quản lý (đến nay nhà trường đã bồi dưỡng hơn 500 học viên loại hình này cho cơ sở GDMN ngoài công lập).

Một số đặc điểm xã hội, tâm lý tác động đến học tập nghiệp vụ quản lý GDMN.

- Hầu hết là nữ (99%) ít mạnh dạn trước đám đông.

- Đã là người trưởng thành, có kinh nghiệm cuộc sống, có thói quen khó thay đổi.

- Ít bộc lộ, tâm lý xấu hổ trước đám đông, sợ lộ sự yếu kém của bản thân.

- Không thích nhiều lý thuyết, khả năng ghi nhớ kém (so với học sinh phổ thông) thích hoạt động, hứng thú với những vấn đề “đụng chạm” đến công việc đang làm.

- Phần lớn ham học hỏi, khao khát hiểu biết nhất là các vấn đề mới mẻ.

Từ những kết quả khảo sát trên, có thể nhận thấy: học viên các lớp bồi dưỡng là đối tượng người lớn, khác với học sinh phổ thông. Họ là những người vừa làm vừa học, trải nghiệm cuộc sống, có vốn liếng thực tế và ham thích học hỏi, nhất là các vấn đề liên quan đến công việc của họ, thiết thực đối với việc quản lý giáo dục ở TMN. Tuy nhiên họ vẫn giữ thói quen học tập thụ động, ít động não, chờ đợi những đáp án có sẵn trong sách vở, thói quen từ thời học sinh phổ thông, ít bộc lộ, không mạnh dạn trao đổi ý kiến xây dựng bài… Đó là những cản trở chủ yếu, hạn chế chất lượng, mức độ sâu sắc, và hiệu quả quá trình học tập. Song sự ham hiểu biết cái mới, hứng thú hoạt động tham gia vào các vấn đề thực tiễn, có kinh nghiệm sống đó là vấn đề cơ bản.

Tóm lại, tiềm năng, ham học hỏi, khao khát kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ vẫn rất cần khơi dậy, phát huy để đạt chất lượng cao hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

4. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Cán bộ quản lý giáo dục.

Thế kỷ XXI, một thời kỳ mới bắt đầu. Chúng ta đã chứng kiến trào lưu toàn cầu hóa, các quốc gia trong đó có Việt Nam gia nhập WTO. Sự đổi thay mãnh liệt đó đã ảnh hưởng sâu sắc các tiến trình xã hội trên toàn thế giới và ở nước ta. Nền kinh tế tri thức hình thành nền kinh tế dựa vào trí tuệ con người. Và dĩ nhiên, giáo dục trở thành tài nguyên quan trọng của bất kỳ quốc gia nào. Nước ta, giáo dục và đào tạo là động lực thúc đẩy nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đương nhiên để phát huy được sức mạnh tài nguyên không bao giờ cạn đó, cần phải có một cuộc cách mạng về đào tạo, về học tập (The learning revolution).

Đây là vấn đề rộng lớn và phức tạp, đối với phạm vi, giới hạn trong các khóa học, các lớp học của nhà trường cán bộ quản lý, một việc có thể làm được mà không đòi hỏi nhiều kinh phí.

Đó là làm thế nào phá vỡ sự thụ động, chờ sẵn của người học. Các nhà nghiên cứu thường gọi là vị thế chủ thể, hoặc phát huy tính tích cực của người học.

Quan niệm làm sao để người học chủ động hơn tiếp thu tri thức, quá trình hình thành kiến thức mới phải tự sắp xếp, cấu trúc theo sự sáng tạo của tư duy, nhằm tiêu hóa kiến thức, nhập tâm và sau đó có thể trình bày, trao đổi với người khác - hướng ngoại một cách mạch lạc, khoa học… đào sâu hơn và vận dụng vào thực tiễn quản lý giáo dục.

Kinh nghiệm trên phù hợp với các nghiên cứu của các nhà giáo dục Mỹ. (Xem biểu đồ dưới đây)

Hình tháp về mức độ tiếp thu và nhớ được (%)

 5%    -> nghe giảng (lecture)
10%    -> đọc (reading)
20%    -> nghe nhìn (audio - visual)
30%    -> làm thí nghiệm trên lớp (demonotration)
50%    -> thảo luận nhóm (discustion group)
75%    -> làm bài ở nhà, ghi lại viết lại (proctiec by doeng)
90%    -> dạy người khác (teach others, immediate of learning)

Theo Đại học Maine - Hoa Kỳ  - Trung tâm thực nghiệm về đào tạo

Theo sơ đồ trên, tiến trình một bài học có nhiều khâu liên hoàn, và mỗi khâu đều có vai trò quan trọng của nó. Và, không vì nhấn mạnh đến vai trò của thực hành, rèn luyện kỹ năng quản lý, mà xem thường những khâu khác (nghe, đọc, nhìn…). Tuy nhiên chúng ta có thể nhận thấy rằng để hiểu thấu đáo một bài học một quá trình, học viên cần phải tham gia vào việc tổ chức, sắp xếp những gì đã nghe, đã ghi, đã thấy rồi mổ xẻ, phân tích nó, kết nối vào kinh nghiệm (kiến thức đã có) và mở rộng nó. Sau đó, học viên cần vận dụng bằng cách trình bày, trao đổi, lắng nghe “tương tác” với người khác… Nếu không vậy kiến thức có thể nhiều nhưng ở trạng thái trơ, không biến thành phẩm chất sáng tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng: Sinh viên Việt Nam, độ thông minh và lượng kiến thức không hề thua kém, nhưng vận dụng giải quyết vấn đề và trình bày nó thì không bằng sinh viên nước ngoài.

Để góp phần đổi mới phương pháp bồi dưỡng học viên tại Trường Quản lý giáo dục TP.HCM đã nghiệm thu phương pháp thảo luận nhóm, để giải quyết bài tập thực hành (trong phạm vi bài lên lớp) đã mang lại kết quả khả  quan.

Phương pháp thảo luận nhóm đã định hai yêu cầu: Học viên tham gia tổ chức kiến thức của mình và trình bày quan điểm, đối thoại, thảo luận, thực hiện tương tác trong mỗi vấn đề, mỗi bài học trên lớp.

Đây là phương pháp đang được vận dụng đào tạo - bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quản lý GDMN hiện nay tại Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM.

Th.S Nguyễn Trọng Thuyết

                              ( Theo Báo Giáo Dục )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tạo mọi điều kiện để tất cả trẻ 5 tuổi được đến trường (5/7)
 Chuẩn bị cho bé vào mẫu giáo (30/6)
 Hội nghị tổng kết công tác thi đua nghành GD&ĐT Vùng 7 năm học 2006-2007 (26/6)
 TP.HCM: Vẫn thiếu chỗ học cho trẻ mầm non (26/6)
 MN Vành Khuyên: Trường mầm non đầu tiên của huyện Nhà Bè đạt chuẩn. (25/6)
 Trí tuệ bình thường, trẻ vẫn khó học (25/6)
 Trường mầm non 1 triệu USD (25/6)
 Khai mạc Hội chợ - triển lãm sách - thiết bị giáo dục (22/6)
 Hội nghị cộng tác viên tạp chí GDMN (21/6)
 TP.HCM: Năm học 2007 - 2008 học phí tăng gấp đôi (20/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i