Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện bây giờ tiếp tục kể : Nỗi niềm cô giáo Mầm non (phần 2)


Phần 1 - Tâm trạng
Phần 2 - Các vấn đề trăn trở của nghề:


Hỏi đâu là những vấn đề trăn trở nhất đối với ngành mình hiện nay? Qua các câu trả lời của các GVMN, chúng tôi thấy rằng tựu chung lại nổi lên 3 vấn đề cơ bản:

a.Quan điểm XH:
Chúng ta đã có Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tề về Quyền trẻ em. Cả đất nước, cả xã hội đang nỗ lực không ngừng để nhằm đạt được những mục tiêu Thiên niên kỷ cho trẻ em. Mầm non lẽ ra phải là bậc học cần được đầu tư nhiều nhất, nhưng thường bị coi nhẹ. Đành rằng cách đây một vài thập kỷ, khi khoa học giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế, xã hội chấp nhận những người trông trẻ (không phải những nhà giáo dục trẻ mầm non) là những người sức yếu, tri thức hạn chế; Nhưng trong thời kỳ bùng nổ khoa học công nghệ hiện đại như ngày nay, nghịch lý này vẫn còn phủ cái bóng rộng khắp toàn xã hội, công việc trông trẻ - vì họ xem GVMN là "cô trông trẻ", đồng nghĩa việc này ai cũng làm được.

Khẳng định chăm sóc trẻ mầm non không đơn giản chỉ là trông giữ trẻ mà còn cần rất nhiều kỹ năng về y tế, tâm lý, sư phạm, sức khỏe dinh dưỡng - Phổ biến kiến thức này cho đông đảo người dân trong XH sẽ không thể xong trong một sớm một chiều.

b. Đòi hỏi yêu cầu về giáo viên:
GV là nghề nghiệp đáng được trọng dụng nhất trong xã hội: nuôi nấng trẻ thơ trong những tháng năm đầu tiên chập chững bước vào đời lại càng quan trọng hơn. Thiết nghĩ GVMN chính là bậc nghề giáo cao quý nhất.

Tất nhiên, câu hỏi: Có bao nhiêu người đã chọn nghề GVMN yêu nghề?- chưa có gì để khẳng định điều này. Có thể vấn đề tâm huyết với nghề trong các ngành khác cũng được đặt nặng, nhưng trong bậc giáo dục "mẫu giáo" - tức giáo dục lòng mẹ, giáo dục bằng tình cảm người mẹ như GDMN, vấn đề tình yêu thương trẻ, lương tâm nhà giáo phải được đặt lên cao nhất.

Tình trạng một phần tư số lượng giáo viên và cán bộ ngành không đạt chuẩn trung cấp là một điều thật khó tin, nhưng đấy là sự thật đáng buồn. Xác định đúng tầm quan trọng của các trường chuyên nghiệp đào tạo giáo viên mầm non thực sự rất cần thiêt để xoá bỏ tình trạng đội ngũ giáo viên mầm non thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và cơ cấu chưa phù hợp.

c - Chính sách:
"Chính sách về GDMN hiện thiếu ổn định và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một người lao động trung bình lao động tám giờ mỗi ngày, nhưng đặc thù của nghề GVMN lại phải lao động với cường độ rất cao từ 10 đến 12 giờ /ngày, trong khi lương chỉ 800.000 đồng/tháng, có nơi chỉ khoảng 450.000 đồng/tháng. Tổng ngân sách chi cho giáo dục mầm non mới chiếm khoảng 7,5% tổng ngân sách giáo dục" - bà Ngô Thị Hợp, phó vụ trưởng vụ GDMN (Bộ GD-ĐT) cho biết thực trạng như vậy. Nên chăng Nhà nước cần có chính sách lương hợp lý cho các giáo viên mầm non, vì ngoài lương GVMN không có nguồn thu nào khác. Không ít người tâm huyết nghề, yêu nghề mến trẻ, nhưng họ cũng không thể chấp nhận được sức lao động của mình với chính sách lương vô cùng phi lý, hậu quả tất yếu: không ít GVMN phải chuyển nghề.

Nhu cầu gửi trẻ mầm non của người dân rất lớn và yêu cầu về chất lượng lại rất cao trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo viên lại hạn chế. Đời sống giáo viên rất chật vật. Tình trạng quá tải, chăm sóc, giáo dục thực tế ở trường MN là vấn đề phổ biến, một trường MN trung bình có ba khối: Mẫu giáo Bé - Mẫu giáo Nhỡ - Mẫu giáo Lớn (Mầm, Chồi, Lá), mỗi khối khoảng bốn đến năm lớp, mỗi lớp khoảng bốn mươi đến năm mươi trẻ, chỉ có hai GV quản lý. Việc quản lý ở đây chia đều cả chăm sóc và dạy dỗ. Chưa kể với bậc MN, trẻ vô cùng dễ gặp những tai nạn ngoài ý muốn; mà đối với trẻ, bất cứ một sơ sẩy nhỏ nào, một tác động nhỏ nào cũng có thể để lại di chứng, thương tật, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Chúng ta thử hình dung nếu một ngày chúng ta là một người GVMN trong lớp như vậy, ngày đó sẽ thế nào? Áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần sẽ như ra sao?...

Ngocmai mamnon.com