Giáo dục mầm non
   Chuyện bây giờ tiếp tục kể: Nỗi niềm giáo dục mầm non (phần 1)
 

Ngành Giáo dục Mầm non (MN) đang được rung chuông cảnh báo trên tất cả mọi loại hình phương tiện truyền thông sau vụ việc cô bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức đối với trẻ MN trong nhóm trẻ gia đình. Sự phẫn nộ của dư luận và công chúng trong XH đang lên tới đỉnh điểm, dư luận chung xã hội ai cũng đã rõ, chỉ đạo từ cấp lãnh đạo còn thể hiện dứt khoát rõ hơn: kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tất cả các cơ sở MN trên toàn quốc...

Nhưng có ai đó chợt nhận ra: còn tiếng nói của những người trong ngành, trực tiếp tham gia công tác chăm sóc - nuôi dạy trẻ thì có vẻ như chìm vào im lặng tới bất ngờ. Tìm đến một số trường MN và lắng nghe tâm tư của các giáo viên (GV), chúng tôi thực sự thấy không phải những người đang công tác trực tiếp trong ngành MN không lên tiếng, mà thực sự họ quá nhiều suy nghĩ và trăn trở với nghề. Hơn ai hết, họ chính là những người muốn lên tiếng nhất. Càng tìm hiểu sâu, càng thấy những điều muốn bàn về giáo dục MN từ phía những người trong nghề không hề "lặng" chút nào.

Phần 1 - Tâm trạng:

"Bây giờ ra đường, cứ thấy 2-3 người ngồi với nhau, thế nào người ta cũng không thể không bàn tới chủ đề GVMN ác quá. Đầu tiên là đề tài cô Hoa với những hành động "nóng mặt" tất cả những ai có thể được gọi với 2 từ "con người", tiếp đến người ta bắt đầu bàn xa hơn tới: bậc học MN hiện nay là thế nào; để trở thành GVMN dễ như thế nào, cần điều kiện gì; và nếu là trở thành GVMN thì công việc chính hàng ngày ở trường, trong lớp làm gì?... Chung quy kết luận của họ luôn làm những người GVMN như tôi tức tới không thốt nổi lời nào: MN là các cơ sở nuôi trẻ thay phụ huynh trong thời gian bận bịu công việc làm ăn, nhiệm vụ đơn giản là giữ trẻ, một nghề đơn giản, chẳng nhọc công, nhưng toàn tập hợp những kẻ vô trách nhiệm, thậm chí vô nhân tính... Đành rằng mình chưa làm gì phải xấu hổ với chính bản thân, với trẻ, với lớp mình, trường mình dạy, trường đã đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho mình; nhưng sao mà... thấy tủi thân quá!" - đó là những lời nói xót xa của cô H. - trường MN B Hà Nội. Và rồi người ta tiếp tục nhắc tới: Ah! GVMN hiện nay là như thế đấy! Mặc dù cô Hoa có phải là GV không, hình như họ không cần biết... Ừ! Thì họ cứ nói chung chung là thế! Ở trường MN người ta làm gì? Chăm sóc trẻ? Dạy trẻ? Chăm còn chưa nổi, nhắc gì tới việc dạy dỗ ở đây? Mà có mỗi cái việc đơn giản nhất, bản năng nhất: cho con người ta ăn thôi cũng đã làm nổi đâu." 

Rồi các phụ huynh bắt đầu bàn tán, xì xào: Hàng tháng đóng tiền triệu học phí, một lớp học bốn, năm chục trẻ nên chắc cô phải thu nhập lương, các khoản phụ cấp cao lắm, chưa kể cái khoản hàng tháng một lớp không ít phụ huynh biếu cô thêm cái này, cái nọ; dấm dúi cô phong bì này, phong bì kia, mục đích nhờ cô "đừng hành hạ cháu", "để ý cháu hơn một chút nữa"...

Xã hội lên án, những ý kiến đánh giá nhiều chiều: trách cứ, cảm thông, khinh thường... Mỗi người một cách nhìn phiến diện khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại họ cho là: GV bây giờ tệ quá, không biết cách giáo dục trẻ, bất lực nên mới sinh ra hay dọa nạt, ngoảnh trước ngoảnh sau không thấy người lớn nào có trách nhiệm là sẽ đánh trẻ, đỡ tốn công sức giáo dục sự vâng lời cho trẻ. Là phụ nữ là chăm trẻ con được - thiên chức kia mà. Ngành giáo dục MN là một ngành chuyên biệt giáo dục trẻ, nhưng thực ra cũng chỉ là một bậc trông trẻ, gửi trẻ trong thời gian gia đình không có ai trông. GVMN sung sướng nhất trong GV các bậc, chẳng học cũng làm được, học phí thì cao - cao nhất trong tất cả các bậc, hơn cả đại học ấy chứ.

Đấy là trong dư luận chung xã hội, còn các cấp cao hơn, các cấp lãnh đạo đang nói gì về GDMN? "Phải kiểm tra, phải rà soát, phải chọn người, phải đánh giá lại toàn bộ cơ chế đào tạo GV...". -  những cụm từ lặp đi lặp lại đó ám ảnh nhất đối với GVMN hiện nay. Tất nhiên còn rất nhiều điều không biết nên xếp vào khía cạnh nào đang được đưa ra xem xét. Bắt đầu toàn XH đặt ngành GDMN, đặc biệt đặt GVMN lên bàn cân, mổ xẻ, xét nét. Một GV lớp mẫu giáo Lớn (MGL) trường MN BC V.Q, chị Hiếu nói: "Đầu tiên phải hỏi rằng: Cô Hoa kia có phải là GV không đã? Không! Nhưng vẫn nhận nhóm trẻ để "hành nghề" - chính xác từ mà các nhà báo cũng như không ít người sử dụng để chỉ nghề GV bậc MN - Tiếng chuông gióng lên: hành nghề GV..." - nói tới đây chị Hiếu. thở dài.

Đến các trường MN lúc này, không khí cũng nghiêm trọng và căng thẳng hơn hẳn: Hiệu trưởng nhắc nhở hiệu phó, hiệu phó nhắc nhở bộ phận thanh tra của trường, ban thanh tra nhắc nhở các tổ, khối, tổ trưởng các tổ khối lại nhắc nhở GV, GV các dãy thở dài nhắc nhau...

Rảnh rỗi ngồi cùng các đồng nghiệp được một chút, các GV tâm sự với nhau: "Gia đình đang ăn tối vui vẻ, đầm ấm, VTV1 phát thước phim đó, cả nhà im phăng phắc. Nghẹt thở. Nhìn nét mặt chồng, con, tự nhiên cảm thấy như chính mình có tội, thấy lây phần xấu hổ khủng khiếp!"   

Bây giờ, phụ huynh xót con, nhìn mình bằng cặp mắt nghi ngờ. Sáng, 7h đón trẻ trước lớp, thấy như khó xử hơn, tưởng như cặp mắt nào của phụ huynh cũng có một câu hỏi: "Con tôi ở lớp có bị như thế kia không thế?" - "thế kia" là gì, tự hiểu. Phụ huynh khéo thì chỉ nhắc gần nhắc xa với cô vụ bảo mẫu Hoa tối qua, người thô lỗ hơn thì đe đừng có làm tổn hại  gì tới "con vàng con bạc" của họ.

"Con sâu làm rầu nồi canh. Con sâu này dường như quá lớn, không biết nó sẽ ảnh hưởng và khoắng cả cái nồi canh này lên tới đâu nữa. Các ngành nghề khác, con sâu có thể là một hoặc  vài con, hoặc cùng lắm là ổ sâu; nhưng trong ngành mình, hình như cả XH quy chụp tất, không chừa một ai - mình cảm tưởng như vậy" - cô Kim Hồng, hiệu phó chuyên môn trường Mẫu giáo Hải Hậu - Nam Định bức xúc.

Cứ lên các diễn đàn, nơi GVMN hay chia sẻ suy nghĩ nghề nghiệp - tất nhiên, những chia sẻ băn khoăn, trăn trở về nghề nghiệp GVMN không chỉ nổi lên ở giai đoạn này, mà từ trước tới giờ khi nào cũng cứ luôn luôn sôi sục như thế -  vẫn những vấn đề gọi là "kinh điển" trong ngành MN: cách nhìn của XH về GDMN, chính sách đãi ngộ, cơ sở vật chất trường lớp, nguy cơ tai nạn bất ngờ với trẻ cao, tình trạng quá tải, cơ chế quản lý...  chắc lúc này người ta mới ồ lên: Hoá ra MN cũng lắm vấn đề thế!

Đúng! Ngành nghề nào cũng có những vấn đề khó khăn đặc thù riêng. Chẳng nghề nào như nghề nào. Với nghề giáo viên mầm non, "Osin cao cấp" là cụm từ sinh động nhất, chua cay nhất mà GVMN hiện đang tự cười và ví mình. Có một ngày xuống trường MN mới hiểu hết nghĩa của cụm từ này, hiểu hết sự cống hiến, hy sinh cho nghề GV cao quý của các chị.

Các bậc lãnh đạo ra chỉ thị: "Thắt chặt, thắt chặt, thắt chặt..." và thắt luôn tâm lý cùng bao âu lo của đội ngũ GVMN chân chính. Có cả người còn mạnh dạn đề xuất sáng kiến "tách bộ phận nuôi -  tách bộ phận dạy" làm các GV giật mình: Hay mình được đào tạo sai??? " GD MN phải tác động tổng thể, trong nuôi có dạy, trong dạy có chăm sóc, chăm sóc và giáo dục là 2 nhiệm vụ song song không thể tách rời, khi làm công tác nuôi có thực hiện công tác dạy, trong công tác dạy có công tác nuôi..." ; có lãnh đạo trong ngành chỉ ra khá đầy đủ những bất cập, tồn đọng trong giáo dục MN; mà có lẽ các GV nên vui lên! Kêu mãi, nói mãi nhưng chắc do mình chỉ là GV "quèn", thấp cổ bé họng, tiếng chẳng vang nổi tới đâu, chưa đi được tới đâu, tưởng không thấu tới các bậc trên, hoặc tưởng nó chỉ là một cái gì nhỏ nhỏ không đáng lưu tâm... nay tự nhiên thấy dường như các bậc trên cũng hiểu lắm, thấu lắm, chắc các bậc trên chưa  có dịp, hoặc chưa có thời gian nói đấy thôi, nay có đúng dịp tiện thể mang ra rồi bàn nào.

Tự cười trào phúng thôi, mà sao thấy xót xa vậy. Gần tuần nay, các phương tiện truyền thông nói và phân tích những nguyên nhân từ gần tới xa, từ sâu sắc tới mức chỉ dính dáng, ảnh hưởng thôi. Các nhà báo, các nhà chuyên môn, các cấp trên, trên, trên nữa thừa trình độ cũng phân tích mãi rồi. Bài viết này chỉ muốn cho mọi người thấy rằng làm giáo dục, đặc biệt giáo dục MN đâu phải đơn giản. Riêng để thay đổi cái quan điểm lâu nay thâm căn bén rễ tận trong tiềm thức người dân (và chắc là cũng một vài bậc lãnh đạo nữa), để họ hiểu rằng ngành nghề gì cũng cần đào tạo nghiêm túc, chuyên nghiệp - huống hồ giáo dục, giáo dục trẻ thơ; mỗi người phải chịu trách nhiệm từ thái độ nghề nghiệp tới chuyên môn và đặc biệt là hành động nghề nghiệp của mình.

Tự nhiên, một chị bạn tôi đang công tác tại một trường mầm non bán công điểm của Cầu Giấy (xin được giấu tên chị và tên trường) nhắc lại một chuyện đau lòng được truyền trong nội bộ GV: Có GV có lỡ sử dụng sự trừng phạt với trẻ - dù biết đó là một hành động không nên, và mặc dù hậu quả về thể chất không có, về tinh thần cũng không phải trọng, nhưng bố mẹ trẻ biết được, đến tận trường yêu cầu sẽ kiện, không xử lý sẽ làm to chuyện. Hội đồng phải họp lên họp xuống, đưa ra đủ mọi cách giải quyết, hoà giải với gia đình trẻ không được. Cuối  cùng, gia đình chỉ đồng ý sẽ không làm 'căng" nếu GV khoanh tay xin lỗi trẻ trước mặt tất cả GV trường, gia đình và hội đồng. Một sự việc xót xa, đau lòng, một bài học buồn với GVMN.

Khi mới quyết định lựa chọn nghề nghiệp, ai cũng tin tưởng thật mạnh mẽ: "GVMN là bậc học vô cùng quan trọng, đặt nền móng cho giáo dục quốc dân... được đặt ngang với các bậc giáo dục khác: giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, đại học...." nhưng chắc chắn quan điểm đó dù ra đời hơn chục năm (trong mục tiêu giáo dục mầm non - Luật giáo dục) , tới nay nếu người dân biết cũng sẽ phải giật mình "Có quy định thế á?". Tầm quan trọng của giáo dục MN trong tâm niệm của toàn xã hội còn rất mơ hồ, dẫn tới những hiểu biết và đánh giá lệch lạc, thậm chí coi thường bậc giáo dục này.

Đào tạo - đào tạo - đào tạo những người trông trẻ? Không! Đào tạo GVMN đạt chuẩn và được coi trọng ngang GV các bậc khác, có chuyên môn, có tâm huyết, có tình yêu nghề... Nói tới đây, lại thấy trong xã hội, người ta dấy lên ý kiến: "Gửi trẻ con vào đâu thì phải xem mặt người đó như thế nào, có yêu trẻ không. Ai làm nghề này phải test luôn cả lòng yêu nghề, tâm huyết nghề...". Hẳn rồi, một ngành nghề vất vả, nhiều dư luận như GVMN, không có lòng yêu nghề sao theo nổi! Nhưng test như thế nào, thể hiện thế nào để người ta thấy tấm lòng chân của mình với nghề?

Chúng tôi cố ý không sắp xếp những tâm sự bức xúc và lo lắng  của những người GVMN trên theo một logic rõ ràng nào cả, để mong mọi người có thể hiểu hơn về những suy nghĩ không biết nên "lên tiếng" thế nào của những người trong nghề MN.

Ngocmai mamnon.com

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Vì áp lực công việc
Ngày gửi: 12/21/2008 11:16:25 AM

Có thể nói ai vào ngành mầm non cũng có ít nhất 1 tình yêu thương trẻ, nhưng khi vào thì cô giáo nào cũng có ít nhất 1 lần phạt học trò, bản thân cô cũng không muốn phạt đâu nhưng .............
Vì Ban giám hiệu luôn tạo áp lực cho giáo viên khi dự giờ, trẻ phải ngồi nghiêm, có nếp, phải dạ thưa, với lứa tuổi nhỏ của trẻ thì cũng khó có thể ép trẻ ngồi yên được, rửa tay , lau mặt cũng đúng trình tự.
Vì ba mẹ lúc nào cũng chiều chuộng con, cứ đem cô giáo ra hù trẻ, cứ vào trường mét cô, tại sao phụ huynh không tự dạy con mình.
Các bậc cha mẹ cứ trông chờ vào cô giáo, trông khi cô giáo cô mấy chục học trò, còn phụ huynh thì chỉ có một mà dạy cũng không xong.
Tôi không đổ trách nhiệm cho ai mà tự bản thân mỗi người người hãy chia sẽ với nhau công việc, dừng ép giáo viên phải lo cho con mình quá nhiều.
Ngoài ra các phòng giáo dục nên đừng đặt ra nhiều chương trình quá, nhiều tiêu chuẩn thi đua mà gây áp lực cho giáo viên.



guest
Hãy sử lý những người không có đạo đức
Ngày gửi: 12/22/2008 8:20:13 AM


Theo tôi phải có biện pháp đối với những kẻ không có lương tâm như bà Hoa để làm gương cho những người khác.



guest

Phụ huynh thiếu thông cảm với GVMN
Ngày gửi: 12/25/2008 11:13:23 PM

Nuôi và dạy 1 đứa trẻ đã khó. Cô giáo mầm non phải cùng 1 lúc nuôi và dạy đến 20 trẻ cũng ko dễ chút nào. Có đôi lúc cô la mắng và phạt trẻ cũng chỉ mong trẻ hình thành nếp sống và nhân cách tốt hơn thôi, nhưng gia đình các cháu lại không hề thông cảm với cô, xem đó là hành động bạo lực của cô dành cho trẻ, rồi đến trường làm ầm cả lên, có lúc còn đòi đánh cô giáo ngay trước mặt trẻ. Thử hỏi, những bậc làm cha làm mẹ như thế thì làm sao có thể dạy cho con họ nên người được. Có 1 thời gian tôi đến thực tập để làm đề tài tại 1 trường MN,có 1 trường hợp mà ngay từ ngày đầu tiên mới vào trường làm tôi ko sao quên được. Trong lớp có em Lượm rất vâng lời, chăm chỉ viết bài lắm.
Vì chuyển nhà nên em cũng phải chuyển trường.
Hôm sau lên lớp em trở nên lỳ lợm và hay phá phách, cô giáo bảo em viết bài thì em ko viết cứ mãi lo chơi.
Cô giáo phạt em phải đứng vào 1 góc lớp vì em quá nghịch ngợm.
Đến chiều, khi được phụ huynh đến đón về, em đi ra khỏi lớp mà chẳng thèm thưa cô ra về, em cứ thế mà đi ra cửa lớp.
Cô liền gọi em lại và hỏi nguyên nhân tại sao, thì được em trả lời 1 câu nghe rất đau lòng rằng :"về rồi gọi lại làm gì, còn học ở đây nữa đâu mà gọi".
Cô giáo chỉ lặng người đi với câu nói của 1 đứa trẻ mới lên 5 tuổi.
Sau này qua 1 người họ hàng với em Lượm cô mới được biết đó là do ba của em đã nói với em rằng "chuyển trường mới rồi nên lên trường con chỉ chơi thôi,ko sợ cô la đâu, cô mà la thì về nói ba cho cô biết tay"
Cô giáo dạy trẻ ở trường , về nhà cần có cha mẹ dạy bảo trẻ diều hay chứ đừng bắt thang cho trẻ leo lên để rồi sau này mới hối hận.
Xin nhắc lại,giáo dục 1 đứa trẻ đã khó như thế , thì 20 trẻ cần phải trông nom va dạy dỗ hàng ngày,cô giáo sẽ như thế nào?????như thế nào đễ làm vừa lòng các bậc phụ huynh quá nuông chiều con mình?????



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Xã hội hóa giáo dục mầm non: Giải bài toán thiếu trường công (19/12)
 Năm 2009: Trẻ mầm non sẽ được học chương trình mới (19/12)
 Không nhận trẻ ốm: Quy định sao cho "thấu tình đạt lí" (18/12)
 Cơ sở vật chất và môi trường thân thiện cho bé! (18/12)
 Trường mầm non thiếu giáo viên (18/12)
 Sẽ xóa bỏ biên chế hàng triệu nhà giáo (17/12)
 Mầm non tư thục khu vực Hà Nội mở rộng đang bị thả nổi (16/12)
 Bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ mầm non: Cẩn trọng từ những việc nhỏ (15/12)
 Nộp tiền để được lên...bìa lịch? (11/12)
 Quá tải mầm non công lập: Cần giải quyết sớm (11/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i