Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện bây giờ tiếp tục kể: Nỗi niềm cô giáo Mầm non (phần 3)


Phần 1 - Tâm trạng
Phần 2 - Các vấn đề trăn trở của nghề
Phần 3 - Lời kết.

Đâu là tương lai nghề nghiệp, đâu là những định hướng, và đâu nữa những người sẽ dũng cảm đi vào nghề GV, nhất là GVMN, và đặc biệt trong giai đoạn mà các vấn đề liên quan tới giáo dục đang được xử lý mạnh tay như hiện nay? Kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới, liệu sẽ có bao nhiêu em tự tin đăng ký vào ngành giáo dục, và bao nhiêu bộ hồ sơ trong số đó sẽ được nộp vào các trường sư phạm có đào tạo chuyên ngành GDMN?

Để chốt lại bài viết, chúng tôi tự hỏi: Giáo dục MN - Ngang hàng hay không ngang hàng với các bậc giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân? Cầm trên tay và lật giở lại bài viết chỉ trong một trang của GS-BS Nguyễn Khắc Viện đăng trên tạp chí GD - số 31 - 1996: Giáo dục đại học? giáo dục MN? Mà thấy như đồng cảm, chia sẻ được nhiều đến thế.

Dạy đại học - hay dạy MN?
GS-BS Nguyễn Khắc Viện( Tạp chí GD - MN 3 - 1996)
Nếu cho tôi lựa chọn một bên giảng dạy một lớp theo chương trình đại học với 30 sinh viên, một bên phụ trách một lớp có 20 trẻ tuổi MN, lương ngang nhau, chắc tôi sẽ chọn đại học, vì dạy MN khó quá.

Các sinh viên đại học dầu sao cũng đã trưởng thành và tâm lý giữa thầy và trò cũng tương tự, vả lại vào lớp đã quen theo kỷ cương, ngồi yên nghe giảng, đằng này một em bé 1 tuổi rưỡi hay 3, 4 tuổi, nó cứ ngồi khóc nhè cả bữa, hay chỉ ngồi mút tay, thì tôi không biết xử lý thế nào. Một đứa thì cứ nằng nặc ôm lấy một con gấu bẩn thỉu, nhất định không thả ra để lấy một con đẹp hơn, sạch sẽ hơn. Có đứa do mẹ dẫn đến thì nhất quyết không chịu rời mẹ. Có đứa thì hung dữ, đánh đập, cắn bạn bè. Lúc tôi kể chuyện, một số ngồi yên để nghe tôi giảng. Dẫn chúng nó đi chơi, ra công viên là cả một vấn đề, làm sao tránh được tai nạn, không hái hoa, bẻ cành, quần áo bê bết bùn dất. Với một người lớn, thì tất cả những kiểu ứng xử này nhiều khi rất khó hiểu.

Tóm lại, nếu tôi giảng dạy đại học thì tôi chỉ cần nắm vững bộ môn, trình bày cho mạch lạc, nếu cần dí dỏm một tí, hùng hồn một chút thì cũng không khó. Đằng này trong lớp MN, đứa trẻ nào cũng muốn dành GV cho mình, hễ thấy cô chăm nom đứa khác là ghen tị. Có em 4 - 5 tuổi nhất định đòi lấy cô giáo làm vợ.

Lòng con trẻ thật là một hố nước sâu, khó mà thăm dò hết mọi ngõ ngách.

Ở đây, học kiến thức thì không đễn nỗi phải nhiều lắm, cao lắm; nhưng hiểu biết và nhạy bén về tâm lý từng trẻ thì không thể thiếu được. Mà nói đến tâm lý con em, tất phải nói đến tâm lý bố mẹ. Tất cả những khó khăn hoặc thuận lợi trong cuộc sống gia đình hàng ngày đều thể hiện qua sự ứng xử của con em.

Đưá trẻ xông ra thăm dò thế giới xung quanh, mở rộng tầm hiểu biết của mình, vui vẻ tiếp xúc với cô hay bạn chính là nhờ bố mẹ từ lúc lọt lòng đã tạo ra xung quanh nó một bầu không khí đầy tình âu yếm, nhưng đồng thời cũng có tổ chức chặt chẽ. Thành thử giao dịch với phụ huynh ở các lớp trên nhiều khi chỉ khoanh lại trong việc cho đứa con của họ được mấy điểm văn, điểm toán, hoặc ở lớp quậy quá như thế nào, chứ ở tuổi MN thực chất phải có dịp trao đổi nhiều lần và nhiều khi phải đóng vai trò tư vấn để cho bố mẹ có dịp tâm sự với thầy cô: Thầy cô giáo trở thành nhà tâm lý trị liệu.

Vì vậy, tôi rất mong các trường sư phạm mẫu giáo làm sao đào tạo được những GV cả nam lẫn nữ, khi dạy mẫu giáo - có được cái khả năng nhạy bén về tâm lý trẻ em. Và nếu tôi là Bộ trưởng tài chính, tôi sẽ cho lương các thầy cô MN không kém gì giáo sư đại học.

Ngọc Mai mamnon.com