Giáo dục mầm non
   Các trường mầm non TPHCM: Lại quá tải!
 
Quá tải về sĩ số, thiếu chỗ học, giáo viên (GV) làm việc quá sức, bữa ăn thiếu dinh dưỡng và thiếu an toàn… đang là tình trạng diễn ra hàng ngày tại các trường mầm non (MN) ở TPHCM, dù chỉ mới vào hè…

Quá tải, bảo vệ kiêm bảo mẫu

 
 Thiếu giáo viên nên nhân viên bảo vệ ở một trường mầm non cũng phải kiêm luôn vai trò của bảo mẫu. Ảnh: L.L.
Bắt đầu từ 6 giờ sáng, các cô đã có mặt ở trường để dọn dẹp, thông thoáng phòng học, đứng đón bế từng đứa trẻ vào lớp, dỗ cho trẻ hết khóc, đút cho từng bé ăn bữa sáng, chưa kể những đứa trẻ mới vào học không quen lớp khóc nheo nhóc phải dỗ cả ngày…

Buổi trưa các cô cũng không được nghỉ mà phải canh chừng các cháu… Kế đến lại cho các cháu ăn bữa chiều. Hơn 6 giờ tối mới được rời khỏi trường để về nhà. Đó là một ngày làm việc như mọi ngày của GV MN mà chúng tôi nghi nhận được từ Trường MN 11 (Gò Vấp).

Tại một phòng học của lớp nhà trẻ trong trường, chú bảo vệ cũng phải vào vai của một bảo mẫu chăm sóc và đút cháo cho các học sinh (HS).

Cô Lê Thị Lý, Hiệu trưởng Trường MN 11 Gò Vấp than: “HS đông, lại thiếu GV nên mới có cảnh này. Số hồ sơ nộp vào tăng gần 400 em so với mọi năm. Bây giờ sĩ số mỗi lớp đã ở mức 50 HS/lớp. Chúng tôi phải trưng dụng hết những phòng lớn để làm phòng học cho các cháu, còn phòng nhỏ là phòng làm việc chung của ban giám hiệu”.

Ngay cả ở huyện ngoại thành như Hóc Môn, Trường MN Rạng Đông ở xã Xuân Thới Đông năm nay sĩ số cũng tăng vọt với hơn 900 học sinh từ nhà trẻ đến mẫu giáo. Nhà trường thông báo tuyển sinh từ tháng 5, chỉ sau 2 ngày phát đơn và nhận hồ sơ, trường phải khóa sổ vì có lớp có tới 55 HS.

“Vậy mà ngày nào tôi cũng phải tiếp hàng chục phụ huynh đến xin học cho con, có phụ huynh rơi nước mắt nài nỉ nhưng cũng đành phải từ chối”, cô Phạm Thị Kết, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Theo số liệu từ Phòng Giáo dục Hóc Môn, thời điểm này số HS nhà trẻ, mẫu giáo đã tăng trên 500 em khiến nhiều trường ở Hóc Môn rơi vào quá tải. Nhiều trẻ không có chỗ học, buộc phụ huynh phải gửi vào các nhóm trẻ gia đình. Các trường MN ở khu vực thị trấn Hóc Môn như: Trường Bé Ngoan, 23/11, Tân Xuân… có sĩ số HS từ 60 đến70 em/lớp.

Đâu rồi cảnh “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?

“Lâu nay bậc học MN của chúng em luôn có thông điệp “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng bây giờ thì làm gì có hả chị? Suốt ngày cả cô và trò phải chen chúc trong một môi trường chật hẹp, vừa nóng bức. Chỉ cần vài trẻ bị cảm cúm là lây lan ra cả lớp. Hết giờ là cả người mệt rã rời...”, một cô giáo lớp nhà trẻ chán nản nói.

Sĩ số tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 đã khiến nhiều trường MN tại TPHCM phải hoạt động hết công suất trong tình trạng quá tải. Quy định mỗi lớp nhà trẻ phải bảo đảm 20-25 HS/lớp và mẫu giáo 30-35 HS/lớp dường như đã trở nên xa vời đối với các trường. Mỗi trẻ phải được hưởng 2m²/phòng học, giờ chỉ còn khoảng 1m². Thậm chí, HS ăn và chơi cả ngoài hàng lang.

Bữa ăn cho trẻ ở các trường còn đáng lo ngại hơn. Cũng với diện tích đó, bếp ăn đó nhưng trước đây chỉ đáp ứng một nửa số HS, bây giờ các bếp ăn dường như phải hoạt động hết công suất, những thao tác như hấp tiệt trùng, nấu chín không thể làm kỹ như trước đây vì phải đáp ứng theo nhu cầu số đông.

Nhiều GV đã “nói thẳng nói thật”: “Hiện nay chúng tôi mới chỉ dừng lại được ở mức độ nuôi (cũng chưa dám đảm bảo là nuôi tốt), nói chi đến việc tiếp cận hay dạy dỗ để giúp các em phát triển năng khiếu như yêu cầu của bậc học này”. Chị Lê Thị Trà có con gởi ở một trường MN xót xa: “Con tôi chỉ mới đi nhà trẻ chưa được 2 tuần mà gầy xọp hẳn đi. Xót con nhưng không gởi thì không có ai trông cháu để đi làm”.

Hiện nay, công suất hoạt động ở các trường đã gấp 2, gấp 3 lần làm cho GV luôn bị căng thẳng vì sức ép công việc. Thực tế đã có không ít trường hợp GV đối xử nóng nảy và thô bạo với trẻ.

Xây trường mầm non: đóng băng!

Tình trạng quá tải ở các trường MN không phải là chuyện mới diễn ra, song mỗi năm sức ép này lại càng tăng lên. Trưởng phòng Giáo dục huyện Hóc Môn Phan Văn Kèo cho biết: “Đã mấy năm nay huyện chỉ có thêm được các trường tư thục và nhóm trẻ gia đình chứ trường MN công lập thì như cũ. Huyện vẫn còn 3 dự án xây trường MN đang làm dở, dự án đã có 3 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó xã Xuân Thới Đông vẫn chưa có trường công lập nào, nhiều trường trong huyện vẫn còn rất ọp ẹp”.

Theo ông Kèo, ở huyện Hóc Môn, dân nhập cư tăng vọt từ khi có các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên. Áp lực về chỗ học cho con gia đình công nhân rất lớn. Có đất, nhưng lại không có trường.

 Tính đến cuối năm học 2006-2007, TPHCM có 588 trường MN, tăng 24 trường, nhưng những trường này chỉ là xây mới trên nền cũ, hoặc sửa sang lại. Trong khi đó, tăng gần 13.000 trẻ ở độ tuổi mầm non và mẫu giáo. 70% số trường có từ 5 đến 8 điểm lẻ (1 trường có nhiều cơ sở).
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Mấy năm nay việc xây dựng trường MN đang bị đóng băng. Theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chỉ xây dựng các trường MN công lập ở các khu vực khó khăn. Trong khi đó TPHCM không thuộc diện này.

Bên cạnh đó hiện nay ngay cả khi các trường đi xin kinh phí để sửa chữa, cải tạo trường lớp cũng đều rất khó khăn, hầu hết ngành chức năng đều trả lời phải dựa vào nguồn xã hội hóa. Số trường không tăng, trong khi số HS tăng quá cao đang là nguy cơ rất lớn cho bậc học MN, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

Giáo dục MN là bậc học quan trọng, đặt nền móng đối với sự phát triển về lâu dài của trẻ. Vì vậy, cần phải tập trung ưu tiên phát triển bậc học này. Đó là một quan điểm đúng đắn và nhất quán của hệ thống giáo dục nước nhà. Nhưng thực tế đang diễn ra theo chiều hướng khác. Nếu không biện pháp tháo gỡ, liệu một lớp trẻ mới có phát triển toàn diện?

                                       ( Theo SGGP  )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM (6/7)
 Tạo mọi điều kiện để tất cả trẻ 5 tuổi được đến trường (5/7)
 Chuẩn bị cho bé vào mẫu giáo (30/6)
 Hội nghị tổng kết công tác thi đua nghành GD&ĐT Vùng 7 năm học 2006-2007 (26/6)
 TP.HCM: Vẫn thiếu chỗ học cho trẻ mầm non (26/6)
 MN Vành Khuyên: Trường mầm non đầu tiên của huyện Nhà Bè đạt chuẩn. (25/6)
 Trí tuệ bình thường, trẻ vẫn khó học (25/6)
 Trường mầm non 1 triệu USD (25/6)
 Khai mạc Hội chợ - triển lãm sách - thiết bị giáo dục (22/6)
 Hội nghị cộng tác viên tạp chí GDMN (21/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i