Giáo dục mầm non
   Nhiều khó khăn và chưa công bằng ( tiếp theo : Đời sống của GVMN nông thôn )
 
 
 Giờ học của các cháu mẫu giáo Trường mầm non Đào Viên (Quế Võ, Bắc Ninh).
Ðời sống giáo viên  mầm non luôn chật vật. Đó là thực trạng ở rất nhiều địa phương hiện nay.

Nếu như loại hình giáo dục mầm non ở nông thôn nhiều năm nay, luôn ở thế thăng trầm, chưa biết lúc nào ổn định, thì đời sống cô giáo mầm non nông thôn kể cả những lúc "thăng" nhất cũng luôn khó khăn, chật vật. Phổ biến, lương các cô giáo mầm non nông thôn ngoài biên chế (mà số  này lại rất đông) khoảng 450 - 500.000 đồng/tháng,  được thu từ rất nhiều  nguồn:  trợ giúp của UBND tỉnh, tiền thu được từ  học phí, do dân đóng, nhưng mức thu các vùng cao thấp khác nhau  phụ thuộc sự giàu nghèo, vào cả nhận thức của người dân từng vùng.

Tại Trường mầm non xã Ðào Viên (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), xã có 453 hộ làm nông nghiệp là chính thì còn 57 hộ  nghèo. Học phí theo quy định là 30.000 đồng/học sinh/tháng. Dù vậy, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Uyên cho biết, nhiều gia đình, khi giáo viên đến tận nhà thu, vẫn xin khất. Lương các cô giáo phổ biến thấp nhất là 450.000 đồng, cao nhất 550.000 đồng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hường, đã 50 tuổi, có thâm niên 30 năm trong ngành thì cũng chỉ 450.000 đồng/tháng, dù đã là giáo viên đạt chuẩn.

Cô giáo Ðỗ Thị Bình, giáo viên giỏi, dạy 15 năm, người cha là thương binh nặng mù cả hai mắt, chồng làm ruộng, có ba con nhỏ.

Cô giáo Bình kể, ba con đều còn đang đi học, nên rất vất vả, nhất là lúc các con cùng lúc xin tiền học, có nhiều lúc phải chạy vạy dù sinh hoạt trong gia đình khá tùng tiệm.

Trường mầm non xã Hòa  Tiến (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) có 14 giáo viên đứng lớp, trong đó ba giáo viên có trình độ trung cấp, năm người đang học đại học, còn lại đang học cao đẳng sư phạm (đều trên chuẩn đào tạo).

Nhưng nếu có tốt nghiệp đại học, hoặc cao đẳng, thì khi trở về  dạy học cũng chỉ hưởng lương  ngoài biên chế như mọi giáo viên khác, trong lúc đặc điểm lao động của các cô giáo mầm non là số giờ lao động khá căng, thông thường từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ mới về.

Cũng như ở xã Ðào Viên,  mức thu học phí ở Hòa Tiến là 30.000 đồng/học sinh, nhưng ở đây giáo viên không có khái niệm  lĩnh lương một tháng hai kỳ mà được quyết toán  một năm hai lần, tùy theo đóng góp của các ông bố, bà mẹ. Cho nên các cô giáo phải sống bằng nhiều cách như chăn nuôi, trông vào sào lúa...

Hiệu trưởng Ðinh Thị Bẩy kể, có những gia đình cho con đi học nhưng cả năm vẫn không đóng tiền, chỉ động viên: "Cô cứ yên tâm. Cuối năm chúng tôi đóng". Cuối năm, có khi sang cả hè, giáo viên phải đến tận nhà thu. Ðến giờ (thời điểm tháng 9-2007) vẫn chưa thu xong. Còn hiện tượng thất thu học phí năm nào cũng diễn ra, nhà trường đành chịu, vì dân không chịu nộp tiền do vậy, thu nhập của giáo viên cũng bị ảnh hưởng.

Ðời sống giáo viên  mầm non luôn chật vật.  Như cô giáo trẻ Kiều Thị Kim Cúc, dạy được năm năm mới có một con, phải nuôi cả mẹ chồng; chồng  làm thợ sắt thu nhập được một triệu đồng/tháng, nhưng  cũng thất thường, có khi sáu tháng, có khi một năm mới có việc. Cả nhà bốn người trông vào 1,6 triệu đồng.

Còn Trưởng thôn Yên Vỹ (nơi điểm trường đóng) Nguyễn Văn Tọa thì công nhận: "Dân ở đây thuần túy nông nghiệp. Mức thu nhập của cô giáo mầm non còn quá thấp so với ngày  công của những nghề khác. Ngày công của phu hồ, đánh giấy nháp ở đây cũng 50.000 đồng/ngày. Trong khi cả tháng các cô giáo cũng chỉ có từ 500 đến 700.000 đồng/người.

Quy định đóng học phí có 30.000 đồng/tháng mà nông dân còn kêu các ông bắt đóng cao thế. Các cô giáo thì kiến nghị về thu nhập quá thấp. Nhưng thực tế cố lắm thì xã cũng mới chỉ đạt mức đó!".

Không chỉ vùng nông thôn các tỉnh, ngay huyện Sóc Sơn của TP Hà Nội, có tám xã vùng núi, mười xã đất bạc màu và tám xã vùng chiêm trũng, thì có 656 giáo viên mầm non đang hưởng mức 450.000 đồng/tháng. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Trung Thành tính toán: "Nếu cô giáo mầm non mà chỉ có một mẹ, một con, với thu nhập đó đã nằm ở diện hộ nghèo  rồi, chưa nói đến phải nuôi bố, mẹ".

So với xã Ðào Viên (Quế Võ, Bắc Ninh) do toàn huyện mấy năm nay có chủ trương "đổi đất lấy trường học", thì trường sở xã Tân Hưng (Sóc Sơn) thua xa. Trường có 17 phòng học thì đã có tám phòng  lợp tôn, ba phòng tận dụng nhà kho cũ, hai phòng học khu trung tâm cũng xuống cấp nghiêm trọng. Ngay phòng làm việc của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tính cũng còn tạm bợ. Mức thu học phí của trẻ chỉ cao nhất 25.000 đồng, thấp nhất 15.000 đồng mà theo Hiệu trưởng, cũng rất thất thường. Vì thế, trẻ mầm non ở đây tuy học hai  buổi nhưng lại chưa tổ chức được ăn trưa, vì ngay cơ sở vật chất cũng không bảo đảm, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ.

Tình cờ, chúng tôi gặp cô giáo Ðỗ Thị Tý, khi vừa kết thúc buổi dạy. Cô giáo Tý đã 25 năm trong nghề, lương khoảng 500.000 đồng tất cả các khoản, có một con. Chồng cũng hưởng lương 700.000 đồng/tháng. Chúng tôi hỏi: "Thu nhập cả gia đình như vậy, có đủ sống không, cô giáo". "Làm sao đủ được, chị? Em phải tranh thủ thứ bảy, chủ nhật không phải lên lớp để cấy lúa, trồng ngô".

Cô giáo Tý cũng cho biết, nông dân còn nghèo, cho nên có tháng thất thu, cũng đành chịu. Vậy nhưng có những cô giáo về hưu rồi mà không có cả lương hưu vì số năm đóng bảo hiểm quá ít (phải 20 năm đóng bảo hiểm trở lên) mới được hưởng lương hưu.

Bắc Ninh, Hà Nội đều là khu vực đô thị, nhiều thuận lợi; đời sống giáo viên mầm non ở nông thôn còn vậy, nói gì đến vùng miền núi.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện vùng cao Ðà Bắc (Hòa Bình) Phạm Quốc Vinh, người Ninh Bình, lăn lộn với Ðà Bắc gần 30 năm,  lặn lội ở tất cả 171 xóm thuộc 20 xã của huyện kể, có tới hai phần ba xóm  muốn đến được nhà dân phải đi bộ, dù tất cả các xã ô-tô có thể đến tận thị trấn. Có những xã như Ðồng Ruộng, Tân Dân, Tiền Phong dân cứ bám lòng hồ, nước ngập đến đâu, lên bờ cao sống đến đấy. Người dân sống bằng hái măng, bắt cá hồ, tuy có khá hơn 20 năm trước đây là không còn phải ăn củ nâu trừ bữa, hoặc ăn gốc cây đu đủ trộn lẫn gạo đồ lên, cho quên cái đói. Nhưng đời sống còn cực lắm. Hàng hóa của nông dân giờ là củ rong, củ sắn, cây bương, bán để mua gạo ở đồng bằng đưa lên vì đất ở đây bạc màu không trồng được lúa.

Trong bối cảnh đó, học phí của trẻ mầm non đóng theo quy định của tỉnh chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/tháng, ở mức gần như thấp nhất mà cũng không thu nổi.  Huyện có 186 cô giáo mầm non hợp đồng với tỉnh có đóng bảo hiểm xã hội (lương 450.000 đồng/tháng) còn lại, 94 cô giáo mầm non hợp đồng với xã, với trường chỉ được trả 100-150.000 đồng/tháng. Có xã chỉ trả các cô giáo bằng ngô, lúa, chẳng có đồng tiền nào, trả theo thời vụ như xã viên hợp tác xã. Vậy nhưng Phó Trưởng phòng Phạm Quốc Vinh bảo: "100.000 đồng còn phải làm nữa là 450.000 đồng".

Ðiều kiện sống của số giáo viên này cực kỳ nan giải, chỉ đủ gạo ăn, chứ chẳng có  tích lũy gì. Nhưng số cô giáo trong diện này không phải là ít. Theo Trưởng phòng giáo dục mầm non Trần Thị Bắc (Sở GD và ÐT Hòa Bình), toàn tỉnh còn tới 709 cô trong diện này. Vậy nhưng, họ vẫn hy vọng, vẫn xin được đi học để đạt chuẩn nghề nghiệp, từ đó được vào diện  hợp đồng với tỉnh để hưởng 450.000 đồng/tháng. Và nếu ở vùng đặc biệt khó khăn, họ sẽ được vào biên chế.

Ðiều đó,  lý giải một hiện tượng lạ: Dù rất gian khổ về đời sống, phần lớn giáo viên mầm non  ngoài biên chế ở ngay Trường mầm non xã Tu Lý, xã Cao Sơn (huyện Ðà Bắc), hay tất cả những trường mầm non ở Quế Võ, Yên Phong (Bắc Ninh), ở Sóc Sơn (Hà Nội) nơi chúng tôi đến làm việc đều rất tha thiết xin đi học đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo. Vì họ vẫn kỳ vọng về chính sách lương bổng cho giáo viên mầm non nhất định sẽ có sự thay đổi. Vì họ khao khát  thoát khỏi sự thiếu bình đẳng hiện nay về lương bổng, thu nhập giữa họ với nhau trong cùng đội ngũ.

Cùng trình độ đại học, cùng thâm niên như nhau, nhưng nếu là hiệu trưởng, hiệu phó hoặc "may mắn" bởi "số phận" trên con đường nghề nghiệp thì nếu trong biên chế, cô giáo này có thể thu nhập ba, bốn triệu đồng/tháng, cứ ba năm lên lương đều đều có bảo hiểm, có lương hưu. Còn cô giáo kia nếu là giáo viên ngoài biên chế, mãi mãi chỉ 450.000 đồng/tháng, cho dù thâm niên tới 30 năm. Sự thiếu công bằng trong cùng một đội ngũ giáo viên mầm non vốn đã khó khăn, diễn ra không chỉ ở một trường mầm non bình thường, mà còn  ở ngay các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia như Trường mầm non Việt Hùng (Quế Võ), Trường mầm non Yên Phụ (Yên Phong) của tỉnh Bắc Ninh, hay  bất cứ một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia nào khác trong cả nước.

Trong thực tế, lương của giáo viên mầm non trong biên chế phổ biến gấp tới bảy, tám lần lương giáo viên ngoài biên chế, cho dù cùng trình độ đào tạo, cùng số năm công tác. Ðó là một điều hợp lý, mà cho đến nay, ngành giáo dục và đào tạo chưa có cách nào khắc phục được. Ðiều đó cũng lý giải vì sao tất cả các cô giáo đều chỉ có một kiến nghị, làm sao được vào biên chế, một ước  mong mà chúng tôi biết rất khó thành hiện thực với tất cả.

Không chỉ khó khăn, không chỉ chịu sự không công bằng trong lương bổng, thu nhập  cùng đội ngũ, những cô giáo mầm non ở nông thôn, và nhất là miền núi còn chịu đựng những gian khổ và thiệt thòi về tinh thần và đời sống tình cảm. Có những nơi như Trường mầm non xã Tu Lý, có 36 cô giáo  thì tới non nửa chưa có gia đình. Các cô giáo nói rất thật lòng: "Không phải gương mẫu đâu, mà khó khăn quá chẳng anh nào hỏi đến!". Nghe họ trả lời tôi không dám gợi chuyện, sợ chạm thêm vào nỗi buồn riêng. Vì đằng sau những nụ cười vui, tếu táo ấy là một khao khát tình yêu, hạnh phúc rất đỗi bình thường của mỗi người phụ nữ.

Thực tế đời sống của họ, những cô giáo ở nông thôn mà niềm vui hay nỗi buồn đều gắn rất chặt với số phận ngôi trường mầm non đang đứng trước những thách thức khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Loại hình mầm non bán  công hay mầm non dân lập ở nông thôn? Câu hỏi ấy, mong các cơ quan, các ngành liên quan thấu đáo hơn nữa, để có sự điều chỉnh hoặc thiết kế đúng có tác dụng giúp ngành học non trẻ nhất phát triển  vững chắc phù hợp quy luật cuộc sống. Cũng là tạo điều kiện xây dựng các chính sách cho thu nhập của các cô giáo mầm non ở nông thôn ổn định, tiến tới cải thiện hơn. Ðể họ yên tâm với nghề, với lớp măng non của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo mục tiêu bậc học.

 Ở nông  thôn, ngành học mầm non rất quan trọng vì đứa trẻ sinh ra đã cần giáo dục. "Mất" mầm non là "mất gốc" từ nền tảng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành giáo dục. Nhưng khổ nhất trong ngành cũng là cô giáo mầm non. Các cô chăm sóc trẻ từ sáng sớm đến tối mịt mà lương chỉ 490 nghìn đồng/tháng chưa kể trừ các khoản này, khoản khác. Nhiều nhà rất ngại cho trẻ đến lớp vì phải đóng góp dù chỉ góp cao nhất là 25 nghìn đồng, thấp nhất 15 nghìn đồng. Trong hoàn cảnh này, loại hình mầm non bán công ở nông thôn vẫn phù hợp,  chứ chuyển sang dân lập, mọi thứ trông vào dân thì không thể. Xã chúng tôi cũng đang chờ sự định hướng của Nhà nước, nhưng chỉ đề nghị, nếu khả năng Nhà nước không lo được hết thì cần tính theo vùng miền, chứ cứ tính chung theo tinh thần Luật Giáo dục  2005, thì khổ nhất sẽ là mầm non nông thôn.

NGUYỄN VĂN THU
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

 Khó nhất để xây dựng bậc lương cho giáo viên mầm non, cốt lõi là mức thu học phí. Bắc Ninh quy định  học phí chỉ 27.000 - 34.000 đồng/tháng/học sinh, nhưng chỉ được chi lương giáo viên 80% trong tổng thu. Vì thế, chúng tôi phải tính toán thế nào: theo bậc  lương, hay theo thâm niên cũng chỉ trong 80% này. Mức lương cơ bản hiện nay quy định gồm 450.000 đồng, 35% đứng lớp, 6% hỗ trợ bảo hiểm (xã hội, y tế). Phải chi "cứng" ba phần này của 80%, mà ba phần "cứng" trên đã chiếm 640.000 đồng/giáo viên. Nhưng rất khó vì mức thu học phí thấp. Xây dựng mức học phí trên giấy tờ, nhưng thực tế có khi cuối năm phụ huynh mới đóng.

Việc đa dạng hóa loại hình mầm non phải tùy thuộc từng vùng miền. Vùng đại trà nông thôn, nên giữ công lập, bán công, tăng hỗ trợ  Nhà nước, và có cơ chế hướng dẫn cụ thể cho các trường.

VŨ THỊ HƯƠNG MAI
(Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Phong, Bắc Ninh)

( Theo Báo Nhân Dân )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đời sống giáo viên mầm non nông thôn hiện nay ra sao? (5/11)
 TPHCM: Hội thảo chuyên đề về thiết bị giáo dục và phát triển tư duy cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi (3/11)
 Tuyển giáo viên phổ thông: Tiến sĩ được ưu tiên (31/10)
 Xã hội hóa giáo dục ở TP HCM bị 'vấp' (30/10)
 Buổi họp giao ban đầu năm với các chủ trường mầm non tư thục (29/10)
  Lễ tổng kết và trao giải trưởng (26/10)
 Trường Mầm non bán công Hướng Dương: ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy (25/10)
 MN 19/5: Chuyên đề “Xây dựng phòng dạy tiết cá nhân” cho trẻ học hòa nhập tại trường Mầm Non. (24/10)
 Tổ chức và hoạt động của công đoàn trường học ngoài công lập: Vẫn lúng túng tìm hướng đi (24/10)
 Tiền Giang : Khánh thành trường mẫu giáo Hùng Vương (23/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i