Dinh dưỡng
   Các câu hỏi về dinh dưỡng cho bé ( tiếp theo )
 
- Thưa bác sĩ, có nên cho thêm đậu nành, đậu đen, hạt sen vào trong bột cho bé không ạ? (Lan Anh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Đậu nành, đậu đen là các ngũ cốc giàu đạm hơn các loại ngũ cốc khác nên trong trường hợp có khó khăn về kinh tế thì có thể sử dụng thay thế một phần chất đạm động vật. Nếu có khả năng mua các loại thực phẩm giàu đạm đông vật như thịt, cá, trứng thì cũng không cần dùng vì nhiều khi làm trẻ khó ăn do mùi của các ngũ cốc trên. Tuy nhiên, nếu con chị thích ăn thì vẫn có thể sử dụng thường xuyên.

- Con tôi 13 tháng, nặng khoảng 8,6 kg. Mỗi ngày cháu ăn 3 lần cháo (mỗi lần một bát ăn cơm), 2 lần sữa x 180 ml, ngoài ra còn có sữa chua, nước cam, hoa quả. Mỗi ngày cháu ăn một bữa thịt và 2 bữa tanh. Tuy nhiên đã nửa năm nay cháu lên cân rất chậm, có khi 3 tháng không lên lạng nào. Cháu đã uống canxi, vitamin D3, Dobenzic nhưng tình hình không tiến triển nhiều. Hệ tiêu hóa của cháu kém và hay bị táo bón. Xin tiến sĩ cho một lời khuyên. (Phạm Thị Lý, Tuyên Quang)

- Bác sĩ Lâm: Con bạn 13 tháng mà nặng 8,6 kg là đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Chế độ ăn như bạn mô tả là tương đối hợp lý, nếu có thể nên tăng thêm một bữa sữa vào buổi tối. Hệ tiêu hóa của cháu kém, hay bị táo bón là nguyên nhân làm giảm hấp thu làm cho cháu dù ăn nhiều đủ chất mà vẫn chậm lên cân. Bạn nên cho thêm dầu mỡ (1-2 thìa cà phê/bữa), rau xanh xay nhỏ khi chế biến thức ăn cho cháu. Chú ý cho cháu uống đủ nước, xoa bụng theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn để tăng nhu động ruột, ngoài ra dùng thêm các men tiêu hóa như Biobaby, pepsin theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cháu uống vitamin D đã quá 6 tháng thì có thể uống tiếp 1 liều khác, nhất là về mùa đông. Cho trẻ uống thêm vitamin và khoáng chất khác như sắt, kẽm.

- Có nên cho em bé 12 tháng tuổi uống sữa vào buổi đêm không? (Thu Trinh, 30 tuổi, Hà nội)

- Bác sĩ Lâm: Vẫn nên cho cháu uống một bữa trước khi đi ngủ. Đang đêm mà thức dậy để cho uống sữa thì cũng không nên. Uống sữa trước khi đi ngủ thì mới đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng.

- Bé trai gần 3 tuổi của tôi không chịu ăn rau. Tôi có thể thay thế rau bằng hoa quả được không? (Lệ Hoa, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Theo tôi, không nên thay thế rau bằng hoa quả. Vì trong rau có rất nhiều các chất xơ cần thiết cho sự tiêu hóa và nhu động ruột của trẻ, đồng thời, nó còn có nhiều loại muối khoáng mà hoa quả không có.

- Con tôi 6 tháng tuổi thì đã ăn được đồ tanh như tôm cua cá chưa? Có nhất thiết phải cho uống nước hoa quả hằng ngày không? (Mai Hương, 27 tuổi, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lâm: Chế độ ăn bổ sung (còn gọi là ăn sam, ăn dặm) tốt nhất nên bắt đầu khi trẻ tròn 6 tháng. Khi chế biến thức ăn phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, trong đó bao gồm cả chất tanh như tôm cua cá. Đây là nguồn thực phẩm quan trọng cung cấp chất đạm, canxi, phốt pho và các vi chất thiết yếu khác giúp cơ thể trẻ phát triển, chống còi xương. Uống nước hoa quả hằng ngày là tốt vì hoa quả cung cấp các loại vitamin tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ.

- Có nên cho các cháu bé uống B1 thường xuyên không. Tôi thấy bảo uống B1 rất kích thích ăn uống. Nên uống bao nhiêu viên mỗi ngày (Thu Phương, 27 tuổi, Ha nội)

- Bác sĩ Lâm: Trẻ em lứa tuổi ăn bổ sung thường thiếu nhiều vitamin và khoáng chất. Nếu chỉ bổ sung vitamin B1 không thì không đủ, nên bổ sung các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất thì mới tốt cho cháu, nhất là những loại có vitamin A, B, sắt, kẽm...

- Trẻ em 18 tháng nên ăn mấy quả trứng gà một tuần, thưa bác sĩ? (Thanh Hằng, 31 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Trứng gà thì giàu đạm và các chất dinh dưỡng rất thích hợp cho trẻ em lứa tuổi ăn bổ sung. Mỗi ngày cho cháu ăn 1 quả cũng tốt.

- Do con tôi nhẹ cân nên tôi có mua thịt cóc làm cẩn thận về cho cháu ăn. Thịt cóc có thể cải thiện tình hình không ạ? (Phan Minh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Thịt cóc là loại đạm động vật giống như các loại đạm động vật khác nhưng lượng kẽm trong thịt cao, vì vậy, việc sử dụng thịt cóc cũng rất tốt. Tuy nhiên, phải làm thật cẩn thận vì dễ dẫn đến ngộ độc nếu dính nhựa của da cóc.

- Con trai em mới được gần 6 tháng tuổi nhưng đã bỏ ti mẹ từ khi 3 tháng. Những nguyên nhân nào có thể khiến trẻ bỏ bú mẹ sớm, thưa bác sĩ? (Thành Lê, 29 tuổi, Nam Định)

- Bác sĩ Lâm: Có thể sau 3 tháng mẹ bắt đầu đi làm, khiến cho lượng sữa mẹ giảm đi, không thỏa mãn cho bữa bú của cháu. Bên cạnh đó gia đình lại cho cháu uống sữa ngoài khi mẹ đi vắng, do đó cháu đã quen với sữa ngoài nên bỏ sữa mẹ.

- Con tôi 30 tháng, từ khi mẹ đi làm thì rất ít tăng cân. Hằng ngày cháu ăn 3 bữa cháo, 400 ml sữa và 1 hũ sữa chua nhỏ. Trước cháu hay bị nôn, nay đã hết, lại uống cả Pedia sure mà vẫn không nên cân. Bác sĩ có thể dự đoán nguyên nhân không ạ? (Thanh Bình, 35 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Chậm tăng cân ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân, có thể do hệ tiêu hóa kém, giảm khả năng hấp thu, do các men chuyển hóa thức ăn trong cơ thể hoạt động kém, do mắc một loại ký sinh trùng nào đó. Vì vậy tốt nhất bạn nên cho trẻ đi khám và tư vấn dinh dưỡng để các bác sĩ có những chẩn đoán và lời khuyên tốt nhất. Có thể cháo chế biến chưa đúng cách, không đủ chất, không thêm dầu mỡ nên ít năng lượng, khiến cháu tăng cân chậm.

- Nếu con tôi (25 tháng tuổi) không chịu uống sữa bột mà chỉ uống sữa tươi thì có tốt không? (Trần Hoan, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị 25 tháng tuổi đã có thể ăn được rất nhiều các loại thực phẩm. Do đó, ở tuổi này, sữa cũng vẫn cần cho cơ thể. Còn việc sử dụng sữa tươi và sữa bột đều có thể được. Vì sữa tươi có thành phần gần giống như các sữa bột khác trừ một số hãng có thể cho thêm một số yếu tố vi lượng khác.

- Con gái tôi 2 tuổi, mỗi lần cho ăn là khóc. Tôi thường nấu cháo từ nước xương hoặc thịt nạc vai, thêm ít rau. Cháu hay ngậm không chịu ăn. Xin chỉ cách cho tôi nên cho ăn cách nào, bao nhiêu trong một ngày và giờ nào là tốt nhất? (Mai Thi, 28 tuổi, Nha Trang)

- Bác sĩ Lâm: Chị nên thay đổi món ăn thường xuyên, chọn những món mà cháu thích. Có thể tham khảo số bữa, thời gian ăn như sau

Giờ Thứ 2, 4 Thứ 3, 5 Thứ 6, CN Thứ 7
6h Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ
8h Cháo thịt lợn Cháo thịt gà Cháo thịt bò Cháo trứng
10h Chuối tiêu ½-1 quả Đu đủ 200 g Hồng xiêm 1 quả Xoài 200 g
11h Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ
14h Súp thịt bò khoai Súp đậu xanh bí đỏ Cháo tôm Cháo lạc, bí đỏ
16h Nước cam Nước cam Nước cam Nước cam
18h Cháo cá Cháo lươn Cháo thịt lợn Cháo lươn

Nên cho cháu uống thêm men tiêu hóa Pepsin, bổ sung đa vitamin và khoáng chất để cháu ăn ngon miệng hơn.

- Con trai tôi 4 tuổi, rất hay bị oẹ, nôn sau khi ăn và hay bị đi ngoài dù tôi đã rất cẩn thận giữ gìn vệ sinh. Một vài người nói cháu bị chứng ăn không tiêu hay chậm tiêu hóa. Như vậy có đúng không? Nếu vậy tôi cần phải làm gì? (Diệu Thúy, 27 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Lâm: Chị nên xem lại các thực phẩm cho cháu ăn có cân đối về mặt dinh dưỡng không. Có thể cho cháu ăn nhiều đạm nhiều béo quá cháu cũng không tiêu hóa được. Hoặc cho cháu uống quá nhiều nước ngọt có ga, trong bữa ăn cũng làm cho cháu đầy bụng khó tiêu hóa. Chị nên mang cháu đến tư vấn bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân thêm.

- Thưa bác sĩ, khi nào cho trẻ ăn cháo băm được? Con tôi 11 tháng tuổi, có 4 cái răng nhưng vẫn chưa ăn cháo băm được, cháu cứ nôn ra hoài. Tôi nên làm sao? (Thanh Thanh, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị 11 tháng mới có 4 răng nên khi ăn thịt băm cho vào cháo cháu sẽ khó nhai, vì vậy thịt sẽ không được nghiền nhỏ làm cháu khó nuốt, dễ gây nôn. Ở tuổi này, chị nên ninh nhừ thịt bằng nồi hầm, sau đó xay nhỏ hoặc nghiền nhỏ để trẻ dễ ăn.

- Xin bác sĩ cho biết thế nào là suy dinh dưỡng theo từng độ tuổi, tính theo cân nặng? (Phan Ngọc, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Muốn phân loại các cháu suy dinh dưỡng theo mức độ nào thì phải dựa theo một bảng số chuẩn của tổ chức Y tế thế giới. Các cháu nào có cân nặng dưới mức -2SD theo hằng số này được gọi là suy dinh dưỡng. Chị có thể tìm hiểu trong cuốn Hướng dẫn nuôi trẻ của Viện Dinh dưỡng, có bán tại Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng của Viện, ở 48B Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.

- Xin Bác sĩ cho biết ăn óc heo nhiều (một ngày một bộ) có tốt cho trẻ không. Xin cảm ơn (Kieu Tram, 32 tuổi, 2/40/7 le van tho, f11, go vap)

- Bác sĩ Lâm: Óc heo rất nhiều cholesterol. Nếu chị cho cháu ăn mỗi ngày một bộ thì không tốt cho sức khỏe của cháu. Mỗi tuần chỉ nên cho cháu ăn một bữa, mỗi bữa khoảng 30-40 gram là đủ.

- Con trai tôi 3 tuổi, từ khi đi học mẫu giáo thì gầy đi dù cô giáo bảo cháu ăn hết suất (hiện cháu chưa nuốt được nên vẫn ăn cháo). Hiện cháu ăn sáng, trưa và một bữa phụ chiều ở lớp. Vậy khi về nhà nên cho cháu ăn như thế nào? Ở lớp cháu chỉ uống được 100 ml sữa và gần như không có hoa quả. Vậy sau bữa tối ở nhà có nên cho uống thêm sữa không (uống sữa tối sợ cháu đái dầm)? (Hạnh Hương, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Nếu cháu đi mẫu giáo không tăng cân có nghĩa là khẩu phần ăn chưa đủ đối với cháu. Vì vậy, khi về nhà, cần phải tăng cường thêm các thức ăn khác, ví dụ khi đón từ nhà trẻ về cho cháu ăn thêm sữa hoặc sữa chua hoặc bánh, tối ăn một bữa nữa cùng gia đình (tốt nhất là tập cho cháu ăn cơm) và trước khi đi ngủ có thể cho uống thêm sữa vì con chị tăng cân chậm. Nếu cháu hay đái dầm thì có thể thay sữa bằng các thức ăn đặc như súp, các loại bánh xốp.

- Cứ đến bữa ăn là cả nhà tôi phải vận dụng đủ mọi năng khiếu hoạt kê để dỗ cháu, nhiều khi hết cả hơi mới được bát con cháo. Nếu không thế thì cháu không chịu ăn. Xin chỉ cho tôi cách khắc phục tình trạng này. (Nguyễn Thành Nam, 35 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Để kích thích cháu ăn ngon miệng, bạn nên thay đổi bữa, hôm nay cháo gà, mai cháo thịt lợn, cháo cá…, kèm theo rau xanh xay nhỏ và hoa quả để tăng cường tiêu hóa. Chú ý cho trẻ ăn đúng bữa, trước bữa ăn khoảng 1 tiếng không nên cho ăn quà hoặc bánh ngọt vì như vậy cháu sẽ có cảm giác chán ăn. Có thể cháu thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết nên cũng biếng ăn, nên bổ sung. Có thể cho cháu dùng thêm men tiêu hóa Pepsin trong 1-2 tuần để giúp cháu ăn tốt hơn.

- Hằng ngày, tôi mua cả con gà hoặc cá chép, tim cật, bồ câu về hầm lấy nước nấu cháo cho con, nhưng nhưng không hiểu sao cháu vẫn còi, đã 15 tháng tuổi mà chỉ nặng hơn 8 kg? (Hạnh Hoa, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Các loại thực phẩm trên mà chỉ lấy nước thì rất ít lượng đạm vì các loại đạm không tan trong nước. Do đó, dù chị hầm rất nhiều thịt nhưng trong nước nấu cháo không có đạm, chỉ có một vài axit amin, nên các bữa ăn của cháu vẫn thiếu đạm, dẫn đến thiếu năng lượng và các vi chất. Đạm là thành phần vận chuyển nhiều chất trong cơ thể. Chị cần cho trẻ ăn cả bã.

- Gần đây trên thị trường có loại cháo dinh dưỡng ABC gồm nhiều loại: cháo thịt lợn, cháo tôm cua, có hai mức giá bán lẻ là 3000 và 5000 đồng. Bọn trẻ rất thích cháo này. Xin bác sĩ cho biết loại cháo này đã được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm hay chưa? (Phạm Văn, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Nếu mà các loại cháo trên cho cháu ăn ngay sau khi nấu thì cũng tốt, vì là món cung cấp năng lượng và chất đạm cho cháu. Chúng tôi cũng chưa biết rõ thông tin về sản phẩm này. Nhưng những món thông thường chế biến ngay sau khi ăn thì thường đảm bảo vệ sinh, nếu nguồn thực phẩm ban đầu lựa chọn tốt.

- Cháu nhà tôi được 6 tháng tuổi, tôi được bạn tư vấn ở Viện Dinh Dưỡng có bán bột với đủ các loại dưỡng chất, tôi có thể dùng loại đó thường xuyên cho cháu được không (Thu Trang, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Tại Viện Dinh dưỡng đúng là có các loại bột do Viện Dinh dưỡng sản xuất, và của Bibica do Viện Dinh dưỡng tư vấn về thành phần dinh dưỡng. Những loại bột này có bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và men tiêu hoá rất thích hợp cho trẻ lứa tuổi ăn bổ sung. Chị dùng những loại bột này thường xuyên cho cháu là rất tốt.

- Em bé 2 tháng của tôi rất biếng ăn. Tôi cho cháu đi khám thì được biết cháu mọc nanh (nanh như mụn trứng cá, mọc ở lợi và hàm ếch), đã nhể nanh 2 lần nhưng ăn vẫn kém và không chịu bú mẹ. Vậy có phải mọc nanh là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ không? (Hòa Hảo, 29 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Nanh là các mụn nhỏ cứng mọc trên lợi, do đó khi trẻ bú sẽ rất đau, trẻ sợ ăn. Khi trẻ được nhể nanh cũng là một stress làm đau trẻ nên dễ gây cho trẻ sợ ăn. Vì vậy, khi trẻ nhiều nanh hoặc khi nhể nanh, có thể đổ thìa cho trẻ trong thời gian ngắn để trẻ đỡ đau.

- Có phải cứ lười ăn là nên mua cốm vi sinh Biobaby hoặc các loại men tiêu hóa về dùng không? Tôi đã dùng thử những thứ này cho con mình nhưng cháu vẫn lười ăn và tăng cân chậm. (Tran Thu Huong, 31 tuổi, Phan Thiết)

- Bác sĩ Lâm: Cốm Biobaby và men tiêu hóa có tác dụng hỗ trợ đường tiêu hóa làm việc tốt hơn nhưng không có nghĩa cứ lười ăn là cho trẻ uống những thứ này. Lười ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân như tôi đã nói ở trên. Bạn chú ý xem xét tất cả các yếu tố để tìm hiểu nguyên nhân chính xác. Có thể nhờ sự giúp đỡ của các các sĩ khám và tư vấn dinh dưỡng.

- Xin bác sĩ tư vấn cách cho bé 8 tháng tuổi ăn hoa quả. Số lượng bao nhiêu là đủ, những hoa quả nào bé đã có thể ăn được? (Thanh Bích, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Nếu 8 tháng tuổi, thì cháu có thể ăn mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa khoảng 50-100 gram quả chín. Chị có thể cho cháu uống nước cam, quýt, hoặc ăn các loại hoa quả mềm như chuối tiêu, đu đủ, dưa hấu, xoài...

- Con tôi đã 20 tháng tuổi, ngay từ nhỏ đã rất hay bị nôn trớ và đến nay vẫn vậy, mặc dù tôi chỉ bón từng miếng nhỏ. Có cách nào khắc phục tình trạng trên? (Bích Hương, 25 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị đã 20 tháng mà vẫn bị nôn và nôn này xuất hiện từ nhỏ, chị cần đưa cháu đến bệnh viện để khám và chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản, để có hướng điều trị. Trong trường hợp chưa có chẩn đoán, chị nên cho cháu ăn thức ăn nhừ, nghiền và ít một.

- Con tôi 5 tháng, được ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ. Từ 2 tháng nay tôi có rất ít sữa nên cháu không lên cân. Tôi thử cho con uống sữa bình nhưng cháu dứt khoát không chịu. Tôi cũng đang tập cho cháu ăn dặm 2 tuần nay nhưng chỉ 2 - 3 thìa là khóc. Thậm chí bây giờ cháu cũng rất lười cả bú mẹ. Tôi lo lắm, xin bác sĩ chỉ giúp. (Phạm Hải, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Vẫn nên tiếp tục cho con bú mẹ. Lúc mẹ đi làm, nên cho cháu uống sữa thêm bằng thìa. Khi cháu được tròn 6 tháng, thì mới nên cho cháu ăn thêm bột. Chị cũng nên đưa cháu đi khám tư vấn dinh dưỡng, có thể lứa tuổi này cháu cũng hay thiếu vitamin D dẫn đến biếng ăn.

- Bé nhà tôi 20 tháng nhưng vẫn chưa ăn được cháo hạt mà chỉ ăn cháo xay. Xin hỏi việc xay cháo có mất nhiều chất dinh dưỡng không? (Diệu Thanh, 30 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Con chị ăn cháo xay cũng được vì các chất dinh dưỡng mất đi không nhiều lắm. Tuy nhiên, con chị đã 20 tháng, chị nên cho ăn tăng dần độ thô của thức ăn để cho trẻ tập nhai và luyện hàm, nếu không, trẻ sẽ không nuốt được các thức ăn thô và cơm khi trẻ lớn hơn.

- Thưa bác sĩ, Philatop có sử dụng được cho trẻ biếng ăn không? (Hoài Giang, 24 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Philatop thường được chế biến từ nguồn nhau thai giàu axit amin, vi chất dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ biếng ăn, cũng như người lớn giai đoạn sau mổ hoặc suy nhược cơ thể.

- Con tôi gần 3 tuổi rồi mà không chịu ăn thịt cá hay uống sữa, chỉ thích đồ ngọt như chè, bánh. Làm thế nào để cháu ăn uống bình thường, thưa bác sĩ? (Hạnh Hương, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Điều này nếu kéo dài không tốt cho sức khoẻ của cháu vì chất ngọt chỉ cung cấp mỗi năng lượng còn cháu sẽ thiếu đạm và các chất dinh dưỡng khác. Do vậy, chị nên chế biến món ăn từ thịt cá thật ngon cho cháu. Nếu cháu không thích uống sữa chị có thể cho cháu ăn sữa chua, pho mát hoặc trứng đánh với sữa và hấp cho cháu ăn.

- Thưa bác sĩ Yến, có người khuyên tôi cho con uống thuốc bắc để chữa nôn trớ quá nhiều. Con tôi đã 4 tuổi thì đã uống được loại thuốc này chưa? (Phương Loan, 27 tuổi, Quảng Ninh)

- Bác sĩ Yến: Con chị 4 tuổi, nôn trớ không còn là sinh lý nữa, chị cần phải đưa cháu tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Còn việc dùng thuốc bắc để ức chế nôn chỉ là biện pháp tạm thời, chữa triệu chứng. Mặt khác, tôi không biết rõ loại thuốc chị định dùng cho con là thuốc gì, thành phần ra sao nên không thể khuyên chị cho cháu uống hay không được.

- Con tôi 39 tháng, nặng 13kg, rất hay bị ói ọc và biếng ăn. Cháu ăn một ngày được 3 lưng bát cơm và 600 ml sữa. Tôi nên cho cháu uống thêm loại thuốc bổ nào để kích thích khả năng hấp thụ thức ăn của cháu? (Phùng Văn Huy, 36 tuổi, Nam Hà)

- Bác sĩ Lâm: Tình trạng cân nặng con bạn như vậy là đang ở mức có nguy cơ suy dinh dưỡng (tốt nhất là cân nặng ở mức 14,6-18,7 kg). Để tăng cường khả năng hấp thu của cháu, bạn nên cho cháu uống thêm các loại men tiêu hóa kết hợp với chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều rau xanh, quả chín, có thể bổ sung đa vitamin và khoáng chất.

- Nên cho trẻ ăn thôi ăn cháo để chuyển sang ăn cơm vào lúc nào? (Hòa Long, 29 tuổi, Ninh Bình)

- Bác sĩ Yến: Về tuổi, nên cho trẻ chuyển từ cháo sang cơm khi trẻ được 2 tuổi, vì lúc này, răng của trẻ đã mọc đầy đủ. Trong trường hợp răng mọc chậm thì có thể muộn hơn, chờ đến khi trẻ đủ răng.

- Con em 5 tháng tuổi. Bé chỉ chịu bú sữa khi ngủ, khi bé thức em phải đút muỗng. Xin bác sĩ cho biết lý do. Cho bé bú khi ngủ có tốt không ? (Tram Anh, 31 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Khi bé thức chị cho bé ăn bằng thìa là tốt vì như vậy sẽ đảm bảo vệ sinh hơn là ăn bằng bình. Khi cháu ngủ thường có phản xạ bú tốt do vậy cháu hay bú ngủ. Cho bé bú khi ngủ cũng tốt nhưng phải theo dõi để tránh gây sặc cho cháu. Chị nên bỏ bình sữa ra kịp thời khi cháu không muốn bú nữa. Chị cũng không nên ngủ quên khi con còn đang bú sữa.

- Con tôi năm nay tròn 3 tuổi, cháu hay bị táo bón. Một bác sĩ tiêu hoá nói rằng ăn nhiều sữa chua (1-2 hộp/ngày) cũng là nguyên nhân gây táo bón, có phải không? (Minh Châu, 29 tuổi, Hà Tĩnh)

- Bác sĩ Yến: Trẻ 3 tuổi hay bị táo bón thường do chế độ ăn ít xơ, trẻ ít uống nước và trong một số trường hợp trẻ bị đại tràng dài. Còn sữa chua không gây nên táo bón. Chị có thể khắc phục bằng cách cho cháu ăn nhiều rau thái to, ăn nhiều xơ và uống nhiều nước. Nếu không hiệu quả, cần đi khám tìm nguyên nhân.

- Con tôi 4 tháng, mẹ chồng tôi bảo phải cho ăn cơm nhai hoặc cháo cho cứng người. Tôi đọc báo thấy như thế là không nên, nhưng nhìn các cháu ở quê mới 4 tháng đã ăn cơm nhai mà vẫn khỏe mạnh béo tốt. Vậy nên hiểu như thế nào ạ? (Phan Hà, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Khi trẻ được 4 tháng, hệ tiêu hoá của cháu chưa hoàn chỉnh. Cháu vẫn nên được tiếp tục bú mẹ hoàn toàn tới khi 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng mới nên cho cháu ăn bổ sung. Và cũng không nên cho cháu ăn cơm nhai hoặc cháo vào lúc này, cháu chưa tiêu hoá được. Nên bắt đầu ăn bổ sung bằng bột loãng, sau đó tăng dần theo tuổi của cháu.

- Con tôi đã 4 tháng rưỡi nhưng không chịu ăn sữa ngoài, chỉ bú mẹ. Làm sao để trẻ có thể ăn thêm ngoài vì tôi phải đi làm rồi? (Thủy Nguyên, 27 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Yến: Nếu cháu bé tăng cân tốt, thì không cần ép cháu ăn thêm sữa ngoài. Chị có thể tranh thủ thời gian về cho cháu bú. Còn nếu chị ở xa thì trước khi đi làm, chị có thể vắt sữa để lại hoặc có thể thay được một bữa bột loãng trong ngày.

- Con gái tôi 6 tuổi, trí tuệ và hoạt động bình thường, nhưng chỉ nặng có 14 cân. Cháu hơi lười ăn, mỗi bữa một bát, mỗi buổi tối đều uống sữa nhưng vẫn không khá hơn. Xin bác sỹ cho biết làm thế nào để thể trạng cháu được cải thiện tốt hơn? Có thể cháu bị bệnh còi xương hay bệnh gì khác không? Địa chỉ nào là nơi tốt nhất ở Hà Nội mà tôi nên đưa cháu đến khám và xin tư vấn? (Đoàn Thị Lâm, 32 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Cân nặng của con gái bạn như vậy là bị thấp, bình thường trẻ gái nên là 19,5 kg, trẻ trai 20,7 kg mới tốt. Bạn phải tăng cường bữa ăn cho cháu cả về lượng và chất. Để biết cháu có bị còi xương hoặc bệnh gì khác không, nên đưa cháu đi khám tư vấn dinh dưỡng. Bạn có thể đưa cháu đến phòng khám tư vấn dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng tại 48 Tăng Bạt Hổ.

- Tôi có cháu trai 34 tháng mà chỉ nặng có 12 kg. Từ tháng thứ 3 sau khi tiêm phòng về, cháu đã lười bú mẹ và chưa bao giờ chịu bú bình. Đến khi chuyển sang ăn bột và cơm thì cháu rất biếng ăn, gần đây lại thêm tật ngậm. Có phải do tiêm văcxin nên cháu bị như thế không? (Nguyễn Thị Hương, 26 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Lâm: Không phải do tiêm vắcxin mà cháu biếng ăn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cháu biếng ăn, do chế độ ăn không hợp lý, thiếu vi chất... Con chị 34 tháng mà nặng chỉ 12 kg thì có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Chị nên đến gặp các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn kịp thời.

- Con tôi ra đời khi mới hơn 7 tháng, cân nặng 1,5 kg. Hiện cháu 33 ngày tuổi, nặng 1,9 kg, sức khoẻ tốt, đã tự ăn bằng vú giả (mẹ cháu mổ đẻ hiện vẫn mất sữa), dùng sữa cho trẻ thiếu tháng. Xin hỏi nên chọn sữa nào cho cháu, lượng bao nhiêu mỗi ngày? Lúc nào nên cho ăn bổ sung? Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến thị giác của cháu không vì cháu sinh thiếu tháng? (Phạm Thị Giang, 31 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị tăng cân trong tháng vừa rồi là chậm, vì vậy chị cần chọn những loại sữa cho trẻ dưới 6 tháng có năng lượng cao, tốt nhất là dùng những sữa mà thành phần đạm đã được thuỷ phân làm trẻ dễ tiêu hoá. Cháu của chị hiện tại cần ăn khoảng 400-450 ml sữa/1 ngày, chia làm 10 bữa. Khi cháu tròn 6 tháng hãy cho ăn bổ sung. Chế độ ăn cũng đóng góp một phần vào phát triển thị lực của trẻ nên chị nên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin A, choline.

- Thưa bác sĩ, xin chỉ cho cháu cách cho ăn hợp lý mà không mất nhiều thời gian, dẫn đến mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm đã chế biến. (Hà Thị Hoa, 22 tuổi, Nghệ An)

- Bác sĩ Lâm: Chị có thể dùng các bộ dinh dưỡng chế biến sẵn như Growsure có đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Nên cho cháu ăn vào lúc chị không có thời gian như buổi sáng hoặc buổi tối. Còn lúc khác có thể cho cháu ăn bột hoặc cháo do gia đình chế biến. Để không mất chất dinh dưỡng như rau xanh chị nên cho vào khi bột đã chín, đun sôi thêm một chút là được. Còn dầu ăn chị nên tắt bếp rồi mới cho dầu vào bột hoặc cháo của cháu thì sẽ tốt hơn.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến buổi tư vấn hôm nay. Hy vọng những thông tin sơ bộ trên sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu của các bậc phụ huynh. Do thời gian có hạn, chúng tôi hẹn gặp các bạn trong một dịp khác.

( Theo chametainang.com )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Các câu hỏi về dinh dưỡng cho bé (12/11)
 Món ăn cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi: Kỳ II: Cháo thịt bí đỏ (9/11)
 Dinh dưỡng từ rau củ (9/11)
 Cháo cật dê bạch quả chữa bệnh đái dầm cho trẻ (8/11)
 Nhu cầu năng lượng theo tuổi của trẻ (8/11)
 Bổ sung can-xi cho trẻ (7/11)
 Thêm rau vào món ăn của trẻ (6/11)
 Dinh dưỡng và giáo dục trong phát triển trí não của trẻ (5/11)
 Món ăn cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi: Kỳ I: Cháo thịt rau muống (1/11)
 Chế độ ăn cho trẻ 1-3 tuổi (1/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i