Thông tin tư vấn
   Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1
 

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1

1. Mục tiêu của cải tiến
Thấy được tầm quan trọng trong việc tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để trẻ mầm non chuyển sang giai đoạn mới đầy hào hứng, mong chờ, không bỡ ngỡ trước những mới lạ xung quanh. Nhận thức rõ nhu cầu của phụ huynh và đặt niềm tin vào nhà trường mầm non, mong muốn nơi đây trang bị cho con em mình về kiến thức lẫn tinh thần để trẻ tự tin bước vào lớp 1.
2. Giải quyết vấn đề
Về phía phụ huynh
Công tác tư tưởng: ngay từ đầu năm học, trong buổi họp phụ huynh học sinh tổ chức trao đổi, sinh hoạt chân tình về các hình thức tổ chức hoạt động theo hướng đổi mới hiện nay. Về tình hình trường lớp, về đặc điểm, đặc trưng của lớp lá. Từ đó nhận được sự phối hợp của phụ huynh về việc tạo điều kiện cho trẻ học tập, sinh hoạt một cách tích cực nhất. Trấn an phụ huynh bằng những ví dụ minh họa cụ thể các hoạt động từng môn học để phụ huynh an tâm. Phổ biến các chủ trương, chỉ đạo của ngành về việc không bắt ép trẻ con học thêm trước tuổi. Giải thích cặn kẽ những tác hại của việc cho con em học thêm ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ phát triển một cách bình thường. Tiếp xúc của giáo viên và phụ huynh vào những giờ đưa và đón trẻ. Trao đổi, thông tin hai chiều về tình hình phát triển của các cháu. Đây là cách giúp phụ huynh nắm bắt, góp phần tạo điều kiện giáo dục trẻ một cách toàn diện hơn.
Về phía nhà trường
Cung cấp, trang bị đầy đủ các dụng cụ, vật liệu phục vụ cho trẻ được hoạt động vui chơi. Đề xuất ban giám hiệu bổ sung các đồ dùng cần thiết cho trẻ, tạo khoảng không gian hợp lý và cần thiết cho trẻ được hoạt động. Lên kế hoạch tuyên truyền cho phụ huynh về đề tài "Chuẩn bị gì cho trẻ trước khi vào lớp 1" do hiệu trưởng duyệt và chỉ đạo thực hiện tại khối lớp.
Về phía trẻ
Để trang bị đầy đủ những kiến thức cho trẻ vào cuối bậc học mầm non, giáo viên và phụ huynh cần dạy cho trẻ những gì phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể phát triển tự nhiên, toàn diện.
Gần gũi, trò chuyện để trẻ mạnh dạn. Xác định lứa tuổi để cho trẻ biết trẻ là học sinh lớn nhất của trường. Từ đó giúp trẻ có thái độ đúng đắn trong sinh hoạt, tiếp xúc với nhau, thể hiện vai trò người lớn của mình.
Tổ chức, gợi ý cho trẻ tham gia vào hoạt động trực nhật lớp, biết thỏa thuận phân công với công việc trực nhật, với ý thức tự giác giúp đỡ nhau cùng thực hiện.Hình thành ở trẻ thói quen lao động tự phục vụ, tự mang giày dép, thay và xếp quần áo gọn gàng... Hình thành các kỹ năng, kỹ xảo đồng thời phát triển các tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo léo và một thể lực để giúp trí tuệ phát triển tốt. Trước khi cho trẻ tham gia các hoạt động phải cho trẻ thảo luận, thỏa thuận vai chơi, phân công thực hiện. Tạo điều kiện cho trẻ có khả năng hợp tác, biết chia sẻ để hình thành tính tập thể, phát triển ngôn ngữ (nói, luyện, phát âm, chọn lọc từ thích hợp...).
Làm quen văn học
Trẻ được nghe, đọc truyện, được kể lại truyện, kể sáng tạo, kể theo mô hình, hình tượng, đóng kịch... Vừa phát triển ngôn ngữ mạch lạc vừa phát triển trí tưởng tượng phong phú, phát triển các giác quan, phát triển cả về năm mặt: nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thể chất và thẩm mỹ cho trẻ.
Làm quen với toán
Việc cho trẻ làm quen với các thuật ngữ toán học: lớn, bé, nhiều, ít... Trẻ sử dụng ngôn ngữ để diễn tả các sự kiện. Hình thức đặt câu hỏi phải là những câu hỏi mở, kích thích tư duy trẻ như: Con thấy số gà và vịt như thế nào? Tại sao con biết? Có cách nào làm cho hai nhóm có số lượng bằng nhau không?... Trẻ vừa suy nghĩ, vừa thao tác thật với bài tập, với đồ vật sẽ dễ dàng tiếp cận một cách chính xác, khoa học và có logic. Trẻ tập làm quen với các dạng bài tập ở lớp 1 (tính đố) thông qua dạng chơi và sẽ thay đổi hình thức giao nhiệm vụ.
Làm quen chữ viết
Tạo môi trường cho trẻ bằng cách viết tên ở các đồ dùng, đồ chơi, tên trẻ, tên đồ dùng cá nhân... Khi trẻ vui chơi, chuẩn bị giấy viết ở mỗi góc chơi: góc phân vai dùng viết ghi tên các mặt hàng, góc khoa học ghi lại các kết quả nghiên cứu... Đối với trẻ, có thể chỉ là vẽ một vài nét nguệch ngoạc trên giấy hoặc một hai từ tuy nhiên trẻ sẽ thích thú bởi giấy, bút và kỹ năng viết của trẻ trước khi biết đọc, trẻ viết tên mình rồi nhận ra tên của bạn. Hình thành ở trẻ tính hiếu kỳ đối với ngôn ngữ viết.
Thông qua các ngày lễ, cho trẻ làm thiệp và ghi vào đó những lời chúc của mình gửi đến bạn bè, thầy cô, cha mẹ hoặc những ước mơ thầm kín gởi ông già Noel, cô tiên mùa xuân. Những buổi trò chuyện theo các chủ đề phải nhằm mục đích giúp trẻ phát triển trí nhớ, tập trẻ quan sát có chủ định để ghi nhớ, tập trẻ trả lời có logic để luyện đặt câu.
Các chuyến đi dã ngoại là nơi trẻ hiểu được thế giới xung quanh và cũng là nơi khơi gợi cho trẻ ham muốn đọc (cho trẻ đọc tên các con vật ở Thảo cầm viên).
Trong hoạt động làm quen với chữ viết luôn kết hợp tạo hình tạo cảm xúc thoải mái để trẻ hứng thú tham gia. Ví dụ thay vì yêu cầu trẻ viết hai nét xiên phải trái, giáo viên yêu cầu hoặc gợi ý trẻ vẽ hai cây kem, hai nét xiên tạo ra hai que kem ngon, hoặc chú hề đội mũ sẽ có dạng chữ ơ... Từ bất kỳ đồ vật, sự vật nào trẻ quan sát và ghi nhớ được đều có liên quan đến sự liên tưởng đến những chữ cái trẻ học, giúp trẻ khắc sâu kiến thức hơn.
Luyện khả năng chú ý có chủ định, biết tập trung, lắng nghe yêu cầu của giáo viên. Chuẩn bị kỹ năng: nghe, nói (tiếp nhận), viết (biểu lộ), mở rộng vốn hiểu biết để hình thành bốn kỹ năng nghe, nói, đọc,viết.
Mỗi giáo viên cần phải dựa vào các nguyên tắc dạy học bậc mầm non để tổ chức các hoạt động đảm bảo tính vừa sức, tính phát triển, tính hệ thống liên tục và chú ý cá biệt đối với trẻ nhằm hình thành ở trẻ: khả năng quan sát, ghi nhớ và vận động kích thích trẻ nỗ lực khám phá. Tổ chức hoạt động dễ quá sẽ không kích thích khả năng học tập ham khám phá của trẻ. Thông qua việc tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh, hiểu biết về trường tiểu học để trẻ có tâm thế tốt về sau. Ở lớp lá hình thành trẻ các thói quen mở tập, lật tập, đọc sách. Giáo viên dùng lời nói độc lập sẽ không hiệu quả vì không phù hợp đặc điểm nhận thức của trẻ ở độ tuổi này.
Trần Thị Thanh Hiền
(GV Trường Mầm non 25A)



 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ngày đầu tiên đi học (12/6)
 Phát triển ngôn ngữ cho trẻ bằng cách nào? (28/5)
 Những cách đơn giản cho trẻ làm quen chữ viết (15/5)
 Cách dạy chữ cái cho trẻ em (13/5)
 Tầm quan trọng của việc chuẩn bị toàn diện cho trẻ vào lớp Một (12/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i