Xã hội
   TP.HCM: Trường học gồng mình đón trẻ nhập cư
 

Tình trạng trẻ nhập cư tăng nhanh, đặc biệt ở vùng ven TP.HCM, đã khiến nhà trường quá tải, giáo viên lẫn học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và học.

So với quy định của Bộ GD-ĐT (mỗi trường tiểu học không quá 35 lớp học và sĩ số mỗi lớp chỉ khoảng 30-35 học sinh) thì Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp - TP.HCM) dẫn dầu cả nước về "thành tích quá tải": có đến 103 lớp - gấp 3 lần quy định; trung bình mỗi lớp 50 học sinh - gấp 1,4 lần qui định.

Riêng khối 1, có 29 lớp với tổng số 1.440 học sinh (HS). Mỗi lớp chỉ có một giáo viên, các cô vừa phải làm công tác chủ nhiệm, dạy tất cả các môn, kể cả nhạc, họa, thể dục... Do việc "bùng nổ dân số" nên HS An Hội không có điều kiện để học tốt như các trường khác, những HS yếu kém thì không được rèn luyện, các em phát triển chậm hơn vì không được tham gia các hoạt động khác...

Tình trạng bất hợp lý vì quá tải của Trường Tiểu học An Hội chỉ là một điển hình cho tình trạng gia tăng trẻ nhập cư.

Không chỉ quận Gò Vấp, mà nhiều quận ven khác trên địa bàn TP.HCM cũng phải hứng chịu tình cảnh tương tự.

Giờ tan học của học sinh Trường Tiểu học Phước Long (Q.9).

Trường không đủ sức chứa, học sinh tan tác
Nhà Thiếu nhi quận 9, Trường THCS Phú Hữu, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B, phân hiệu Trường Tiểu học Phước Long là tổng số cơ sở mà học sinh của Trường Tiểu học Phước Long, Q.9, TP.HCM phải đi học "ké" ngoài cơ sở chính đang xây dựng.

Ở TP.HCM, có lẽ Phước Long là trường dẫn đầu về số "chi nhánh" dạy học. Ngay đến người dân địa phương gần khu vực cơ sở chính và phân hiệu của trường cũng không biết được HS trường này phải học ở những nơi nào.

Năm ngoái, do số HS tăng mạnh, Trường Tiểu học Phước Long đã phải gửi HS qua học ké nơi khác như trường mầm non, trường trung học cơ sở (THCS). Năm nay, cơ sở chính của trường phải xây dựng lại, số học sinh phải học ké càng nhiều hơn.

Một lớp học ở nhà Thiếu nhi Q 9, học sinh phải "sống chung" với tiếng ồn.

Việc học ké ở những cơ sở khác khiến cả phụ huynh và HS gặp không ít khó khăn, nhất là chuyện đưa đón rất mất thời gian.

Nhà Thiếu nhi quận 9 dành 10 phòng học (được mượn từ một trường mầm non trước kia) cho các em học Trường Tiểu học Phước Long. Nhiều phụ huynh đến đón con ái ngại cho môi trường học của các em. Chị Lan, phụ huynh có con học lớp 3 than thở: "Ngay kế bên lớp học là sân trượt pa-tanh, không có khách thì thôi, chứ 2-3 giờ chiều có khách đến họ lại bật nhạc ầm ĩ. Mấy đứa nhỏ khó mà tập trung học được!".

Kiều Thư, HS lớp 2 của trường nói rằng: "Năm nay em học ở đây, tiếng nhạc phát ra từ sân trượt pa-tanh ồn ào lắm".

Các em khối lớp 4, lớp 5 thì phải "di tản" sang Trường cấp 2 là Phú Hữu (13 phòng, mỗi phòng học có 40 em HS) và Tăng Nhơn Phú B (7 phòng). Bà Lê Thị Minh Loan, quyền Trưởng phòng Giáo dục quận 9 chia sẻ: "Trường Tiểu học Phước Long cũng đã cố gắng cho các em khối lớp lớn học ở những nơi này để bàn ghế không quá cao so với tầm vóc các em. Năm học sau, nếu trường được xây dựng xong, các em sẽ có đủ chỗ để học và có điều kiện học thoải mái hơn".

Học sinh giảm do đời sống của những người dân nhập cư không ổn định

Tương tự như Trường Tiểu học Phước Long của quận 9, Trường Tiểu học Bình Long của quận Bình Tân cũng bị áp lực về số lượng HS tăng lên. Để xây thêm 3 phòng học mới, nhà trường phải "hy sinh" sân chơi của các em.

Ngôi Trường Lý Thái Tổ (Q.8) với nhiều "cái không": không tiếp đất, không cổng trường, không sân chơi...

Năm học 2008-2009, HS của trường khoảng 1.000 em thì năm học này tăng thêm 200 em. Năm ngoái, cả trường chỉ có 22 lớp còn năm nay là 28 lớp, trung bình gần 44 em/lớp.

Cùng ở quận Bình Tân, nhưng khác với Trường Bình Long, Trường Tiểu học Bình Thuận không tăng số HS, thậm chí giảm. Trong khi, ước đoán trước đó của trường là số HS sẽ tăng lên.

Năm học trước, trường nhận 2.051 HS (50 lớp, trung bình 41 em/lớp), năm nay chỉ có 1.996 HS (giảm một lớp). Hằng năm, trường này đều có tình trạng rất đông phụ huynh xin cho con vào học, nhưng trong thời gian hè, cũng có nhiều phụ huynh xin cho con nghỉ học.

Thầy Hiệu trưởng Dương Văn Bình nhận xét: "Điều này nói lên rằng, đời sống của những người dân nhập cư không ổn định. Họ đưa con vào học rồi lại rút ra nếu tìm được nơi khác làm ăn tốt hơn, hoặc là do đời sống họ khó khăn hơn, không thể cho con cái tiếp tục học".

Ông Bình chia sẻ: "Sĩ số ít thì các em được chăm lo tốt hơn, trường cũng đỡ áp lực hơn. Mặc dù số học sinh trường này có giảm, nhưng trường cũng vẫn chỉ có thể cho các em học một buổi vì không đủ số phòng để mở lớp bán trú".

Theo Vietnamnet

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thu hồi 1 triệu xe đẩy trẻ em (11/11)
 QUẢNG BÌNH: Hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mầm non (10/11)
 Bắc Giang: Kiểm tra kiến thức GV trong tháng 12 (10/11)
 Đưa giáo dục và y tế vào rốn lũ: Nằm học trong ngày tựu trường đặc biệt (10/11)
 Học chơi nhạc cụ giúp kích thích sự phát triển trí nhớ ở trẻ (10/11)
 Niềm vui từ ánh mắt trẻ (9/11)
 Hoạt động các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam: Nhà đầu tư rủi ro, nhà quản lý gặp khó. (9/11)
 HS tiểu học nên ăn trứng, đậu phụ, rau xanh... (9/11)
 Chạy theo thành tích (9/11)
 Trẻ khóc cũng bằng tiếng địa phương (9/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i