Giáo dục trẻ
   Dạy trẻ biết "tôn sư trọng đạo"
 

Hầu hết cha mẹ ở xã hội hiện đại có đầy đủ điều kiện nuôi dưỡng con cái toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên có một điều mà phụ huynh ít lưu tâm trong vấn đề giáo dục con trẻ đó là lòng biết ơn và làm sao để dạy trẻ biết tôn sư trọng đạo. Nhân lễ Hiến chương Nhà giáo, Webtretho lạm bàn đến việc giáo dục nhân cách và thể hiện lòng biết ơn của trẻ trong xã hội ngày nay.

Bài học đầu đời

Tiên học lễ, hậu học văn

Dân tộc ta có truyền thống "tôn sư trọng đạo", thời phong kiến, trong bậc thang giá trị lễ nghi thì nhà giáo chỉ xếp sau vua và trước cả cha mẹ: "Quân - Sư - Phụ". Điều đó cho thấy tầm quan trọng của người thầy như thế nào trong xã hội xưa lẫn nay.

Tôi còn nhớ như in cái không khí rộn ràng mỗi dịp lễ Hiến chương nhà giáo, cha mẹ đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng từng món quà để tặng thầy cô. Quà thời ấy đơn giản là những thước vải gói khéo trong hộp quà nho nhỏ, cuốn sổ tay, vài gói trà hay một bó hoa hồng cắt trong vườn nhà... thế nhưng ấm áp tình nghĩa, cả người trao lẫn người nhận đều rất phấn khởi, hân hoan. "Văn hóa tặng quà" mang ý nghĩa sâu xa là để thể hiện lòng biết ơn và khó có thể quy đổi thành giá trị hữu hình.

Ngày nay, một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh đã đa dạng hóa các loại quà cáp lẫn hình thức biếu xén, họ quy đổi thành giá trị vật chất khiến ngày lễ Hiến chương bớt đi phần thanh cao và mang ý nghĩa thực dụng hơn trước. Phụ huynh tặng quà cho thầy cô theo nghĩa vụ, thậm chí "cạnh tranh" lẫn nhau để lấy lòng thầy cô, điều đó khiến việc giáo dục cho con trẻ biết "tôn sư trọng đạo" khó khăn hơn bởi ý nghĩa thực của lễ Hiến chương dường như bị mai một đi nhiều.

Dạy con lòng biết ơn

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Biết ơn người dạy dỗ và dìu dắt chúng ta nên người là bài học đầu tiên về truyền thống tôn sư trọng đạo. Bạn cũng hiểu rằng, trẻ con vốn chỉ biết tập trung vào những nhu cầu của riêng mình và nhận thức về những giá trị đạo đức còn rất hạn chế. Từ 2 tuổi trở lên,bé mới có thể bắt đầu hiểu được "cho" và "nhận" là một phần quy luật tự nhiên của mọi vật. Cha mẹ định hướng trẻ lòng biết ơn thầy cô là điều nên làm, dạy trẻ lễ phép với thầy cô, giải thích vai trò và tầm quan trọng của thầy cô, lúc ấy trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận một cách tự nguyện. Đó là cách để trẻ làm quen với lễ nghĩa sơ khai về lòng biết ơn thầy cô và những mối qua hệ bạn bè, trường lớp.

Những bó hoa tươi thắm dành tặng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Images.

"Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, người lớn hãy viết lên đó những điều tốt đẹp bằng chính lời nói và hành động của mình". Điều này lý giải tại sao phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu được việc thể hiện lòng tri ân đối với công lao dạy dỗ với thầy cô giáo là một nghĩa cử cao đẹp mà ngày Hiến chương là dịp bồi đắp thêm tình nghĩa thầy trò.

Hãy làm gương cho con, trò chuyện, trao đổi với con về những khúc mắc trong quá trình đi học, làm cầu nối cho con và thầy cô để bé không lấy làm buồn giận nếu lỡ mắc một hình phạt nào đó ở lớp học.

Đây là bài học rút ra từ một ID trên Webtretho có tên là Mebong, bé con nhà Mebong đang học lớp 1 và rất thích ăn bắp rang, hôm ấy, mẹ cho bé một túi to mang đến lớp dặn giờ ra chơi mới được ăn. Bé ngoan ngoãn để trong hộc bàn, thèm lắm nhưng cũng chỉ dám luồn tay vào mang ra nhìn ngắm rồi để vào chỗ cũ, vô tình bạn bên cạnh nhìn thấy, giật lấy và chia cho các bạn khác cùng ăn trong giờ học. Cô giáo phát giác ra, gọi ngay chủ nhân túi bắp lên quỳ trước lớp mà không hỏi rõ đầu đuôi. Bé khóc và nhất định "không học với cô nữa".

Mẹ phải giải thích, cô giáo đích thân xin lỗi, bé mới chịu đến lớp. Đó chỉ là một mâu thuẫn nhỏ trong những mâu thuẫn giữa thầy trò, nếu nặng nề hơn có thể đẩy lên kịch tính như vụ án học sinh PTTH lăng mạ và đánh cô giáo, sinh viên tạt axit vào giảng viên của mình mà báo chí đã đưa tin, hành vi ấy gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ thầy trò cũng như sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên. Vậy nên việc giáo dục trẻ về truyền thống "tôn sư trọng đạo" từ lúc bé biết nhận thức để hoàn thiện dần nhân cách và nhận thức lúc trưởng thành là điều hết sức cần thiết.

Hầu hết phụ huynh trong xã hội hiện đại đều trải qua tuổi đến trường và cũng đã thuộc lòng bài học đầu tiên là lễ nghĩa, là truyền thống "tôn sư trọng đạo". Vì thế hãy truyền đạt sự cảm thụ chân thành của lòng biết ơn ấy cho con trẻ, cho dù nó được thể hiện ở hình thức tặng quà thì sự "cho" và "nhận" ấy đơn giản là tình cảm chân thành để thể hiện lòng biết ơn người dìu dắt, hãy cho con hiểu đó là cách biểu lộ tình cảm phù hợp và hoàn toàn chính đáng:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Giáo dục trẻ lòng biết ơn theo từng độ tuổi

Ở tuổi mẫu giáo bé đã bắt đầu hiểu được cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ, trong đó nghĩa thầy - trò, bè bạn, gia đình... đều cần mỗi cách ứng xử khác nhau. Dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn và nhận thức dần với những nghi thức, những bài học làm người, những truyền thống tốt đẹp của cha ông là một phần trong hành trình giáo dục kỹ năng sống và đạo đức của trẻ.


Ảnh: Getty Images.

Theo từng độ tuổi tầm nhận thức của trẻ cũng được bồi đắp và nâng cao hơn, lối cư xử của người lớn, những vấn đề phát sinh trong xã hội, môi trường sống, môi trường học tập, đặc biệt là sự xuống cấp của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong xã hội hiện đại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự đạo đức cũng như việc hình thành nhân cách của trẻ.

Có rất nhiều thầy, cô giáo phàn nàn rằng: "Thật ngạc nhiên, chúng tôi ra đường, học sinh tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đa phần rất ngoan, luôn gật đầu chào, vậy mà nhiều em học sinh cấp 3, sinh viên đại học lại dửng dưng trước thầy cô, không có lấy một lời chào hỏi"

Theo quan sát và ghi nhận nhỏ ở trường THCS Điểu Cải ( Phú Túc, Định Quán, Đồng Nai) và THPT Nguyễn Hữu Huân (P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. HCM), một số em chỉ chào thầy cô cho có lệ, hầu hết các em thường né tránh việc đối diện với thầy cô giáo. Khi tôi hỏi: Sao em không chào thầy? Em này trả lời: Ngại lắm, gặp hoài mà, khách sáo quá!!!.Mặc dù chỉ là một bộ phận nhỏ học sinh nhưng nó trở thành một dấu hỏi lớn về cách thức giáo dục lễ nghĩa trong nhà trường và định hướng giáo dục của gia đình đối với con trẻ.

Cách xưng hô giữa "thầy - trò", cũng đã có nhiều thay đổi theo thời gian. Trong xã hội hiện đại, các em mẫu giáo, tiểu học xưng hô là "con thưa cô/thầy", với học sinh THCS và THPT là "em thưa cô/ thầy"... Sự chuyển tiếp ấy đơn giản là đánh dấu sự trưởng thành của các em nhưng vẫn giữ lại sự kính trọng, thứ bậc rõ ràng mà không hề xóa đi sự thân thiện, bình đẳng cho mối quan hệ thầy trò.

Theo thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thu Hà: "Dạy lễ nghĩa là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người. Những thói quen sẽ hình thành nên nhân cách và ảnh hưởng đến tính khí của một người sau này, vậy nên việc dạy lễ nghĩa cho con cái vô cùng quan trọng, cần thiết hơn cả việc dạy chữ cho con".

Giúp trẻ hình thành sự lễ phép, lòng kính yêu, tôn trọng thầy cô là một việc làm đáng khích lệ, không phải cứ dịp Hiến chương mới thể hiện nó mà truyền thống "tôn sư trọng đạo" là biểu hiện chân thành theo suốt cuộc đời mỗi con người.

Theo Thương Hoài/ Webtretho

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đừng để bé dùng nước mắt làm vũ khí (18/11)
 Cùng con trò chuyện về giới tính (18/11)
 Khi bé con nhút nhát (18/11)
 Dạy bé 1 tuổi kết bạn (16/11)
 Dạy con cách nắm bắt thông tin nhanh nhất (16/11)
 Dạy con cách quản lý thời gian (13/11)
 Dạy con biết...nghèo (13/11)
 Những cách để bé ngoan hơn (12/11)
 Ép trẻ làm... thần đồng (11/11)
 Thận trọng khi mắng con (11/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i