Giáo dục trẻ
   "Mẹ, con ghét em!"
 

"Con hư quá, sao lại đánh em?". Cô bé khóc òa tức tưởi: "Mẹ không thương con nữa, mẹ chỉ thương em. Con ghét em". Đang dở tay nấu cơm, chị Thúy Nga bảo cô con gái năm tuổi ngồi chơi với cậu em trai 16 tháng. Chị dặn: "Con là chị nên phải nhường em, không được giành đồ chơi với em nghe hông!".

Vậy mà, chị vừa quay lưng vào bếp đã nghe con trai khóc thét. Trở ra, chị phát hiện cô chị đang "nhiệt tình" nhéo tay em. Giận quá chị vừa đét vào mông con gái, vừa quát: "Con hư quá, sao lại đánh em?". Cô bé khóc òa tức tưởi: "Mẹ không thương con nữa, mẹ chỉ thương em. Con ghét em".

Bất ngờ trước phản ứng của con, chị Nga khựng lại, không mắng con như vẫn thường làm mỗi khi con trả treo với ba mẹ. Chị chợt nhớ con bé đã nhiều lần không chịu chơi với em, giành đồ chơi, ít khi cho em đồ ăn và còn đòi mẹ đem em đi đổi búp bê. Chị giật mình nhận ra, có lẽ do khoảng thời gian trước khi sinh em, chị quá lo lắng, bận bịu mà thiếu quan tâm đến cô chị, nên bé nghĩ tình cảm của cha mẹ đã bị san sẻ.

Nhím - cậu con trai bốn tuổi của chị Nguyệt Hằng thì đã không thích em từ khi em còn trong bụng mẹ. Trước đó, Nhím là nhân vật số 1, luôn được ba mẹ chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu, nhưng từ khi mẹ thông báo: "Con sắp có em và em đang ngủ trong bụng mẹ" thì mẹ không còn bồng Nhím nữa, không cho Nhím ngủ cùng vì sợ Nhím đạp tứ tung sẽ làm em đau. Mỗi khi Nhím đùa giỡn, lỡ tay trúng bụng mẹ là bị ba mắng ngay: "Con làm em đau đấy. Ba đánh đòn bây giờ". Vì vậy, dù chưa biết mặt mũi em, Nhím đã ghét rồi. Nhím càng ghét hơn khi cô chú hay trêu: "Mai mốt có em, Nhím sẽ bị ra rìa". Em bé chào đời, thấy mẹ suốt ngày chăm em, lơ Nhím, Nhím đến gần em thì mẹ la: "Con chọc em khóc là mẹ đánh đòn đấy". Vì vậy, mỗi lần em bé khóc là Nhím xúi mẹ "đem em cho ông Ba Bị".

Theo các chuyên gia tâm lý, ganh tỵ, không thích em bé, là tâm lý thường thấy của nhiều trẻ. Các em chưa đủ nhận thức để tự hiểu em bé rất cần sự chăm sóc của cha mẹ, ông bà, cũng giống như mình ngày xưa. Trẻ chỉ thấy hiện tượng: ba mẹ mua sắm nhiều quần áo mới, đồ chơi, làm phòng ngủ đẹp cho em bé; khi có em rồi, mẹ không còn thời gian dành cho mình nhiều như trước; mẹ hay nổi giận khi mình phạm sai lầm (do áp lực chăm con nhỏ nên các bà mẹ thường cáu gắt). Đặc biệt, mỗi lần mình lỡ tay làm trúng em hay làm em giật mình thức giấc là bị ba mẹ quát hay dọa đánh... Những biểu hiện đó của ba mẹ được con trẻ cho là ba mẹ đã bỏ rơi mình, mà nguyên nhân chính là thành viên mới.

Trẻ con không biết kiềm chế tình cảm, cảm xúc, nên sự ganh tỵ sẽ được thể hiện bằng những hành động cụ thể: cấu véo em bé, giành đồ chơi của em, trêu cho em bé khóc, khóc nhè đòi mẹ bồng, dỗ dành... Lòng ganh tỵ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của trẻ, nếu người lớn không kịp điều chỉnh. Tiếc là nhiều phụ huynh ít quan tâm đến điều này, cho rằng đó là tâm lý tự nhiên, sẽ biến mất khi con lớn.

Để bé không ganh ghét em, cha mẹ cần tránh áp đặt việc bé phải nhường nhịn em. Thay vào đó, hãy khuyến khích, tạo điều kiện để trẻ tự nguyện thông qua những lời ngợi khen khi trẻ có những cử chỉ chăm em. Cha mẹ cũng tránh dùng roi vọt khi con phạm lỗi hay có biểu hiện ganh tỵ với em, vì đó là thời điểm nhạy cảm. Nếu bị ba mẹ đánh đòn, trẻ sẽ quy tội cho em và ghét em hơn. Giải pháp tốt nhất là không phải chờ đến khi trẻ có thái độ ganh tỵ, không thích em, thì cha mẹ mới quan tâm, điều chỉnh mà chuẩn bị trước tâm lý cho con "lên chức" anh/chị, sẵn sàng tiếp đón thành viên mới. Ba mẹ nên giảng giải cho con hiểu là con sắp có em, nghĩa là con sẽ có một người để cùng chơi đùa, một người sẽ yêu thương con thật nhiều và cũng cần được con thương yêu chăm sóc. Khi nhận ra những điều thú vị từ việc có em, trẻ sẽ háo hức trông đợi em bé chào đời. Từ đó, sự ràng buộc tình cảm của anh/chị dành cho em đã được định hình sẽ lớn dần lên.

Theo Phunuonline

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bài học kinh nghiệm cho việc chiều con (29/12)
 Cùng con đối mặt với cơn giận (28/12)
 Mẹ ơi, thế nào là bị lạm dụng tình dục? (28/12)
 Để con thành "siêu sao" trong lớp (25/12)
 Phát hoảng vì con gái 'được yêu' (24/12)
 Vun đắp sự tự tin cho bé từ sớm (24/12)
 Rối loạn hành vi giới tính ở bé trai Title (24/12)
 Cha mẹ phải dạy con cách tiêu tiền (23/12)
 Cho con học cách quản lý tiền từ “Trại hè Triệu phú” (22/12)
 Dạy con đối phó với những lời chọc ghẹo (22/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i