Giáo dục mầm non
   TPHCM: Tìm trường mầm non cho con: Đến hẹn lại… rối!
 

Cứ đến tháng 6 là các bậc phụ huynh có con em lên 3 tuổi lại rối bời tìm trường mầm non cho con.


Rối nhất vẫn là những phụ huynh chưa có hộ khẩu TPHCM.
Ước tính mỗi năm TPHCM có khoảng 150.000 trẻ 3 tuổi cần đến trường mầm non. Do hệ thống trường mầm non công lập không đủ chỗ để đón nhận tất cả các em nên không phải trẻ nào có nhu cầu là trường mầm non công lập mở cửa đón nhận.

Thứ tự ưu tiên tuyển chọn được các trường mầm non công lập áp dụng trước là hộ khẩu TPHCM, lại phải trú tại nơi trường mầm non tọa lạc, sau mới đến diện KT3, dĩ nhiên cũng trú tại nơi trường mầm non tọa lạc. Thoạt nghe có vẻ ổn nhưng trên thực tế, hệ thống trường công chỉ đủ chỗ nhận diện trẻ có hộ khẩu, còn diện trẻ KT3 và tạm trú khác thì đang phải "tự thân vận động".

 

Công không nhận, tư hết chỗ
Mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Hòe chạy bở hơi tai để tìm một trường mầm non cho con gái 3 tuổi Bùi Thị Kim Anh. Chị Hòe trú tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với tạm trú diện KT3. Gần nơi chị trú có các trường mầm non tư thục Sao Mai, Toàn Mỹ, Thiên Đức... nhưng những nơi này đều lắc đầu từ chối nhận cháu Kim Anh với lý do hết chỗ. "Gần khu vực này không có trường công lập đâu.


Tôi có liên hệ với một trường mầm non công lập tại khu vực chợ Đại Hải cách nhà gần 10km, nhưng trường này bảo khó vì tôi chỉ có KT3, lại còn khác ấp nên chưa giải quyết được. Nhà trường có nói thêm là đến đầu tháng 7 tôi quay lại, nếu may còn chỗ thì nhận nhưng không chắc. Tôi đành tìm đến các trường tư gần nhà nhưng cách đây 3 ngày họ cũng bảo hết chỗ cả rồi", chị Hòe rầu rĩ cho biết.


Trường hợp của anh Huỳnh Quốc Tuấn (Phường 14, quận Gò Vấp) cũng khó không kém. Anh Tuấn cầm KT3 đi nhiều trường mầm non tại Gò Vấp nhưng ngoài những câu từ chối thẳng và hẹn "ráng chờ" thì chưa trường nào giải quyết cho con trai 3 tuổi của anh có lớp học. "Gần nhà nhất là trường mầm non Hướng Dương ở 9/1 Phan Huy Ích (phường 14) nhưng trường này từ chối thẳng rồi. Họ nói KT3 và cùng phường cũng chẳng nhận được nữa vì cơ sở vật chất không đủ.

 

Đến các trường khác phường tình hình còn tệ hơn. Những trường không từ chối thẳng thì bảo chờ qua tháng 7. Tôi thấy ở cùng phường mà còn không giải quyết thì các trường khác hết hy vọng rồi. Đường cuối cùng là tìm các trường mầm non tư thục thôi", anh Tuấn bức xúc.

 

Sáng 16/6, với lý do gửi con 3 tuổi, chúng tôi liên hệ đến trường mầm non Sao Mai (173/1 Trung Chánh, Hóc Môn) - nơi từ chối nhận con chị Hòe - thì nhận được câu trả lời hết chỗ. Các trường mầm non Toàn Mỹ (40/2 Mỹ Hòa 1, Trung Chánh, Hóc Môn) và Thiên Đức (số 2 Trần Văn Mười, Hóc Môn) cũng trả lời chúng tôi "thông cảm tìm nơi khác vì không nhận trẻ 3 tuổi nữa".

 

Một giáo viên tại trường Thiên Đức còn trả lời rất chắc chắn khi chúng tôi nằn nì: "Hết chỗ thật rồi. Đầu tháng 6 đã không còn chỗ rồi anh ạ". Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề hộ khẩu hay KT3, một giáo viên trường Sao Mai cho biết đây không phải là vấn đề các trường tư thục quan tâm, vì vậy số trẻ 3 tuổi vào đây rất đông.

 

Chúng tôi cũng liên hệ đến trường mầm non Hướng Dương - trường mầm non công lập gần nhà anh Tuấn - Ban giám hiệu nhà trường cho hay trước đây nhà trường có nhận trẻ 3 tuổi diện KT3 tại phường, nhưng trường mới trả một cơ sở về phường 8, đồng thời đang thực hiện chương trình phổ cập tiểu học nên ưu tiên trẻ 5 tuổi. Cùng một lý do trên, đại diện trường mầm non công lập Tuổi Ngọc (18 Phạm Thế Hiển, quận 8) cũng cho biết trường không còn nhận trẻ 3 tuổi ở bất kỳ diện nào.


Áp lực thiếu trường
Theo số liệu từ Phòng giáo dục Mầm non thuộc Sở G&ĐT TPHCM, thành phố có gần 700 trường mầm non, trong đó có 407 trường mầm non công lập, số còn lại là trường mầm non dân lập hay tư thục. Bên cạnh đó là 966 nhóm, lớp mầm non tư thục hoạt động có xin phép. Một cán bộ Phòng giáo dục Mầm non (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Trong năm học trước tổng số học sinh mầm non là 275.681 cháu. Trong đó trẻ nhà trẻ hơn 46.000 cháu, riêng trẻ mẫu giáo là đông nhất với gần 230.000 cháu. Hiện tại, hệ thống trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được hơn 50%, số còn lại phải nhờ trường mầm non ngoài công lập gánh. Trường mầm non công lập còn thiếu nhiều lắm".


Vị cán bộ này còn cho biết thêm: "Thật ra không hề có quy định nào liên quan đến hộ khẩu hay KT3 khi cho trẻ nhập học. Nhưng với áp lực thiếu trường, các trường phải ưu tiên giải quyết các trẻ thuộc diện cư trú "ổn định" là có hộ khẩu. Diện KT3 và tạm trú khác đành phải chịu giải quyết sau. Mặt khác, những trẻ dưới 3 tuổi năm trước đã được gửi thì năm nay trở thành học sinh 3 tuổi của trường, do đó nhiều trường chỉ còn trống chỗ cho trẻ dưới 3 tuổi mà thôi. Bên cạnh đó, chương trình phổ cập đang khiến các trường mầm non ưu tiên dành chỗ cho trẻ 5 tuổi nên nhiều trẻ 3 tuổi bị hụt chỗ".


Giải pháp sàng lọc bằng hộ khẩu của các trường mầm non công lập xuất phát từ áp lực thiếu trường đang gây khó cho những hộ gia đình nhập cư vào TPHCM. Đa phần những người nhập cư như chị Hòe, anh Tuấn đều là lao động thu nhập thấp lại chỉ có con đường duy nhất cho con đi học dân lập hay tư thục với học phí đắt gấp đôi trường công lập. Trong khi đó, những hộ gia đình có hộ khẩu TPHCM phần đông có kinh tế gia đình ổn định thì trả chi phí mầm non cho con rẻ phân nửa so với người nhập cư. "Đó là một nghịch lý. Người khá thì học rẻ còn người nghèo thì học mắc", anh Tuấn, người bị trường mầm non công lập tại phường mình đăng ký KT3 từ chối nhận con trai 3 tuổi, bức xúc phản ánh.


Với thực tế vẫn còn hơn 10 phường, xã chưa có trường mầm non công lập, theo thống kê từ Phòng Giáo dục mầm non, năm nào TPHCM cũng đối mặt với tình trạng phụ huynh rối bời tìm chỗ cho con học mầm non. Bao giờ TPHCM mới hết khái niệm "trẻ cư trú ổn định" và "bất ổn định" trong việc thực thi quyền được đi học cho trẻ 3 tuổi?

Đầu tư lớn gỡ rối cho mầm non
Đầu năm 2011, chính quyền TPHCM cho hay thời gian tới sẽ thực hiện 3 dự án lớn liên quan đến giáo dục mầm non với tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng, bao gồm: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo Điều lệ trường mầm non với tổng kinh phí 2.568,178 tỉ đồng; Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng-đồ chơi trong lớp và ngoài trời tổng kinh phí 72 tỉ đồng; Đào tạo, bồi dưỡng trình độ Cao đẳng Sư phạm mầm non (hệ 3 năm) cho 4.732 giáo viên nhằm đảm bảo đủ 2 giáo viên/lớp và đảm bảo sĩ số 30 học sinh/lớp,dự kiến kinh phí đào tạo giáo viên khoảng 60 tỉ đồng.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể gì thêm liên quan đến 3 dự án này.

 

Theo Giadinh.net

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Vĩnh Phúc: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sẽ "về đích" trước 3 năm (23/6)
 "Dạy trẻ cái gì?" không quan trọng bằng "Dạy trẻ thế nào?" (22/6)
 Bốc thăm trúng tuyển vào trường Mầm non (21/6)
 Trường mầm non công lập thiếu lớp nhà trẻ (20/6)
 Căng thẳng chỗ học cho trẻ 3 - 4 tuổi (17/6)
 Cho con đi học hè: Phụ huynh không có quyền thoả thuận (16/6)
 Dự thảo: Kiểm định chất lượng trường mầm non 5 năm/lần (15/6)
 Ba bước đánh giá chuẩn hiệu trưởng trường mầm non (14/6)
 Tuyển sinh vào các trường mầm non TPHCM: “Căng” cho KT3 (13/6)
 Hành vi ngược đãi trong GD có thể bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng (10/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i